09/10/2017
Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà nằm trên địa bàn TP. Hải Phòng, có diện tích 17.362,96 ha (phần đảo: 10.972,51 ha; phần biển: 6.450,45 ha), là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 2004. Nơi đây có giá trị cao về đa dạng sinh học (ĐDSH), với nhiều loài động thực vật quý, hiếm đặc hữu.
Những giá trị ĐDSH
VQG có 3 hệ sinh thái (HST), gồm trên cạn, đất ngập nước và biển. Đây là các HST có tính đại diện cao, với nhiều loài đặc hữu. Theo thống kê, VQG có trên 1.561 loài thực vật, thuộc 842 chi, 186 họ (nhóm cây gỗ 408 loài, cây dược liệu 661 loài, cây làm cảnh 203 loài); 279 loài động vật (53 loài thú, 160 loài chim, 66 loài bò sát), trong đó có 21 loài đặc hữu và 76 loài nằm trong Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Đặc biệt, VQG Cát Bà là nơi duy nhất còn có một quần thể voọc với 50 cá thể. Ngoài ra, VQG còn ghi nhận 274 loài côn trùng, tạo nên sức hấp dẫn và sự đa dạng cho quần đảo.
Do môi trường đặc biệt của địa chất Caxto, nơi đây còn tồn tại 19 loài dơi, trong đó có 4 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 2 loài mới, đó là loài dơi xám mũi lớn, dơi nếp mũi Grip - phin. Bên cạnh đó, VQG Cát Bà còn có 1.313 loài sinh vật biển, trong đó 196 loài cá biển, 538 loài động vật đáy, 89 loài động vật phù du, 189 loài loài thực vật phù du, trên 75 loài rong biển và 193 loài san hô.
Bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu
Trong những năm gần đây, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững vẫn diễn ra ở các vùng đệm đã làm cho nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, người dân phát triển nuôi trồng thủy hải sản một cách ồ ạt, không có quy hoạch gây khó khăn cho công tác quản lý, gây ô nhiễm môi trường biển, làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Ngoài ra, các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch làm phá vỡ cảnh quan, cùng với tiếng ồn của phương tiện vận chuyển khách tham quan, gây ảnh hưởng đến đời sống động vật hoang dã…
Loài Sơn dương tại VQG Cát Bà |
Để khắc phục tình trạng trên, Ban quản lý (BQL) VQG đã phối hợp với Hạt kiểm lâm tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Hệ thống các trạm kiểm lâm được xây dựng kiên cố trên toàn đảo, với hơn 60 người, được bố trí thành 12 tổ, trong đó có một tổ kiểm lâm cơ động và 10 trạm kiểm lâm. Tính đến nay, các trạm kiểm lâm đã phát hiện, trục xuất 304 đối tượng, thu 1.550 các loại bẫy thú; thu giữ, tiêu hủy 2.150 m lưới, 80 cọc tre đánh bắt chim di cư. Ngoài ra, các trạm kiểm lâm, BQL VQG phối hợp với Dự án bảo tồn voọc Cát Bà xây dựng kế hoạch người gác voọc, thực hiện 300 buổi/năm, phá trên 160 bẫy các loại/năm; triển khai bảo vệ voọc chặt chẽ trên 4 khu vực chính: Hang Cái, Cái Minh, Việt Hải, Cửa Đông.
Công tác nghiên cứu khoa học được BQL VQG Cát Bà đẩy mạnh, với 18 chương trình, dự án được thực hiện, chủ yếu tập trung vào các loài nguy cấp, quý hiếm và xây dựng các mô hình ứng dụng. Điển hình là đề tài: “Thực nghiệm nhân giống và trồng cọ Hạ Long (từ năm 2007 - 2010). Loài cọ Hạ Long được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1999, được đánh giá là loài có giá trị về nguồn gen đặc hữu. BQL VQG đã nhân giống và trồng thành công cây cọ Hạ Long từ hạt. Đây được coi là thành công bước đầu trong công tác bảo tồn các loài thực vật đặc hữu của VQG. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến năm 2012, BQL VQG đã đánh giá thực trạng các loài cây gỗ quý, hiếm trên đảo. Qua điều tra cho thấy, nhóm cây gỗ quý hiếm và cây làm thuốc đang bị suy giảm nghiêm trọng như xương cá, vương tùng, trám đen, lát hoa, sồi đĩa, dẻ bán cầu, kim giao, xạ đen... Từ đó, các nhà khoa học thực hiện đề tài đã tiến hành nhân giống các loài này bằng phương pháp nuôi cấy tế bào và trồng trong môi trường tự nhiên. Kết quả đánh giá, các cây đều sinh trưởng tốt, có thể tiến hành trồng đại trà trong Vườn.
Để bảo tồn một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, BQL VQG đã thực hiện Đề tài “Bảo tồn nguồn gen loài sơn dương, giai đoạn 2012 - 2015”. Đây là loài thú móng guốc lớn nhất còn phân bố ở Cát Bà. Hiện chỉ còn khoảng 21 cá thể ở VQG Cát Bà. Sau khi nghiên cứu thực trạng và tìm ra các mối đe dọa đến loài sơn dương, các nhà khoa học đã đưa ra ứng dụng bản đồ số, bẫy ảnh và máy định vị GPS vào thực tiễn; Ưu tiên khoanh nuôi, phục hồi những phần rừng ven các khu bảo tồn… Cùng với đó, BQL VQG đã triển khai Dự án “Bảo tồn loài voọc Cát Bà”. Hiện nay, số lượng voọc Cát Bà chỉ còn khoảng 50 cá thể, là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Để bảo vệ loài này, Dự án tập trung khảo sát đặc điểm, sinh thái, sinh cảnh của loài voọc Cát Bà. Trên cơ sở đó lập kế hoạch, biện pháp bảo vệ, đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng và năng lực của cán bộ kiểm lâm. Bên cạnh đó, Dự án tiến hành nhân giống voọc Cát Bà. Kết quả là từ năm 2014 đến nay đã có 16 con voọc được sinh ra, trong đó có 13 con sống sót, mang đến những hy vọng về một quần thể voọc phục hồi trong tương lai.
Voọc Cát Bà là loài quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao |
Để bảo tồn những giá trị ĐDSH tại VQG Cát Bà, trong thời gian tới BQL sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng khai thác tài nguyên rừng trái phép; Chú trọng bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm; Tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát động, thực vật rừng để phát hiện các loài ngoại lai xâm hại, ảnh hưởng đến các loài bản địa.
Cùng với đó, BQL thực hiện các chương trình nghiên cứu phục hồi tài nguyên rừng; bảo tồn nguồn gen; Thiết lập hệ thống giám sát ĐDSH; Phát hiện các loài mới, định vị các loài quý hiếm làm cơ sở để có biện pháp bảo tồn hợp lý; Xác định các địa điểm có sự phân bố nhiều loài thú, bò sát, lưỡng cư và côn trùng để ưu tiên bảo tồn; Thu hút các tổ chức trong, ngoài nước tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, BQL phối hợp với Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên các xã ở vùng đệm đẩy mạnh hoạt động thu gom và xử lý rác thải tại các đường mòn trong VQG; Tăng cường các hoạt động nhận thức cộng đồng bảo vệ giá trị ĐDSH.
Nguyễn Văn Cường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017