09/05/2017
Ngày nay, vấn đề môi trường và an toàn, vệ sinh lao động đã trở thành tiên quyết của mọi sự hợp tác và hội nhập. Do vậy, doanh nghiệp (DN) trong quá trình hoạt động sản xuất muốn phát triển, thì phải nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng phải quan tâm đến công tác BVMT, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động, cộng đồng.
Biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố môi trường |
Đánh giá sự tác động của công tác an toàn, sức khỏe và môi trường đến sự phát triển
Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã xác định phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và BVMT.
Trên cơ sở đó, một DN muốn đạt đến sự phát triển bền vững phải đảm bảo phát triển cân đối 3 yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, tức là phát triển kinh tế luôn gắn liền với hoạt động BVMT và trách nhiệm xã hội. Công tác an toàn - sức khỏe - môi trường (HSE) có liên quan hữu cơ với cả 3 yếu tố trên và được xem là “cánh cửa” để phát triển bền vững của DN.
Theo đó, an toàn - vệ sinh lao động hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động tại nơi sản xuất (yếu tố xã hội). Tuy nhiên, những tác động bởi ô nhiễm do khói, bụi, nước thải,... trong quá trình sản xuất nếu DN không quan tâm BVMT thì người lao động bị ảnh hưởng (yếu tố môi trường). Như vậy, yếu tố thứ 3 là đảm bảo sự phát triển sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm (yếu tố kinh tế). Với phân tích trên, có thể thấy, công tác HSE rất quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của DN.
Hiện nay, hệ thống quản lý tích hợp an toàn - môi trường - chất lượng theo các tiêu chuẩn OHSAS 18001 (nay là ISO 45001), ISO 14001 và ISO 9001 được ứng dụng rộng rãi tại các DN trên thế giới và mang lại hiệu quả to lớn về chất lượng, môi trường và an toàn sức khỏe của người lao động.
Trước đây, nhà sản xuất muốn kinh doanh hiệu quả thì mục tiêu đầu tiên là phải đạt được chất lượng. Do vậy, ISO 9001 (Hệ thống quản lý chất lượng) được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành lần đầu tiên vào năm 1987. Tuy nhiên, sau một thời gian cho thấy, nếu áp dụng ISO 9001 vẫn chưa đủ đảm bảo cho DN sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định bởi tác động ô nhiễm môi trường. Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển năm 1992 tại Rio de Janeiro đã đặt ra các vấn đề khẩn cấp về môi trường và cũng tại đây, Tổ chức ISO cam kết thiết lập Tiêu chuẩn quản lý môi trường quốc tế và ISO 14001 đã được ra đời vào năm 1996.
Công nhân được đáp ứng đầy đủ các điều kiện lao động tại nơi sản xuất |
Khi thực hiện tích hợp đồng thời Hệ thống ISO 9001 và ISO 14001, sau một thời gian kết quả vẫn chưa đáp ứng xu thế chung là phát triển bền vững, bởi vì thiếu yếu tố an toàn, sức khỏe của người lao động (yếu tố cơ bản của phát triển bền vững). Năm 1999, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã xây dựng và ban hành Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001 của Vương quốc Anh và từ đó, OHSAS 18001 được nhiều tổ chức, DN áp dụng. Hiện nay, ISO 45001 đã ra đời, thay thế cho OHSAS 18001 nhằm hướng tới loại bỏ các hạn chế để tích hợp dễ dàng với ISO 9001 và ISO 14001.
Như vậy, việc tích hợp 3 hệ thống chất lượng (ISO 9001), môi trường (ISO 14001) và an toàn sức khỏe (ISO 45001) đảm bảo mục tiêu hiệu quả sản xuất, xã hội và môi trường tức là đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của DN.
