12/06/2017
Sông Hồng, đoạn chảy qua khu vực Hà Nội với chiều dài khoảng 100 km, qua nhiều năm bồi đắp của dòng phù sa đã kiến tạo nên nhiều bãi bồi, bãi giữa. Trong đó có các bãi bồi (khu vực phường Phúc Tân, Phúc Xá); bãi giữa (xã Liên Hồng, Liên Hà, chân cầu Long Biên) và bãi đá (Nhật Tân). Đến nay, các bãi giữa, bãi bồi là nơi sinh sống của nhiều cư dân nông nghiệp, tạo thành các hệ sinh thái nông nghiệp bán tự nhiên.
Hiện nay, khu vực bãi giữa, bãi bồi, bãi đá sông Hồng thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, đặc biệt vào mỗi dịp cuối tuần, lễ tết. Khu vực này đã trở thành một trong các điểm du lịch lý tưởng của giới trẻ thủ đô với các hình thức tham quan vườn hoa, chụp ảnh, đạp xe, đi bộ trải nghiệm sinh thái, tham quan làng nghề ven sông Hồng; nghiên cứu, quan sát chim hoang dã…
Du khách tham quan vườn hoa tại khu vực bãi Đá, Nhật Tân |
Đến đây, du khách sẽ được ngắm những cánh đồng ngô xanh ngắt, dòng sông uốn lượn bên những bụi lau, những con thuyền nhỏ dập dềnh đánh cá đậu ven sông. Nếu đến vào lúc hoàng hôn, du khách sẽ thấy ánh mặt trời vàng úa lúc cuối chiều, làm cho phong cảnh nơi đây càng cuốn hút.
Đặc biệt, các khu vực bãi đá sông Hồng, có rất nhiều loài hoa như bách nhật, cải vàng, hồng leo, cúc, đồng tiền, mào gà, quất, đào… tạo nên những khu vườn đầy màu sắc. Khung cảnh nơi đây gắn với những cây cầu gỗ, bắc ngang hồ nước, dưới những hàng cỏ lau bay lơ thơ trong gió đã tạo nên một không gian lãng mạn. Để thu hút du khách, người dân nơi đây đã đầu tư xây dựng các căn lều, ghế đá, xích đu để du khách tham quan chụp ảnh, vui chơi giải trí.
Mặc dù, các bãi giữa, bãi bồi, bãi đá sông Hồng đáp ứng các tiêu chí du lịch sinh thái, tuy nhiên, các hoạt động du lịch này, hiện chưa được quản lý tốt mà do các hộ gia đình tự tổ chức kinh doanh. Do phát triển tự phát nên các hoạt động này không kiểm soát được các vấn đề về môi trường như sức chịu tải của hệ sinh thái, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác cát, hoạt động của tầu thuyền, canh tác nông nghiệp có thể ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng.
Như vậy, để phát triển du lịch sinh thái các bãi bồi, bãi giữa, bãi đá sông Hồng, đáp ứng tiêu chí là địa điểm du lịch sinh thái của Hà Nội, chính quyền địa phương cần có quy hoạch và quản lý hoạt động du lịch sinh thái; Xây dựng bản đồ chỉ dẫn các địa điểm vui chơi, giải trí; Hình thành các phân khu cung cấp dịch vụ, tuyến tham quan với các sản phẩm văn hóa địa phương; Thực hiện những đề tài nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái của khu vực sông Hồng, từ đó làm cơ sở để xây dựng quy hoạch…; Đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp có kiến thức, nghiệp vụ về du lịch...
Bên cạnh đó, kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên cát tránh làm biến đổi dòng chảy, gây xói lở các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng. Mặt khác, cần ban hành quy chế quản lý du lịch sinh thái, trong đó quy định về giới hạn số lượng khách, các hoạt động không được tổ chức trong các khu du lịch. Xây dựng nội quy, quy định, giao lực lượng kiểm lâm tăng cường quản lý các hoạt động săn bắt chim, động vật hoang dã. Ngoài ra, hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực. Đồng thời, khuyến khích phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch trải nghiệm thiên nhiên (quan sát các loài chim, côn trùng hoang dã, cây cỏ tự nhiên); Du lịch trải nghiệm nông nghiệp (tham gia sản xuất nông nghiệp cùng người dân địa phương); Du lịch ngắm hoa, cảnh sắc nhân tạo, tự nhiên.
Vương Tiến Mạnh
Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017