15/11/2019
Hiện nay, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố chủ yếu được các công ty vệ sinh môi trường thu gom vào những giờ nhất định trong ngày và chuyển đến nơi xử lý hay bãi chôn lấp. Trong đó, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện, vì vậy, vai trò của người dân, các hộ gia đình là thu gom rác của nhà mình vào túi, đưa rác đến nơi tập kết hoặc khi các xe thu gom rác thủ công đi qua thì đem rác ra xe. Một trong những thách thức của việc thu gom rác trong thành phố là nhiều gia đình không đi đổ rác đúng giờ hoặc đúng nơi quy định, gây nhiều khó khăn cho việc thu gom rác thải. Mặt khác, nhiều gia đình, dịch vụ nhỏ vẫn xả rác bừa bãi, không theo quy định. Khách vãng lai, khách du lịch cũng là những nguồn gây ô nhiễm rác nghiêm trọng, đặc biệt là các loại rác thải nhựa như túi ni lông.
Vai trò của cộng đồng trong quản lý rác thải sinh hoạt
Trong hoàn cảnh như hiện nay, vai trò của cộng đồng và người dân khá hẹp và chủ yếu thực hiện hai chức năng chính: Đóng phí vệ sinh môi trường và đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Người dân cũng đóng góp vào giảm thiểu rác thải bằng việc tái chế và tái sử dụng các loại rác thải có giá trị. Trong rác thải sinh hoạt, một số loại rác có thể tái chế, tái sử dụng (như vỏ chai nhựa, các loại rác thải nhựa, chai thủy tinh, giấy...) được nhiều gia đình thu gom để riêng và bán cho những người đồng nát, hoặc công nhân thu gom rác. Những người này lại gom các loại rác, phân loại theo chủng, gói và bán cho các chủ phế liệu, từ đó sẽ tiếp tục được chuyển đến các cơ sở tái chế để tái sử dụng. Những người bới rác ở các bãi chôn lấp cũng là lực lượng đáng kể giúp thu gom các rác còn giá trị và bán cho các chủ phế liệu, nhưng họ làm việc trong điều kiện vệ sinh rất kém và có nguy cơ bị bệnh, hay bị bạo hành cao. Hình thức thu gom các loại rác phế liệu này và sự đóng góp của lực lượng đồng nát, chủ phế liệu đã giúp giảm thiểu được một phần rác ra bãi chôn lấp, tạo thêm thu nhập cho những người làm nghề này.
Dựa trên hình thức này có rất nhiều mô hình, sáng kiến tương tự được các chị ở các Hội Phụ nữ triển khai ở cấp cộng đồng. Một số Hội Phụ nữ đã vận động các gia đình thành viên thu gom rác có giá trị, bán đi để gây quỹ cho Hội. Quỹ được Hội dùng để giúp đỡ các gia đình khó khăn, hoặc học sinh có hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Ở cấp cộng đồng, mô hình này được khuyến khích, vì vừa làm giảm lượng rác thải, vừa tạo ra thu nhập cho người dân. Ngoài ra, các mô hình tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân compost, hoặc tái sử dụng làm thức ăn gia súc cũng được triển khai trong quy mô gia đình.
Tuy nhiên, với các hoạt động phi chính thức như trên, lượng rác được thu gom và tái chế chiếm tỷ trọng ít. Còn phần lớn rác thải có thể tái chế tái sử dụng cũng bị chôn lấp. Việc chôn lấp rác tốn kém do chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý đều cao. Hạn chế về quỹ đất cho bãi chôn lấp, ô nhiễm môi trường trầm trọng từ các bãi rác gây nhiều rủi ro tiềm ẩn đến sức khỏe con người, đến hệ sinh thái. Các hệ lụy xã hội tiêu cực từ các bãi chôn lấp rác có thể dẫn đến những xung đột ở địa phương, gây bức xúc cho người dân.
Hiện nay, nước ta đang có những nỗ lực cải cách ngành quản lý rác thải sinh hoạt, áp dụng công nghệ tiên tiến và nhiều phương pháp xử lý rác để giảm thiểu việc chôn lấp rác. Theo đó, cộng đồng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định cho hiệu quả của quản lý và đầu tư xử lý rác thải.
