Banner trang chủ

100 doanh nhân hàng đầu Việt Nam cam kết không sử dụng sừng tê giác

13/03/2017

     Trong khuôn khổ chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” do tổ chức WildAid và CHANGE thực hiện, 100 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ cho việc chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác, bằng việc ký cam kết không bao giờ sử dụng sừng tê giác cũng như các sản phẩm động vật hoang dã trái phép, đồng thời cam kết sẽ đóng góp vào công cuộc bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam. 

     Trong số các lãnh đạo doanh nghiệp ký cam kết, có bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE), bà Đinh Thị Hoa (Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Ngân), Ông Trần Hùng Huy (Chủ tịch ngân hàng ACB), Ông David Do (Giám đốc Điều hành Quỹ VIG), bà Trương Huệ Vân (Chủ tịch tập đoàn WMC), Ông Bùi Quang Ngọc (Giám đốc công ty FPT), Ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê), ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh), Ông Nguyễn Quốc Khanh (Chủ tịch Công ty AA), Ông Hoàng Khải (Chủ tịch tập đoàn Khai Silk), cùng nhiều doanh nhân khác. 

 

Các doanh nhân tìm hiểu thông tin và ký cam kết tại lễ công bố “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2014"


     “Là một nữ doanh nhân trong thời kỳ hội nhập kinh tế, chỉ làm kinh doanh giỏi là chưa đủ, điều quan trọng là biết cân đối giữa các lợi ích tài chính và các giá trị xã hội”, - bà Mai Thanh chia sẻ suy nghĩ của mình khi ký vào bản cam kết này. “Tôi cũng hiểu về vai trò và trách nhiệm của mình trong các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn nạn tiêu thụ động vật hoang dã, vốn đang đẩy rất nhiều loài đến bờ tuyệt chủng. Tôi thiết tha kêu gọi gia đình, bạn bè, và các đối tác kinh doanh hãy cùng tham gia với tôi trong cuộc chiến này”. 

     Bên cạnh việc cam kết bảo vệ động vật hoang dã và chấm dứt tê nạn buôn bán sừng tê, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ đi tiên phong trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Tôi đánh giá cao bản cam kết này của các doanh nhân Việt nam. Nó thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của giới lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đối với sự cấp thiết phải đẩy mạnh thực thi pháp luật và thực hiện các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã một cách hiệu quả hơn”, ông Peter Knights, Tổng giám đốc của WildAid nhận định. “Bản cam kết bảo tồn động vật hoang dã và chấm dứt nhu cầu về sừng tê ở Việt nam” đã được phát động từ hơn một năm trước, với sự tham gia của ngài tỷ phú Richard Branson khi ông có chuyến viếng thăm TP Hồ Chí Minh và đã có cuộc gặp gỡ với một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tên tuổi, và tất cả những người tham dự đã cùng đặt bút ký bản cam kết này. Kể từ ngày đó, có thêm 75 vị lãnh đạo doanh nghiệp tên tuổi khác, cùng với hơn 250 người nắm các chức vụ quản lý điều hành doanh nghiệp, cũng đã ký bản cam kết này. 

     Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường tiêu thụ sừng tê chính, chủ yếu đến từ tê giác bị săn trộm ở Nam Phi và các quốc gia châu Phi khác. Với tư cách là những đại diện của khối tư nhân, các vị lãnh đạo doanh nghiệp muốn thể hiện rõ quan điểm của mình là nói không với sừng tê, đồng thời ủng hộ các nỗ lực chấm dứt việc tiêu thụ trái phép sừng tê, và cuộc khủng hoảng săn trộm sừng tê vốn đã làm cho 5,750 con tê giác bị giết chỉ ở riêng Nam Phi tính từ năm 2008. 
 

     Được biết, bản cam kết với danh sách đại diện các doanh nhân đã ký tên sẽ được đăng tải trên một số ấn phẩm kinh doanh ở Việt Nam như tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, tạp chí Doanh nhân, tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, tạp chí Thể thao Văn hóa và Đàn ông, tạp chí TravelLive, Thời báo Kinh tế Sài Gòn,..và đăng tải trực tuyến tại website http://camketvihoangda.org với mục đích kêu gọi giới doanh nhân trong nước thay đổi niềm tin và hành vi của mình đối với vấn đề tiêu thụ động vật hoang dã.

     Ngoài bản cam kết này, CHANGE và WildAid cũng có những hoạt động khác nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nhân Việt trong việc bảo vệ tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng, như sản xuất một loạt phim tài liệu ngắn phỏng vấn các lãnh đạo doanh nghiệp về quan điểm và nhận định của họ về vấn đề này. Trong thời gian tới, dự án cũng sẽ sản xuất thêm các clip thông điệp truyền thông để phát trên truyền hình và các kênh quảng cáo ngoài trời, cũng như tổ chức các buổi toạ đàm và gặp gỡ với giới kinh doanh để tiếp tục thu hút sự tham gia cũng như vận động sự ủng hộ và hỗ trợ của họ cho công cuộc bảo tồn ở Việt Nam.

Phạm Đình (Theo HNMO)

 

Ý kiến của bạn