05/09/2018
Hiện nay, việc phát triển các phong trào nói không với nhựa, như sử dụng ống hút inox hoặc thay thế ly nhựa dùng một lần ở các quán nước bằng các ly mang từ nhà… đã góp phần hạn chế lượng rác thải nhựa đối với môi trường. Đặc biệt, những ý tưởng BVMT của các câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện, trong đó có The People được cộng đồng tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả sâu rộng và thiết thực.
The People là một tổ chức phi lợi nhuận do những bạn học sinh - sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh sáng lập năm 2016, hoạt động dựa trên nguyên tắc: “Bắt đầu nhỏ, kết thúc lớn” và triển khai những dự án BVMT. Hiện nay, The People có tổng cộng 70 tình nguyện viên, phần lớn là học sinh Trung học phổ thông, một số ít là học Trung học cơ sở. Ngoài địa bàn hoạt động chính tại TP. Hồ Chí Minh, đã có một số bạn đến từ các tỉnh thành khác ở Việt Nam và cả du học sinh ở nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, The People đã và đang xây dựng tổ chức theo định hướng BVMT và dự định sẽ mở rộng sang những lĩnh vực khác. Theo The People, ngoài lý thuyết, mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp cho môi trường thông qua những hành động đơn giản, thiết thực.
Triển lãm thu hút sự tham gia tích cực của các bạn trẻ
Trong 3 năm (từ 2016 - 2018), The People đã tổ chức nhiều hoạt động cũng như sự kiện lớn như: “Finding Papier - Hành Trình Tìm Papier”; “Papertown - TP Giấy giữa lòng Sài Gòn”; “Thôi! Xuống đi! Down-to-earth”… Trong đó, Triển lãm “Thôi! Xuống đi! Down-to-earth” được tổ chức trong tháng 7/2018 đã đem đến cho người tham dự những kiến thức nhằm giảm thiểu rác thải cũng như nguyên vật liệu, thông qua hình thức tái chế và tái sử dụng. Khác với những sự kiện trước, năm nay, Triển lãm có nhiều điều mới mẻ và hấp dẫn, thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ. Họ đến đây không chỉ để tham quan những tác phẩm nghệ thuật tái chế từ rác mà còn trực tiếp tham gia thực hành, được hướng dẫn làm các đồ dùng hàng ngày từ rác thải. Đó là những chậu cây cảnh, những chiếc vòng trang trí được làm từ chai nhựa; nắp chai được kết thành một chú rùa; những chiếc túi ni lông biến thành “cư dân phố biển” là mực, bạch tuộc, cá; mô hình con tàu Titanic từ giấy; những chiếc móc khóa, hộp đựng bút... Tất cả đều sống động, đầy màu sắc và gần gũi. Nếu không được các bạn tình nguyện viên giải thích, không ai nghĩ những sản phẩm ấy được tái tạo từ nguyên liệu bỏ đi trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, Ban Tổ chức Triển lãm đã đề ra một số nội quy như: Không xả rác trong khuôn viên sự kiện, bất kỳ trường hợp nào xả rác bừa bãi sẽ được yêu cầu rời khỏi sự kiện ngay lập tức; Không có hành vi gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm Triển lãm; Vui lòng dùng nước của Pepsi ở đúng khu vực quy định và trả lại ly dùng nước. Để tiện lợi, bạn có thể mang theo chai riêng và có tình nguyện viên rót ra chai riêng; Do yếu tố BVMT, nhóm không phát hành thông cáo báo chí bản giấy và sẽ gửi qua thư điện tử cho các phóng viên, cơ quan truyền thông…
Sản phẩm làm từ đồ tái chế của The People
Năm nay, Triển lãm gồm 4 hoạt động chính: Trưng bày sản phẩm tái chế (nghệ thuật và tương tác); workshop hướng dẫn tái chế; các diễn giả giao lưu cùng khách mời; gây quỹ từ những vật lưu niệm làm bằng đồ tái chế. Những nguyên liệu tái chế được dùng sáng tạo mô hình tại Triển lãm là nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh, pin, hữu cơ và vải. Năm 2016 và 2017, các bạn trẻ trong The People đã dùng giấy vụn để làm các sản phẩm với thông điệp BVMT. Bắt đầu từ một ý tưởng nhỏ, lại là tổ chức của học sinh - sinh viên nên để duy trì hoạt động sang năm thứ 3 là nỗ lực lớn của cả nhóm The People. Trong quá trình hoạt động, nhóm cũng gặp không ít khó khăn, đầu tiên là xin tài trợ địa điểm. Năm nay, The People đã tìm đến 40 nơi, gửi email nhưng đều bị từ chối và chỉ có duy nhất một đơn vị nhận lời hỗ trợ. Những năm đầu hoạt động, vì chưa có nền móng nên vấn đề xin tài trợ là thử thách lớn. Riêng về thành viên, 1-2 năm đầu, có một số thành viên không gắn bó lâu dài. Năm nay, bước sang năm thứ 3 đi vào hoạt động, mọi hoạt động đã có những biến chuyển tích cực hơn, số lượng nhà tài trợ giúp nhóm có đủ kinh phí tổ chức Triển lãm, các buổi trao đổi, thực hành trong 2 ngày liên tiếp đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm qua các năm tổ chức, nhóm đã nhận ra rằng, để thuyết phục được, vấn đề cốt lõi là ý tưởng phải hay, làm cái gì chưa ai làm để mọi người cùng muốn thử. Bên cạnh đó, cũng cần thể hiện sự chuyên nghiệp, lễ phép vì các thành viên còn rất trẻ.
Thành quả đầu tiên mà The People đạt được không phải là những Triển lãm quy mô mà là việc giúp chính các bạn tham gia thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen BVMT và lan tỏa những điều ý nghĩa ấy ra cộng đồng. The People muốn truyền tải rằng, nếu bạn đã muốn BVMT, từng hành động nhỏ bé đều có ích. Từ việc từ chối lấy bao ni lông khi đi mua đồ, tắt đèn khi rời khỏi phòng cho đến việc dừng lại khi đang đi để nhặt rác bỏ vào thùng, tất cả đều mang ý nghĩa lớn đối với môi trường sống.
Có thể nói, sự phát triển của các hoạt động tình nguyện vì môi trường cho thấy một dấu hiệu tích cực về sự phát triển của một xã hội dân sự tại Việt Nam, khi mà những công dân trẻ tuổi muốn bày tỏ sự quan tâm và vai trò của họ trong việc xây dựng một cuộc sống bền vững, góp phần nâng cao ý thức BVMT của người dân, từ đó xây dựng cảnh quan, môi trường ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.