Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

02/01/2019

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ea Sô được thành lập năm 1999, là khu rừng đặc dụng, thuộc địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, có tổng diện tích 27.800 ha, gồm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, rộng 15.959 ha; Phân khu phục hồi sinh thái 9.816 ha và Phân khu dịch vụ hành chính 2.025 ha, có nhiệm vụ bảo vệ rừng đầu nguồn thủy điện sông Hinh, sông Krông H’năng và các hệ sinh thái rừng núi cao Tây Nguyên; Bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là những loài thú lớn móng guốc; Phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển DLST... góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

     Đa dạng các loài động, thực vật

     KBTTN Ea Sô có địa hình phong phú và đa dạng, chia cắt phức tạp, chuyển tiếp từ núi cao đến đồi gò, trảng bằng, đồng cỏ, tạo nên một vùng đặc sắc mang nhiều kiểu thảm thực vật, được đánh giá là môi trường sống lý tưởng của bò tót, bò rừng và các loài thú quý hiếm thuộc bộ thú móng guốc ăn cỏ của Việt Nam.

     Nơi đây có thảm thực vật rừng đa dạng với nhiều kiểu rừng: Kín thường xanh; kín nửa lá rụng; thưa cây lá rộng; trảng cây to, cây bụi, cỏ cao khô nhiệt đới; nửa rụng lá hỗn hợp giao tre nứa, lồ ô; tre nứa, le gai… Về động vật, theo ghi nhận, KBTTN Ea Sô có 279 loài thuộc 92 họ, 29 bộ ở 4 lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái, trong đó, có 69 loài quý hiếm, điển hình như sói đỏ, hươu vàng, mang lớn, bò rừng, chồn, dơi, bò tót, sơn dương... Về thực vật rừng, có 716 loài, thuộc 141 họ, 47 bộ ở 7 lớp của 5 ngành thực vật cùng nhiều loại gỗ quý hiếm như cà te, gõ đỏ, bằng lăng, căm xe, giáng hương… 

 

Thác Bay trong KBTTN Ea Sô

 

     Nằm trong KBTTN Ea Sô là hồ Thủy điện Krông H’Năng, độ cao 240 m, rộng 1.518 ha, với nhiều trò vui chơi giải trí như đua thuyền lướt ca nô trên mặt nước, câu cá vào dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, dòng thác Bay, cách trụ sở Ban quản lý KBT khoảng 15 km, thuộc Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có cột nước cao khoảng 30 m, gồm 3 tầng, uốn lượn giữa đại ngàn Ea Sô xanh thẳm. Thác được hình thành trên một dòng suối nhỏ nằm hoang sơ giữa những cây rừng thuộc họ có rễ phụ đan kín, trông rất lạ mắt. Tiếp đến là khu rừng sinh thái đa dạng, hệ động, thực vật phong phú, những tảng đá đầy đủ kích thước nằm dọc theo con suối quanh năm nước chảy qua… tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp, nên thơ và lãng mạn.

     Nơi lưu giữ nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc Ê Đê

     Đến KBTTN Ea Sô, du khách sẽ được tham quan vườn cây ăn quả như nhãn, vải thiều, cam, quýt… của bà con đồng bào dân tộc Ê Đê; Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ea Rớt tại xã Cư EaLang, gồm hồ chứa nước Krông Pắk Thượng, dung tích 114,84 triệu m3 và hồ chứa nước Ea Rớt, dung tích 16,71 triệu m3.

     Không thể thiếu trong hành trình khám phá nơi đây, quả đồi Cư Cúc - nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, đứng sừng sững giữa đất trời, cuốn hút những ai có sở thích khám phá thiên nhiên. Du khách đến đây còn được giao lưu văn hóa với  đồng bào Ê Đê, cùng thưởng thức các món ăn độc đáo như canh bột, cá suối, canh cà đắng, đọt mây… Buổi tối, bên ánh lửa trại bập bùng, nhâm nhi ché rượu cần, hòa mình vào điệu múa xoang của các cô gái Tây Nguyên trong nhịp chiêng tươi vui, rộn rã… Ngoài ra, du khách cũng sẽ được tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của 129 nhà dài do phụ nữ làm chủ, phản ánh sự tồn tại của chế độ mẫu hệ, trong đó có 46 nhà dài đẹp, trung bình mỗi nhà khoảng 60 m2 - 90 m2. Với những giá trị, sắc thái mang đậm ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống, nhà dài không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Ê Đê mà còn là nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc bản địa tại Ea Kar. Những nét đẹp ấy đã góp phần làm đa dạng và tạo nên bản sắc văn hóa cho Đắk Lắk nói chung, huyện Ea Kar nói riêng.

 

Nhà dài do phụ nữ làm chủ, phản ánh sự tồn tại của chế độ mẫu hệ ở đồng bào Ê Đê

 

     Toàn cảnh Ea Sô là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, vì vậy, việc hình thành các tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Ea Kar là việc làm cần thiết để phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có, hướng tới phát triển du lịch sinh thái (DLST) gắn với tham quan, nghỉ dưỡng, giáo dục ý thức BVMT cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê.

     Có thể thấy, việc phát triển du lịch tại KBTTN Ea Sô là hình thức phát triển kinh tế gắn với công tác bảo tồn hiệu quả nhất, đặc biệt là DLST - loại hình dựa vào hiện trạng tự nhiên, văn hóa để thu hút du khách. Tuy nhiên, khi khai thác phát triển du lịch, không  tránh khỏi những tác động đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học của KBT. Vì vậy, các cơ quan quản lý, nhà đầu tư phải đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế, có kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể, tạo hành lang pháp lý và cơ chế rõ ràng đối với các tổ chức kinh doanh du lịch, đảm bảo có sự chia sẻ lợi nhuận bằng vật chất cho cộng đồng địa phương, bảo tồn thiên nhiên và BVMT. Đồng thời, hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới việc khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên cần được điều chỉnh, bổ sung, tránh sự chồng chéo; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà nghỉ, nhà ăn, trạm dừng chân, chòi quan sát, đường mòn… sao cho thích hợp với nhiệm vụ bảo tồn, không để công tác xây dựng cơ sở vật chất trở thành nguyên nhân của sự tàn phá môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.

 

Lê Thị Ngọc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

Ý kiến của bạn