Banner trang chủ

Vườn quốc gia Phước Bình - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Ninh Thuận

26/12/2016

   Vườn quốc gia (VQG) Phước Bình, nằm trên địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận, có địa hình trải dài ở độ cao từ 300 - 1.926 m so với mặt nước biển nên hệ sinh thái có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và cảnh quan tuyệt đẹp. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được những nét văn hóa độc đáo của người Churu và Raglai để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Với lợi thế đó, VQG Phước Bình là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Loài bò tót ẩn mình dưới những cánh rừng tại VQG Phước Bình

   Những giá trị về ĐDSH

   Được thành lập năm 2007, Phước Bình là một trong những VQG trẻ nhất trong hệ thống quy chế bảo tồn của Việt Nam, với tổng diện tích 19.814 ha, trong đó có 10.486 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; 9.144 ha phân khu phục hồi sinh thái; 184 ha phân khu hành chính, dịch vụ. Tuy được thành lập muộn nhưng Phước Bình có tính ĐDSH cao và là một trong những VQG có kiểu thảm thực vật đa dạng nhất ở Việt Nam. Trong VQG hình thành 15 kiểu và kiểu phụ thảm thực vật, đó là: Rừng kín thường xanh chủ yếu cây rộng á nhiệt đới núi thấp, với hai kiểu phụ là rừng kín thường xanh thứ sinh nhân tác á nhiệt đới núi thấp và rừng phục hồi thứ sinh nhân tác hỗn giao gỗ, tre nứa á nhiệt đới núi thấp; Rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng lá kim á nhiệt đới núi thấp; Rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá kim á nhiệt đới núi thấp, với kiểu phụ là rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá kim thứ sinh nhân tác á nhiệt đới núi thấp; Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với kiểu phụ là rừng nhiệt đới ẩm thứ sinh nhân tác, rừng nhiệt đới thứ sinh nhân tác hỗn giao lồ ô và cây gỗ, kiểu phụ trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh nhân tác; Rừng thưa lá rộng nửa rụng lá hơi khô nhiệt đới, với kiểu phụ là rừng thưa lá rộng nửa rụng lá thứ sinh nhân tác; Rừng thưa chủ yếu cây lá kim nhiệt đới, với kiểu phụ là rừng thưa chủ yếu cây lá kim thứ sinh nhân tác.

   Nằm ở trung tâm ĐDSH của dãy Trường Sơn, VQG Phước Bình hội tụ nhiều luồng thực vật như luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Malaixia - Inđônêxia với đặc trưng là các cây họ dầu, luồng thực vật thân thuộc và khu hệ thực vật Ấn Độ - Miến Điện, luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Himalaya - Vân Nam - Quý Châu và nhóm thực vật mang đặc điểm của khu hệ thực vật bản địa miền Bắc Việt Nam - Nam Trung Quốc.

   Thống kê đến năm 2011 đã ghi nhận ở Vườn có 1.225 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 584 chi, 156 họ của 7 ngành thực vật. Trong đó có 75 loài thực vật quý hiếm ở cấp quốc gia và quốc tế, với 36 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Đáng chú ý là trong 58 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN có 7 loài là cây họ dầu, được xếp vào cấp độ rất nguy cấp (CR). Các loài này phân bố hẹp, trong các kiểu rừng, dễ bị tác động nên thường bị đe dọa ở cấp độ cao.

   Khu hệ động vật của Vườn cũng đa dạng và có giá trị cao. Năm 2007 đã ghi nhận 327 loài động vật có xương sống ở khu vực này, với 69 loài thú, 206 loài chim, 34 loài bò sát và 18 loài ếch nhái. Trong số này có 8 loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, 50 loài nguy cấp quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 29 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Đặc biệt, có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm là vượn má hung, chà vá chân đen, cầy vằn Bắc và mang lớn.

   Bên cạnh đó, một số loài chim đặc hữu chỉ phân bố giới hạn trong vùng cao nguyên Đà Lạt như khướu đầu đen má xám, khướu mỏ dài, sẻ thông họng vàng. Trên cơ sở đó, VQG Phước Bình đã được công nhận là một phần của vùng chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt từ năm 1998 và là một trong 63 vùng chim quan trọng tại Việt Nam vào năm 2002.

Những điệu múa, tiếng kèn là bản sắc văn hóa dân tộc Raglai được biểu diễn cho bà con và du khách xem

   Đặc biệt, nơi đây có số lượng quần thể bò tót và nai lớn nhất trong số các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Số lượng cá thể bò tót chỉ còn khoảng 30-40 con sinh sống, với nguy cơ bị săn bắt cạn kiệt. Tuy nhiên, đến nay, VQG Phước Bình đã phối hợp với các nhà khoa học nhân giống thành công loài bò tót lai với bò nhà, có ý nghĩa về bảo tồn nguồn gen và giá trị kinh tế.

   Tuy vậy, kho tài nguyên quý giá này đang bị đe dọa nghiêm trọng, chủ yếu là do cuộc sống của người dân vùng đệm còn khó khăn. Khu vực này được đánh giá là một trong những khu vực nghèo nhất Việt Nam với mức thu nhập trung bình 5,6 triệu đồng/người/năm và trong số hơn 1.000 hộ gia đình sinh sống thì có tới 51% là hộ nghèo theo tiêu chuẩn Việt Nam (có thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng). Đây là áp lực rất lớn đối với công tác bảo tồn những giá trị ĐDSH của VQG.

   Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

   VQG Phước Bình có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhờ tính ĐDSH cao. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch luôn phải đi đôi với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững TN&MT. Chính vì vậy, trong nhiều hoạt động du lịch, VQG luôn chú trọng tạo lập sinh kế cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện để những người dân bản địa tham gia hướng dẫn các tour du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử, trải nghiệm văn hóa cộng đồng; đồng thời liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Churu và Raglay; bảo tồn và phát triển nghề làm thuốc giúp nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc trong vùng đệm của VQG.

   Trong quần thể thiên nhiên kỳ thú, VQG Phước Bình đã định hướng một số tuyến du lịch để du khách tham khảo như tuyến du lịch đi bộ dã ngoại suối Đa Nhông- thác Đá Bàn - thác Ba Tầng dài 11 km, đưa du khách tìm về thượng nguồn các con suối. Dọc tuyến, du khách sẽ men theo các dòng suối, quan sát một số loài linh trưởng, bướm và tìm hiểu nhiều cây thuốc quý, đặc biệt là mật nhân, cao khai và phong lan. Du khách cũng có thể chinh phục thác Đá Đen, thác Hầm Xe Lửa trên vùng hồ sinh thái Đa Mây dài 20 km; vượt 18 km đường rừng chinh phục hòn Chan ở độ cao 1.400 m với địa hình hiểm trở, tạo cho du khách cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên.

   Sau khi tham quan VQG, du khách có thể sinh hoạt với người dân địa phương, thưởng thức các món ăn; tìm hiểu hoạt động văn hóa, sản xuất, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc đạp xe qua các bản làng; thăm và khám phá những nét văn hóa của người Raglai, Chu ru. Ngoài ra, khách du lịch còn thích thú với những đồ dùng thủ công do chính tay người Raglai làm từ dây rừng và cây rừng như gùi, nỏ, cung tên, rổ, nia… Chính những hoạt động này đã tạo động lực để cộng đồng dân cư cùng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ các sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị ĐDSH của VQG thông qua việc giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên từ rừng.

Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn