26/10/2017
Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học về biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam với chủ đề “Tăng cường xã hội hóa công tác trợ giúp cho nhóm dễ bị tổn thương” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/10/2017.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Viết (Bộ NN&PTNT), những tác động của BĐKH đến nông nghiệp Việt Nam thể hiện ở việc ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ, gia tăng dịch bệnh, giảm năng suất cây trồng; Nước biển dâng làm mất diện tích đất canh tác, xâm nhập mặn, tiêu thoát nước khó khăn. Dự báo đến năm 2.100, nhu cầu dùng nước trong nông nghiệp có thể tăng gấp 2 - 3 lần dẫn tới nguy cơ hạn hán và tình trạng thiếu nước cho sản xuất. Sự thay đổi ranh giới phân bố cây trồng nhiệt đới gồm dịch chuyển lên cao và tiến về phía Bắc. Phân tích số liệu về các thiệt hại tiềm năng của BĐKH gây ra đối với nông nghiệp, cụ thể là sự suy giảm tiềm năng năng suất lúa hè thu do thay đổi khí hậu đến năm 2030 là 9,15%, giảm 8,4% sản lượng so với năm 2008.
Nhằm ứng phó với BĐKH, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD từ nguồn lực nhà nước, hỗ trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH
Để thay đổi tình trạng này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh với BĐKH. Tính thông minh ở đây là các giải pháp đạt được 3 mục tiêu: Đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng; thích ứng bao gồm khả năng chống chịu, phục hồi với các điều kiện bất lợi của khí hậu, dịch hại, sâu bệnh; ổn định năng suất và giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính cũng như hấp thụ, tích tụ các bon.
Hiện nông nghiệp thông minh đã bắt đầu được áp dụng trong trồng trọt tại Việt Nam như: Sử dụng giống lúa ngắn ngày, điều chỉnh lịch thời vụ để hạn chế ảnh hướng của hạn, úng; các mô hình lúa tôm đồng bằng sông Cửu Long; “1 phải, 5 giảm” tại Nam Định… Trong chăn nuôi, các thực hành nông nghiệp được áp dụng gồm: Hầm khí sinh học trong quản lý chất thải chăn nuôi lợn; Quy trình chăn nuôi vịt biển; Nuôi trâu bò kết hợp trồng và chế biến cỏ nhằm bổ sung thức ăn vào mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Nhìn chung, có rất nhiều cách thực hành và cách tiếp cận trong trồng trọt, chăn nuôi có thể tăng năng suất cây trồng và vật nuôi mà vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường. Tuy nhiên, cần xem xét ở các mặt về sinh thái, chính sách xã hội - kinh tế tại một khu vực cụ thể cũng như tính thích ứng và giảm nhẹ” - PGS.TS Nguyễn Bỉnh Thìn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Theo PGS.TS, để thực hiện thành công nông nghiệp thông minh, cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ như xây dựng các biện pháp kỹ thuật canh tác chăn nuôi phù hợp với BĐKH; áp dụng các biện pháp canh tác chăn nuôi theo hướng Vietgap; cải tiến công tác quản lý sử dụng đất; xây dựng tuyến đê phía trong, tạo thành vùng đệm giữa các vùng canh tác nông nghiệp và biển… Đặc biệt là tuyên truyền, vận động bà con áp dụng công nghệ mới thay vì những cách làm truyền thống, hiệu quả thấp.
An Bình