Banner trang chủ

Tết Nguyên đán nhìn từ lối sống xanh

03/02/2017

   Xuân đến Tết về, ngồi bên mâm cỗ, dạo chơi dưới muôn sắc hoa, cây cỏ, đất trời lại liên tưởng, gắn kết Tết cổ truyền với những vấn đề môi trường đang đặt ra hiện nay.

Ngày Tết là ngày đoàn tụ, đoàn viên, trong đó có những yếu tố liên quan đến BVMT, phát triển bền vững

   Tết Nguyên đán cổ truyền là những thành tố, các giá trị của văn hóa dân tộc được duy trì, bổ sung, phát triển từ đời này qua đời khác, trong đó có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Bởi vì là văn hóa mà nó tồn tại lâu bền, thành lề thói, phong tục tập quán tốt đẹp, ăn sâu vào máu của mỗi người dân Việt Nam. Nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại là lối sống, phép ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Nói đến Tết Nguyên đán có người cho rằng đó là một truyền thống, ổn định, nhưng trong từng giá trị truyền thống thì truyền thống vừa ổn định và cũng vừa năng động. Tết Nguyên đán là một lễ hội tồn tại hàng nghìn năm nay, do vậy nó có thể tiếp thu và phát triển thành những yếu tố thời đại. Ngày nay, nói đến Tết Nguyên đán không phải để hoài cổ mà để tạo mới, trong đó có những yếu tố liên quan đến BVMT, phát triển bền vững.

   Như chúng ta đều biết, Trái đất đang nóng dần lên, tài nguyên đang cạn kiệt và chất lượng môi trường ngày một xấu đi. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là tiêu dùng nhiều hơn mức cần thiết và sản xuất không bền vững, không quan tâm đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường, tái chế và xử lý rác thải. Do đó, hiện nay, sống xanh đang là xu hướng phát triển của nhân loại. Lối sống xanh là một cách nói hình tượng, dễ tiếp cận với khái niệm phát triển bền vững. Nội hàm của khái niệm sống xanh bao gồm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và ít tác động tới môi trường từ thói quen sinh hoạt của con người. Đồng thời, lối sống xanh còn thể hiện ở thái độ ứng xử thân thiện của con người với thiên nhiên và giữa con người với con người. Có người cho rằng, lối sống xanh là xây dựng những biệt thự đẹp, trồng nhiều cỏ cây, tạo nên không gian mát mẻ, thân thiện với môi trường. Nhưng như thế chưa đủ, sẽ không phải là sống xanh nếu trong không gian ấy còn tồn tại những khoảng cách về xã hội quá lớn, ví dụ cách đối xử giữa chủ nhà với người lao động chưa phù hợp. Nếu nâng niu cây cỏ, hoa lá mà xúc phạm đến con người thì cũng không thể nói người đó có lối sống xanh. Sống xanh là phải đối xử tôn trọng đối với môi trường thiên nhiên và con người. Vì vậy, Liên hợp quốc định nghĩa phát triển bền vững (phát triển xanh) là những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện tại, mà không làm giảm thiểu, hoặc tước đi khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau. Đó là một trào lưu của thế giới và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát triển bằng cách đưa ra những chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là chú ý giáo dục nhân cách con người.

   Đối chiếu nội hàm khái niệm lối sống xanh với những giá trị của Tết Nguyên đán cổ truyền ở Việt Nam thì có nhiều vấn đề, nội dung tương tự. Nguyên nghĩa của Tết là “tiết”. Nền văn hóa Việt Nam thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên thời gian trong năm được phân chia thành 24 tiết khác nhau. Ứng với mỗi tiết có một thời khắc “giao thời”, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán, sau này được gọi là Tết Nguyên đán. Theo nguyên nghĩa, “Nguyên đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên trong tháng đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên đán kéo theo một loạt các nghi thức, phong tục tập quán đa dạng phong phú. Việt Nam có 54 dân tộc thì cũng có bấy nhiêu phong tục tập quán, nhưng dân tộc nào cũng thể hiện ở hai khía cạnh: Quan hệ giữa con người với thiên nhiên và quan hệ giữa con người với con người.

   Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, có ý nghĩa đặc biệt đối với xã hội. Thời gian chu kỳ là thời gian nông nghiệp, thời gian của những nền văn minh thôn dã. Người ta nương theo chu kỳ của cây cối, cây trồng: “Xuân sinh” tức là mùa Xuân sinh sôi, Xuân là Sinh, mà Xuân cũng có nghĩa là Xanh:

“Cái hoa Xuân nở, cái lá Xuân xanh

Ai muốn chiết cành hãy đợi mùa Xuân”

   Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ, cúng tế các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời, thần Núi, thần Sông, thần Rừng, thần Cây... Người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này. Một số dân tộc thiểu số còn có tục lệ thờ cúng các dụng cụ lao động để cho chúng cũng được nghỉ ngơi trong dịp Tết. Tiễn “ông Táo chầu trời”, người ta mua cá chép sống rồi thả “phóng sinh” xuống ao hồ, sông lạch. Nét biện chứng ở đây là từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống. Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng Cây Nêu, mang ý nghĩa phổ quát của Cây Vũ Trụ, còn gọi là Cây Mặt Trời. Để xã hội hài hòa và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 tháng Chạp mọi công việc đồng áng, buôn bán cũng tạm dừng. Từ đây không ai được vào rừng khai thác, thu lượm. Ngày xưa, các công thư huyện, tỉnh, trấn, xứ và triều đình đều đóng cửa nghỉ việc từ hôm đó, sau khi đã làm lễ “hạp ấn” (niêm phong mọi con dấu, ấn triện...). Đến nhà tù cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Tóm lại, lúc đó mọi việc ngừng nghỉ hoàn toàn để hợp với cái chết tạm thời của vũ trụ.

   Có thể nói, Tết Nguyên đán thực chất là Tết của nhà nông. Hầu hết các vật phẩm dùng trong dịp Tết đều là sản phẩm của nền nông nghiệp. Chuẩn bị cho những ngày Tết, đó là trồng nêu, gói bánh chưng, bánh tét, trang hoàng nhà cửa, quét vôi cho các gốc cây, thậm chí còn vẽ thành những hình cung nỏ trong ngõ nhà để phòng đuổi ma trong đêm Trừ tịch... Vào thời điểm giao thừa, hoặc sáng sớm mùng một Tết, các gia đình thường sắp mâm cỗ cúng gia tiên (cúng giao thừa). Đồng thời, các gia đình cũng sắp một mâm cỗ cúng trời, đất, các vị thần linh... phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Nếu chẳng may năm nào thời tiết thất thường, mưa nắng không thuận hòa, thiên tai, dịch họa... Tết cũng kém vui, thậm chí có người không có Tết. Do vậy, đúc kết, vận dụng những tinh hoa tri thức cô đọng trong các phong tục ngày Tết Việt Nam để góp phần cho “tăng trưởng xanh” chính là một biểu hiện của tư duy xanh, lối sống xanh hiện nay.

   Xét về mối quan hệ giữa con người với con người thì Tết Nguyên đán mang nhiều ý nghĩa nhân văn hay có thể gọi là cái Tết nhân văn. Mỗi người dân Việt Nam đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết, được sống lại những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa nhà cửa hoặc làm mới về mặt tình cảm và tinh thần của con người. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn, ghế, giường, tủ được lau chùi, phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa, gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui, hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên.

   Như bất cứ lễ hội nào, Tết cũng có những thủ tục và những điều kiêng kị. Thủ tục tắm gội tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng nhau năm mới, hái lộc, xuất hành, khai bút... Tết họ sẵn sàng bỏ qua, xí xóa cho nhau mọi mâu thuẫn, hiềm khích để sang một năm mới “người với người sống để yêu nhau”. Vì thế, người ta nói, Tết Nguyên đán là Tết đoàn kết cộng đồng. Tết còn là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi, vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi mới với những điều tốt lành nhất. Người lớn có tục lệ mừng tuổi cho trẻ con và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi, còn các cụ thì sống lâu và mạnh khỏe để con cháu được nhờ phúc. Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu Xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm, cộng đồng được mở rộng, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội: “Mùng một thì ở nhà cha/Mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”.

   Tết cũng là ngày đoàn tụ cả với những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí quan trọng, thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của con cháu đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất. Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với thiên nhiên, gia đình, người thân của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm, mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm trong những ngày Tết, hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và thành công mới trong tương lai. Đó cũng chính là cốt lõi tình cảm mà lối sống xanh ngày nay mong muốn xây dựng.

Vũ Ngọc Lân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn