Banner trang chủ

Xây dựng mô hình sinh kế nông lâm nghiệp bền vững thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

14/04/2015

     Nằm phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Hóa là một trong các huyện có điều kiện khó khăn nhất trong cả nước và nằm trong chương trình 30a của Chính phủ. Với tỷ lệ nghèo trên 40%, trong đó các xã Xuân Phú và Phú Nghiêm là các xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo tương ứng là 44% và 45,5%. Theo đánh giá nghiên cứu về sinh kế và phát triển ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa và đặc biệt là ở huyện Quan Hóa cho thấy, cây luồng và các mô hình phát triển rừng luồng đã, đang và sẽ là cây trồng mũi nhọn và là sinh kế chính của khu vực. Luồng cũng là cây có khả năng hấp thụ các bon mạnh, phát triển sinh khối và tăng độ che phủ tốt. Mặt khác, nguyên liệu luồng đã và đang sử dụng thay thế để sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ nhằm giảm thiểu việc phá rừng. Do đó, việc tăng cường phát triển cây mũi nhọn này sẽ đóng góp to lớn trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐK

     Đặc điểm và giá trị của cây luồng

     Cây luồng có thân phân đốt giống tre, không gai, lá nhỏ, thân ngầm dạng củ, thân khí sinh có ngọn chia thành các đốt. Luồng mọc theo cụm, ưa phát triển ở các vùng có khí hậu nóng, ẩm và các vùng đồi núi có độ dốc không quá lớn ở độ cao từ 300-800m so với mực nước biển. Luồng là cây sinh trưởng nhanh, chu kỳ khai thác có thể kéo dài 40-50 năm.

     Luồng được đánh giá là một trong các loài cây lâm nghiệp được trồng và phát triển hiệu quả nhất cho vùng miền núi Thanh Hóa. Luồng cũng được coi là một trong các cây lâm nghiệp đa mục đích do có thể tận dụng nhiều sản phầm trong quá trình phát triển của cây luồng như thân, măng. Thân cây luồng có rất nhiều công dụng như làm cột nhà, đòn tay, dui mè; những cây có thước lớn làm cột điện, ống dẫn nước, phao biển. Ngoài ra, luồng còn sử dụng làm sàn nhà giát giường, đan lát các đồ mỹ nghệ và dân dụng. Cây luồng đang đóng vai trợ quan trọng đối với sinh kế của người dân địa phương ở các huyện miền núi Thanh Hóa, đặc biệt là ở huyện Quan Hóa. Hiện nay, Thanh Hóa, Hòa Bình và Phú Thọ là những địa phương có diện tích trồng luồng lớn nhất cả nước, riêng tỉnh Thanh Hóa có hơn 71.000 ha luồng, chiếm khoảng 55% tổng diện tích rừng luồng cả nước.

     Chính vì thế, làm thế nào để các diện tích luồng được quản lý, phát triển hiệu quả và bền vững nhất về kinh tế, sinh thái và môi trường là rất cần thiết. Do vậy, cần phải có các mô hình phù hợp cho các diện tích luồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tính bền vững và giá trị dịch vụ hệ sinh thái của các diện tích luồng hiện có.

     Xây dựng mô hình sinh kế nông lâm nghiệp bền vững

     Tuy có diện tích rừng luồng lớn và tập trung, song các diện tích luồng ở Thanh Hóa vẫn được đánh giá là có tính độc canh cao, kém đa dạng sinh học (ĐDSH) do trong rừng luồng phần lớn cây bản địa đã bị chặt bỏ để tăng mật độ trồng. Các diện tích độc canh với 1 loài cây, 1 tầng tán làm giảm giá trị dịch vụ hệ sinh thái của rừng luồng. Dưới tán rừng luồng hiện tại đang được bỏ trống, chưa có các hình thức trồng xen hay các mô hình chăn nuôi phù hợp nên cũng làm cho hiệu xuất sử dụng đất kém hơn so với các diện tích xen canh khác. Hình thức trồng và quản lý như hiện tại cho thấy tính bền vững chưa cao về kinh tế và môi trường của rừng luồng.

 

 

Bà con nhân dân phát dọn cỏ, chăm sóc rừng luồng

 

     Bên cạnh đó, việc phát triển các diện tích rừng luồng nhưng thiếu hệ thống hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ đi kèm cũng đang cho thấy tính thiếu bền vững của các vùng trồng luồng. Nguyên nhân chính là do người dân chưa nắm được các kỹ thuật cơ bản trong toàn bộ quy trình chọn giống, trồng, chăm sóc, quản lý và khai thác. Đơn cử, việc quản lý và khai thác rừng luồng chưa đúng kỹ thuật như chặt cây còn non, không có các hình thức sửa bụi, quản lý bệnh cây, bón phân cũng làm cho rừng luồng nhanh chóng bị suy thoái, giảm sản lượng và giảm tuổi thọ.

     Với cách quản lý và khai thác như hiện tại, các diện tích rừng luồng chưa phát huy được các giá trị và tiềm năng về kinh tế. Về khía cạnh môi trường, việc phát triển các diện tích rừng luồng thâm canh và độc canh trên diện rộng cũng làm giảm tính ĐDSH. Các diện tích độc canh có ít các giá trị môi trường, chức năng điều tiết nguồn nước.

     Trong khuôn khổ dựa án FLC 13-05 (Phát triển sinh kế bền vững và nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho các cộng đồng nghèo ở huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa) do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Quan Hóa đang triển khai mô hình Nông-Lâm kết hợp thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH được xây dựng tại hai xã Xuân Phú và Phú Nghiêm. Trong mô hình này, các hộ gia đình nghèo có rừng luồng được tham gia các hoạt động tập huấn về chăm sóc, quản lý, khai thác rừng luồng theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng được nhận hỗ trợ giống gà, giống bò để nuôi dưới tán rừng luồng nhằm tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế và sử dụng đất cho các diện tích luồng. Nhằm nâng cao giá trị ĐDSH và giá trị kinh tế của các diện tích luồng, các hộ gia cũng được cung cấp các giống cây bản địa, đa mục đích để trồng xen trong rừng luồng. Khi các cây bản địa đó phát triển sẽ nâng giá trị ĐDSH của rừng luồng, tăng giá trị phòng hộ và dịch vụ hệ sinh thái và giảm được tính độc canh. Với cách tiếp cận này vào cuối chu kỳ phát triển của cây luồng các cây rừng bản địa vẫn tồn tại và duy trì được độ che phủ và cho thu nhập (gỗ, củi) cho các hộ gia đình trong thời kỳ chờ diện tích luồng mới trồng cho sản phẩm và thu nhập. Với mô hình đa dạng hóa, các diện tích luồng sẽ bền vững hơn, có giá trị ĐDSH, dịch vụ hệ sinh thái và có ít rủi ro về kinh tế so với hình thức trồng độc canh như hiện nay.

     Việc xây dựng và phát triển được mô hình Nông-Lâm phù hợp sẽ giúp được việc ổn định kinh tế - xã hội của vùng miền núi và giúp cho các hộ gia đình thoát nghèo bằng chính sức lao động và thế mạnh của địa phương. Kinh tế gia đình ổn định sẽ là một trong các điều kiện quan trọng giúp cho các hộ gia đình và địa phương thích ứng tốt hơn với các thay đổi của xã hội và các biến đổi của khí hậu toàn cầu.

 

Nguyễn Mạnh Hà, Trịnh Đình Hoàng

Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015

 

 

 

Ý kiến của bạn