Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển du lịch tâm linh - sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử

13/03/2018

     Được thành lập từ năm 2002, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tây Yên Tử trải rộng qua 4 xã Lục Sơn (huyện Lục Nam) và An Lạc, Thanh Luận, Tuấn Mậu, thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động), tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi tập trung nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị khoa học cao, giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh - sinh thái.

     KBTTN Tây Yên Tử có tổng diện tích là 13.022,7 ha rừng và đất lâm nghiệp, với độ cao trung bình từ 300 - 1000 m so với mặt nước biển. Hệ thực vật đã thống kê được 728 loài thực vật, thuộc 189 chi của 86 họ. Điển hình như: pơ mu, đinh, lim, sến mật, gụ, lát hoa, trầm hương, thông tre, thông nàng … Bên cạnh đó, hệ thực vật của KBTTN đa dạng về giá trị sử dụng: nhóm lấy gỗ chiếm 32.3% (Lim xanh, kim giao, sến mật, táu mật, sao hòn gai, thông tre, trầm hương...); nhóm làm thuốc chiếm 20.9% (bá bệnh, chân chim núi, rau ráu, dây đau xương …); nhóm cây dược liệu quý hiếm chiếm trên 40% (trầm hương, bình vôi, hoa đầu, thổ Phục Linh, cẩu, ba kích, quế…). Ngoài ra, còn có nhóm cây cảnh (chủ yếu là lan), nhóm làm vật liệu xây dựng, nhóm làm hàng mỹ nghệ… Đồng thời, rừng Yên Tử là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang và vùng Đông Bắc, có vị trí vô cùng quan trọng đối với việc phòng hộ, môi trường và điều tiết khí hậu của tỉnh, với tổng trữ lượng gỗ gần 1.000.000 m3.

     KBTTN Tây Yên Tử cũng có hệ động vật phong phú với 285 loài, trong đó có 1 loài thuộc tính đặc biệt là voọc mũi hếch được ưu tiên bảo tồn; 18 loài thuộc tính nguy cấp (với 10 loài nằm trong Danh lục Đỏ thế giới năm 2016 và 8 loài trong sách Đỏ Việt Nam năm 2007); 5 loài thuộc tính chỉ thị cho chất lượng sinh cảnh rừng (voọc đen má trắng, gấu chó, gấu ngựa, báo lửa, sơn dương); 19 loài có giá trị kinh tế và hiện đang bị khai thác mạnh ngoài tự nhiên; 43 loài ếch nhái, cá sấu cạn... Đây là các loài có giá trị bảo tồn gen, được các nhà khoa học trong nước và thế giới quan tâm.

     Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Đặc biệt, phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ… Nhiều di tích đã bị tàn phế do thời gian và chiến tranh, nên tỉnh Bắc Giang đã xác định việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa. Với hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật đa dạng đã tạo cho nơi đây tiềm năng, cùng với khu phía Đông dãy Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh) kết nối tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

 

KBTTN Tây Yên Tử chứa đựng nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm

 

     Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động của các khu KBTTN đang gặp phải những thách thức và áp lực rất lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, từ cộng đồng địa phương... Và cũng đã có rất nhiều giải pháp đưa ra nhằm đảm bảo được mục tiêu phát triển và hỗ trợ cho bảo tồn. Trong đó, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh được coi là giải pháp hữu hiệu, không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy việc bảo tồn, giảm tác động tiêu cực của con người đối với rừng, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch tâm linh - sinh thái KBTTN Tây Yên Tử vẫn ở dạng “tiềm năng”, chưa được “đánh thức”, hầu như chưa được khai thác như một sản phẩm du lịch. 

     Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh theo Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 2/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi có chủ trương trên, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử đã tích cực nghiên cứu và đề xuất với các cấp, ngành của tỉnh về phương án đầu tư tổng thể và dài hạn, với mục tiêu xuyên suốt là vừa tạo nên một khu du lịch kết hợp tổng hòa các yếu tố tâm linh - lịch sử - thiên nhiên sinh thái, vừa phát huy các giá trị bền vững về tâm linh - lịch sử. Dự kiến 4 tuyến du lịch chính bao gồm: Tuyến 1: Đồng Thông - Chùa Đồng (Yên Tử); Tuyến 2: du lịch thăm thác Ba Tia; Tuyến 3: du lịch làng Biểng - Vũng Tròn - Khe Rỗ; Tuyến 4: Nước Vàng - Thác Giót (Lục Sơn - Lục Nam). Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang sẽ có nhiều điểm khác biệt với khu vực tỉnh Quảng Ninh. Ngoài những hoạt động tâm linh như lễ chùa, du khách còn có thể tham gia các hoạt động mang tính tôn giáo như: ăn chay, trị liệu tôn giáo, thiền và những hoạt động du lịch sinh thái như: leo núi, thư giãn tại khu nghỉ dưỡng... Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần xây dựng nên một hành trình du lịch khám phá mới hấp dẫn và nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

     Mặc dù tỉnh Bắc Giang đã có những quan điểm, định hướng rõ ràng nhưng việc phát triển du lịch Tây Yên Tử hiện gặp nhiều khó khăn do nhận thức còn hạn chế, nhân lực tuy dồi dào nhưng chưa được đào tạo bài bản. Cùng với đó, hoạt động du lịch còn manh mún, công tác quảng bá tiềm năng, xúc tiến du lịch của huyện chưa được triển khai sâu rộng, sản phẩm nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu… khiến cho việc phát triển du lịch ở KBTTN Tây Yên Tử phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

     Du lịch tâm linh - sinh thái sẽ là khâu đột phá, hướng đi mới của KBTTN Tây Yên Tử trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn du lịch dồi dào này được khai thác hiệu quả hay không ngoài sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương, rất cần tỉnh Bắc Giang và các nhà đầu tư quan tâm, sớm tìm giải pháp phát triển, tránh lãng phí những tiềm năng, lợi thế “vàng” mà thiên nhiên ưu đãi.

 

Hoa Vũ

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

Ý kiến của bạn