11/09/2017
Ngày Bảo vệ Sao la quốc tế lần thứ 2 (ngày 9/7) đã đánh dấu sự hợp tác quốc tế quan trọng, nhằm phát triển chương trình nhân giống Sao la đầu tiên, mở ra hy vọng cho loài động vật có vú, quý hiếm. Chương trình cho thấy sự khẩn cấp trong bảo tồn loài Sao la. Mặc dù, chương trình được điều phối bởi Nhóm các nhà nghiên cứu Sao la (SWG) đã có nhiều thành công trong bảo tồn sinh cảnh của Sao la tại dãy Trường Sơn, nơi giáp ranh giữa Lào và Việt Nam, nhưng việc săn bắt các loài hoang dã cho mục đích thương mại vẫn diễn ra tràn lan, khiến cho loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Một cá thể Sao la hoang dã được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh tại tỉnh Bolikhamxay (Lào) vào năm 1999 |
Ông William Robichaud, điều phối viên SWG của Chương trình Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC), thuộc Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết: “Không còn nhiều thời gian cho Sao la nữa. Nhân giống một loài ít được biết và khó nắm bắt như Sao la sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng nếu chúng ta không hành động thì mức độ rủi ro sinh tồn cho loài động vật quý hiếm này còn lớn hơn. Với sự hỗ trợ của những tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới, chúng tôi đã có sự hậu thuẫn tốt để tạo ra sự thay đổi trước khi quá muộn.”
Bộ NN&PTNT cùng với SWG đã lựa chọn Vườn quốc gia Bạch Mã làm Trung tâm nhân giống Sao la đầu tiên trên thế giới. Trung tâm tại Bạch Mã hiện đang được xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, hoặc đầu năm 2018. Tuy nhiên, nhiệm vụ đầu tiên đó là phải tìm kiếm được loài Sao la. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1992, chỉ có khoảng 10 cá thể Sao la bị bắt giữ, bởi người dân tại Lào và Việt Nam. Do thiếu các chuyên gia và sự chăm sóc đặc biệt nên thời gian Sao la sống lâu nhất sau khi bị bắt là vài tháng. Lần cuối cùng, một cá thể Sao la bị bắt giữ vào năm 2010 tại một ngôi làng của Lào và cá thể đó đã chết trong một tuần sau đó.
Các nhà nghiên cứu sinh vật đã chụp được ảnh Sao la trong tự nhiên 5 lần thông qua máy bẫy ảnh, kể từ khi phát hiện cách đây 25 năm: 2 lần tại Lào và 3 lần tại Việt Nam. Hình ảnh gần đây nhất của Sao la, được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh do WWF lắp đặt là năm 2013 tại một khu bảo tồn Sao la, ở miền Trung Việt Nam. Đó là hình ảnh đầu tiên của loài này sau 15 năm. Sao la rất khó tìm kiếm, sống trong những khu rừng rậm rạp, tại các nơi xa xôi và khó tiếp cận. Cùng với sự bí ẩn của mình, Sao la được đặt tên là “Kỳ lân” của châu Á.
TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF - Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để bảo vệ loài Sao la và nỗ lực hết sức để nhân giống Sao la, đồng thời, tăng cường thực thi pháp luật nhằm loại bỏ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và phá hủy sinh cảnh. Một vài ghi nhận về Sao la là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi và sự tận tụy của những người bảo vệ rừng. Chúng tôi hy vọng một ngày không xa, công sức của đội bảo vệ rừng sẽ được đền đáp bằng một quần thể Sao la phát triển khỏe mạnh tại vùng sinh cảnh phục hồi các loài hoang dã tại Trung Trường Sơn”.
Hiện các nhà sinh vật học và đối tác của SWG đang thử nghiệm nhiều phương pháp nhằm phát hiện loài Sao la, từ phương pháp “thử-và-đúng” như lắp đặt hệ thống máy bẫy ảnh đến xác định DNA.
Có rất nhiều loài quý hiếm và đặc hữu của dãy Trường Sơn như Thỏ vằn Trường Sơn, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Mang thường đã được ghi nhận qua hệ thống máy bẫy ảnh tại vùng sinh cảnh của Sao la. Nhiều loài động vật có vú cỡ lớn và trung bình tại dãy Trường Sơn đang bị đe dọa bởi các loại bẫy, thường làm bằng dây thép, được đặt dày đặc trong rừng tự nhiên. SWG và các đối tác sẽ thực hiện chương trình nhân giống Mang lớn (được phát hiện 2 năm sau Sao la) tại Trung tâm nhân giống Bạch Mã. Đây sẽ là những nỗ lực đầu tiên, nhằm nhân giống các loài hoang dã bằng phương pháp nuôi nhốt.
Phương Ngân
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017