Banner trang chủ

Vườn Quốc gia Bái Tử Long - Vườn Di sản thứ 38 của ASEAN

27/04/2017

Ông Nguyễn Thanh Phương Giám đốc VQG Bái Tử Long

     Nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long và gần Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia (VQG) Bái Tử Long được ví như một “kho báu” sinh quyển giữa trùng khơi ở vùng biển Ðông Bắc của Việt Nam. Nhân dịp VQG Bái Tử Long nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc VQG về kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị sinh thái, cảnh quan của VQG, cũng như phương hướng phát triển các loại hình du lịch phù hợp để “kho báu” đầy tiềm năng này không bị lãng quên giữa trùng khơi.

     PV: Xin ông cho biết quá trình hình thành và phát triển của VQG Bái Tử Long từ khi thành lập đến nay?

     Ông Nguyễn Thanh Phương: Cách đây 16 năm, ngày 1/6/2001, VQG Bái Tử Long được thành lập theo Quyết định số 85/2011/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Tiếp đó, ngày 12/10/2001, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3879/QĐ-UB thành lập Ban quản lý VQG Bái Tử Long và ngày 25/4/2002, VQG Bái Tử Long chính thức đi vào hoạt động với lực lượng nòng cốt từ Chi cục Kiểm lâm chuyển sang. Thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn, trụ sở làm việc phải đi thuê…Tuy nhiên đến nay cán bộ, viên chức đã tăng cả về số lượng và chất lượng, với 3 phòng chuyên môn (Khoa học và hợp tác quốc tế; Bảo tồn biển, đất ngập nước và Văn phòng Ban quản lý); Hạt kiểm lâm đang đề nghị tỉnh thành lập thêm Trung tâm Du lịch sinh thái (DLST) và giáo dục môi trường. Với nhiệm vụ là quản lý, bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, môi trường; lập quy hoạch bảo tồn và phát triển; bảo tồn; nghiên cứu khoa học; hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; tuyên truyền giáo dục cộng đồng và một số nhiệm vụ khác. Sau 16 năm xây dựng và phát triển VQG Bái Tử Long đã tổ chức trên 32.000 lượt tuần tra trên rừng và biển (trong đó, phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng trên 6.000 lượt tuần tra). Đồng thời, VQG còn thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, từ khi thành lập đến nay, chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.

     Ngoài ra, VQG Bái Tử Long đã triển khai một số Dự án như đầu tư phát triển VQG Bái Tử Long; Đầu tư thiết bị nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học; Triển khai thành công 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; Nghiên cứu nhân giống trồng thử nghiệm cây bá bệnh; Nghiên cứu nhân giống trồng thử nghiệm cây lá khôi; Nuôi thử nghiệm loài hải sâm trắng. Bên cạnh đó, các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã cũng được quan tâm thực hiện. Trong mấy năm gần đây VQG Bái Tử Long đã phối hợp với các bên liên quan cứu hộ, chăm sóc và thả về môi trường sống tự nhiên trên đảo Ba Mùn với trên 200 cá thể động vật rừng và 5 cá thể rùa biển. 

     Để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cộng đồng dân cư địa phương nhằm giảm áp lực khai thác tài nguyên, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường VQG Bái Tử Long đã triển khai phương án thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của VQG Bái Tử Long sau hai năm thực hiện phương án triển khai thành công. Đồng thời, hỗ trợ các thôn, bản giáp gianh với VQG đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, xây dựng các công trình công cộng và bảo vệ rừng.

Cán bộ và người dân tham gia cứu hộ rùa biển mắc cạn

     Cùng với đó, VQG Bái Tử Long đã hợp tác với một số tổ chức quốc tế triển khai nhiều Dự án như: Bảo tồn rùa biển do IUCN tài trợ; Nâng cao năng lực quản lý do VCF tài trợ; Hỗ trợ phát triển DLST cộng đồng và giáo dục môi trường tại xã Minh Châu do Tổ chức LMPA tài trợ. Các hoạt động khác  được triển khai với sự hợp tác của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP), Tổ chức tình nguyện bảo tồn sinh viên Nhật Bản (JSCV), Quỹ Môi trường toàn cầu Nhật Bản (JGFE), Hiệp hội VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) và Trung tâm VQG (NPC)…

     PV: Thưa ông, những tiêu chí để VQG Bái Tử Long được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN bình chọn là Vườn Di sản ASEAN là gì?

     Ông Nguyễn Thanh Phương: Với tính đắc sắc và đa dạng, VQG Bái Tử Long hội tụ đầy đủ các tiêu chí để bình chọn là Vườn di sản ASEAN, cụ thể:

     Tính toàn vẹn sinh thái: Với những đặc điểm nổi bật của hệ sinh thái (HST) rừng và HST biển đã tạo nên cảnh quan độc đáo, kết hợp với hệ thống hang động, các thung áng trong các dãy núi đá vôi và những dấu tích lịch sử văn hóa thuộc nhiều niên đại khác nhau như Di chỉ người Việt cổ ở hang Soi Nhụ, miếu Cốt Tinh, mộ táng Đá Bạc, cụm di tích thương cảng cổ Vân Đồn, lễ hội truyền thống đền Quan Lạn, thắng cảnh rừng Trâm, bãi tắm Minh Châu... có sức hấp dẫn thu hút khách DLST và các nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước.