Đánh giá tác động thông qua lượng hóa bằng hiệu quả kinh tế
Công tác HSE làm tăng hiệu quả của quá trình lao động, vì thế, đương nhiên sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, hiệu quả này có những yếu tố có thể tính ngay được gọi là “kinh tế hiện” và có những yếu tố chưa tính được gọi là “kinh tế ẩn”. Ngày nay, xã hội càng phát triển thì yếu tố “kinh tế ẩn” ngày càng lấn lướt “kinh tế hiện”.
“Kinh tế hiện” nghĩa là khi đầu tư cải thiện điều kiện lao động, BVMT hiệu quả có thể lượng hóa được. Hiệu quả kinh tế có thể xác định theo Công thức:
E = SC+TN+B+TT±GT-BP.
Trong đó, SC là tổng chi phí sự cố hàng năm được giảm. Thiệt hại do sự cố bao gồm: Giá thành thiết bị và chi phí lắp đặt thay thế thiết bị không sử dụng được do sự cố; vật tư cần sử dụng để thay thế phần bị hư hại; phục hồi thiết bị bị hư hại nhẹ do sự cố; các tổn thất kinh tế do ngừng sản xuất vì sự cố; giá thành được thu hồi từ thiết bị và vật tư đã bị thay thế nhưng có thể sử dụng cho những mục đích khác nhau…
TN là tổng chi phí cho việc giảm tai nạn hàng năm. Chi phí cho mỗi trường hợp tai nạn do DN chịu trách nhiệm, cụ thể: Chi phí cho sơ cấp cứu nạn nhân; chữa trị nạn nhân; khôi phục hư hại của cơ sở sản xuất; bồi thường/hỗ trợ do suy giảm khả năng lao động; tổn thất do đình trệ sản xuất bởi người lao động bị tai nạn; những chi phí phát sinh khác do tai nạn hình thành. Ngoài ra, cần tính đến tổn chất chung cho xã hội (chi phí từ cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả cho nạn nhân, chi phí khác để giúp đỡ nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân mà cơ quan khác chia sẻ...).
B là tổng chi phí cho bệnh nghề nghiệp hàng năm được giảm.
TT là tổng số tiền được giảm do không phải trợ cấp cho người lao động vì điều kiện lao động.
GT là tổng sự thay đổi giá thành sản phẩm, nếu biện pháp cải thiện ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm (GT mang dấu “-” khi giá sản phẩm tăng, GT mang dấu “+” khi giá sản phẩm giảm).
BP là tổng chi phí để thực hiện biện pháp cải thiện chia cho số năm mà biện pháp có hiệu quả.
“Kinh tế ẩn” nghĩa là khi đầu tư cải thiện điều kiện lao động cho công nhân sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, song có những hiệu quả chưa thể lượng hóa được hoặc lượng hóa chưa hết. Một số tác động xấu đến DN mà không thể lượng hóa được cụ thể: Người tiêu dùng là “công cụ” cuối cùng quyết định sự thành công, hay thất bại của DN, thành công nếu sản phẩm hàng hóa tốt, rẻ, có thương hiệu, thân thiện môi trường, thất bại khi người tiêu dùng từ chối mua sản phẩm.
Trong sản xuất, người lao động được bảo vệ tốt, không bị tai nạn, ốm đau bệnh tật, sẽ an tâm phấn khởi sản xuất nâng cao năng suất lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của DN.
Trên cơ sở phân tích từ lý luận và thực tiễn, việc không bảo đảm HSE làm cho người lao động và DN bị thiệt hại nặng nề. Khi đầu tư cải thiện điều kiện lao đông, BVMT tức là đầu tư vào yếu tố con người, mà yếu tố này là một động lực phát triển, do vậy, hiệu quả “kinh tế ẩn” đem lại sẽ lớn hơn nhiều lần so với hiệu quả “kinh tế hiện”.
Trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay, việc bảo đảm các điều kiện lao động, BVMT lại càng trở nên quan trọng và sẽ góp phần giúp các DN tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo sự phát triển ổn định.
ThS. Huỳnh Huy Việt
Chi cục BVMT tỉnh Phú Yên
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017