Cộng đồng trong kinh tế tuần hoàn, tái chế rác
Trong rác thải sinh hoạt, 90 % là các loại rác tái chế được. Rác hữu cơ tái sử dụng làm phân compost, thức ăn gia súc, hoặc đầu vào của một số ngành kinh tế sinh học hiện nay. Do đặc tính ăn rau và nấu nướng tại nhà của người Việt Nam, rác sinh hoạt chứa tới 40 - 60% rác hữu cơ. Túi ni lông, rác có nguồn gốc từ nhựa cũng chiếm đáng kể, từ 10 - 15%. Các loại rác tái chế khác gồm thủy tinh, giấy, sắt vụn chiếm tới 10 - 20%. Muốn tái chế các loại rác này, việc đầu tiên là các loại rác này phải được phân loại tại nguồn. Tức là mỗi người dân, mỗi cộng đồng đều phải tham gia phân loại rác.
Người dân khu vực Thuận An 4 và Thuận An 5 (Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng)
tích cực thu gom rác thải nhựa, hưởng ứng Dự án “Đại dương Không nhựa:
Chương trình phân loại, tái chế rác thải dựa vào cộng đồng”
Dự án “Đại dương Không nhựa: Chương trình phân loại, tái chế rác thải dựa vào cộng đồng” được Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) và hai quận Thanh Khê, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện với sự tham gia của các hộ gia đình và sự tiên phong của Hội Phụ nữ tại địa phương đã giúp cho cộng đồng hiểu biết hơn vai trò của mình trong phân loại, tái chế rác thải. Dự án được thực hiện từ tháng 1/2018 - 4/2019, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chương trình đã áp dụng cách tiếp cận chuỗi giá trị rác vào công tác phân loại, thu gom và xử lý, nhằm đảm bảo các loại rác có thể tái chế và tái sử dụng được sẽ được phân loại tại hộ gia đình và được thu gom, vận chuyển đi tái chế mà không bị trộn vào rác để mang ra bãi chôn lấp. Cơ cấu tổ chức phân cấp từ trên xuống như hiện nay (cấp tỉnh, quận, phường, khu dân cư) là một thuận lợi lớn cho việc thông báo, tuyên truyền rộng khắp. Các buổi tập huấn mang tính kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện, giám sát và đảm bảo sự tham gia của các bên trong chuỗi giá trị rác đòi hỏi cách tiếp cận từ dưới lên, với nòng cốt là các cơ quan đoàn thể tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác báo cáo cập nhật của cộng đồng tới các cấp chịu trách nhiệm cao nhất, cùng với tuyên truyền và lồng ghép vào công tác môi trường của địa phương giúp cho việc thực hiện Dự án liên tục được cải thiện.
Một số mô hình thử nghiệm như phân loại túi ni lông, hợp đồng với những người đồng nát thu mua, doanh nghiệp tái chế để bán gây quỹ cộng đồng; phân loại rác thải hữu cơ làm phân compost được triển khai khá thành công. Dự án cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu để ghi chép và lưu các số liệu về phân loại rác ở của từng đơn vị tham gia, giúp cho quận và phường nắm được số liệu, sau đó ban hành các quyết định kịp thời để điều chỉnh, thúc đẩy thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Để đảm bảo sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng vào công tác quản lý rác, các yếu tố mang tính quyết định và thực hiện đồng bộ bao gồm: Sự lãnh đạo quyết liệt ở cấp cao nhất tại địa phương, đưa công tác phân loại, thu gom tái chế rác thải tại nguồn (3R) là ưu tiên; công tác tập huấn nâng cao về hướng dẫn cách làm phải được thực hiện tới từng hộ gia đình, cần có các tài liệu kỹ thuật phù hợp; các công cụ hỗ trợ cho phân loại tại nguồn; công tác tuyên truyền phải được triển khai liên tục và rộng khắp; nhóm nòng cốt tiên phong như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh vừa làm công tác tập huấn, tuyên truyền, vừa làm công tác giám sát, báo cáo; sự tham gia của các bên thu gom phi chính thức như những người đồng nát, chủ phế liệu và cơ sở tái chế đóng vai trò lớn trong giảm thiểu rác thải ra bãi chôn lấp.
Có thể nói, sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý rác thải mang tính quyết định, nhưng đòi hỏi cách tiếp cận theo chuỗi giá trị. Hiện nước ta chưa có các chính sách về tổ chức quản lý, biện pháp tài chính, kỹ thuật, thúc đẩy tuân thủ một cách đầy đủ và đồng bộ cho cách tiếp cận chuỗi giá trị rác. TDo đó, chỉ có thể thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng và người dân trong phân loại, thu gom rác tại nguồn, với sự tham gia của các doanh nghiệp tái chế, vai trò của Nhà nước và minh bạch tài chính là điều kiện quan trọng giúp, công tác quản lý rác thải sinh hoạt mới có thể thành công.
Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)