     Tính đại diện: VQG Bái Tử Long gồm hệ thống đảo nổi chạy song song với bờ biển nằm giữa các đảo là các lạch biển như lạch Cái Quýt, lạch Cái Bầu, sông Mang. Địa hình caster trên đảo Trà Ngọ Lớn đã tạo nên nhiều hang động với những hình thù độc đáo như hang Luồn Cái Đé, hang Dơi, hang Soi Nhụ, hang Lương Thực, hang Đình... Trên các đảo nổi được che phủ một thảm thực vật rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh, là sinh cảnh thích nghi với nhiều loài động vật hoang dã, kho tàng tài nguyên sinh vật nhiệt đới phong phú, đa dạng phân bố trên các đảo núi đất, trong các thung áng và trên núi đá vôi, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vùng vịnh Bái Tử Long. Đặc biệt, HST rừng trên núi đá vôi là kho báu tài nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ xâm hại, nếu như không được bảo vệ tốt thì HST rừng không thể phục hồi trở lại.

 

Một góc đảo Ba Mùn - nơi chú chân của các loài chim

 

     Tính tự nhiên: Tổng diện tích VQG Bái Tử Long là 15.783 ha, trong đó diện tích biển chiếm 9.658 ha, còn lại 6.125 ha là diện tích các đảo nổi. Phần đảo gồm cả đảo núi đất và đảo núi đá, với hơn 80 hòn đảo lớn nhỏ, chia thành 3 cụm đảo chính: Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Phần biển gồm lạch biển giữa các đảo và phần biển phía ngoài của các đảo theo đường ranh giới cách bờ trung bình 1 km; Các lạch biển chính gồm lạch Cái Quýt, lạch Cái Đé và một phần lạch sông Mang.

     Tính bảo tồn cao: VQG Bái Tử Long có khu hệ động, thực vật phong phú, đại diện cho khu hệ động, thực vật của vùng Đông Bắc Việt Nam. Tính đến nay đã thống kê được 2.212 loài động, thực vật (992 loài trên rừng và 1220 loài dưới biển); HST rừng gồm các nhóm: Thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư; HST biển gồm các nhóm: Thực vật ngập mặn, rong biển, động thực vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, da gai, san hô, cá. Theo quy định của Nghị định 32 về số loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới thì trong khu vực VQG có tới 106 loài, trong đó HST rừng có 75 loài; HST biển có 31 loài.

     Hiện nay, VQG Bái Tử Long được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập có đầy đủ cơ sở pháp lý và kế hoạch quản lý bảo tồn để duy trì và phát triển.

     PV: Trở thành Vườn Di sản thứ 38 của ASEAN, VQG Bái Tử Long có những kế hoạch gì nhằm đảm bảo phát triển bền vững đi đôi với BVMT, bảo tồn ĐDSH, thưa ông?

     Ông Nguyễn Thanh Phương: Ban Quan lý VQG sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ, bảo tồn và duy trì tự nhiên các HST đặc trưng, đại diện, các quần xã sinh vật, loài, nguồn gen và đặc tính địa mạo, giá trị tinh thần và về mỹ học. Đồng thời, tiến hành các chương trình nghiên cứu khoa học về sinh thái, sinh học và bảo tồn, theo dõi, đánh giá tài nguyên rừng, tài nguyên biển trong VQG để xây dựng chương trình quản lý, bảo vệ lâu dài cho VQG; Triển khai các hoạt động tham quan vì mục đích giáo dục, văn hóa, giải trí tinh thần và DLST; Hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội đối với các bên trong VQG và vùng đệm nhằm thu hút người dân cùng tham gia bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng, giảm dần sức ép của vùng đệm đối với tài nguyên rừng của VQG; Tuyên truyền vận động cộng đồng trong vùng lõi và vùng đệm về môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Di sản ASEAN.

 

Hòn Cai Gheo

 

     Đồng thời, để xúc tiến các hoạt động DLST gắn với bảo tồn, thời gian tới VQG Bái Tử Long sẽ xây dựng các tour, tuyến địa điểm tham quan, các điểm dừng chân, thúc đẩy việc quảng bá, tiếp thị bằng nhiều hình thức; Thành lập Trung tâm DLST và giáo dục môi trường; Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa VQG Bái Tử Long với vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp và VQG khác.  

     PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng nhằm xây dựng các chính sách tạo hành lang pháp lý và cơ chế rõ ràng, thuận lợi nhất cho các bên tham gia trong phát triển DLST nói chung và VQG Bái Tử Long nói riêng?

     Ông Nguyễn Thanh Phương: Với những lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, địa mạo đã tạo cho VQG những giá trị đặc sắc riêng có, nơi lưu giữ những đặc trưng của HST biển - đảo vùng Đông Bắc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Ngoài ra, VQG Bái Tử Long có hệ động thực vật  đa dạng và độc đáo, kết hợp với những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, xin đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng có những chính sách tạo hành lang pháp lý và cơ chế rõ ràng, thuận lợi nhất cho các bên tham gia trong phát triển DLST của VQG Bái Tử Long, cụ thể: Đầu tư phân ranh giới và cắm mốc thả phao phân định ranh giới của VQG trên biển; Phân bổ kinh phí để thực hiện dự án xây dựng VQG giai đoạn 2 (dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt); Cho phép thành lập Trung tâm DLST và giáo dục môi trường; Liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển DLST và BVMT VQG; Chuyển lực lượng Kiểm lâm của VQG đang là viên chức sang công chức để tăng cường cơ sở pháp lý trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, biển và bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Bái Tử Long.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2017

 

 

Ý kiến của bạn