Banner trang chủ

Tăng cường công tác bảo tồn các loài thú đặc hữu của khu vực rừng phòng hộ Ðộng Châu - khe Nước Trong

17/10/2016

   Khu vực rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong có diện tích 20.000 ha thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) được ví như một mái nhà xanh của hàng vạn cư dân sinh sống ở lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH), rừng Động Châu - khe Nước Trong còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn và được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng ĐDSH trọng điểm nối giữa Việt Nam và Lào.

   Những giá trị ĐDSH

   Theo số liệu điều tra khu hệ động, thực vật của Viện Điều tra quy hoạch rừng năm 1992, các nhà khoa học ghi nhận, khu vực rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong có 241 loài động vật có xương sống thuộc 77 họ và 21 bộ, trong đó có 26 loài thuộc nhóm quý hiếm, nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện sự phân bố của loài sao la và nhiều loài thú quý hiếm khác ở khu vực rừng này. Đặc biệt, đã nghi nhận một số loài như trĩ sao, khướu đầu xám, khướu mỏ dài, chích chạch má xám, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, ếch cây Trường Sơn... đã cho thấy giá trị ĐDSH đặc biệt ở khu vực này.

Rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực Động Châu - khe Nước Trong (Quảng Bình) 

   Ngoài ra, Khu vực rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp thuộc vùng chim quan trọng của dãy Trường Sơn, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như trĩ sao, các loài gà lôi, gà tiền…

   Về hệ thực vật, đã thống kê được 987 loài, 539 chi thuộc 141 họ trong 5 ngành thực vật bậc cao. Trong số các loài được ghi nhận có 54 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ thế giới (IUCN 2009). Các chuyên gia đánh giá, khu vực rừng phòng hộ Động Châu- khe Nước Trong là một trong số ít khu vực ở miền Trung hiện còn lưu giữ được diện tích rừng ẩm thường xanh trên đất thấp ít bị tác động.

   Tăng cường công tác bảo tồn các loài thú quý hiếm, đặc hữu

   Hiện nay, diện tích rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong đang bị thu hẹp do người dân dùng làm đất canh tác, nên nhiều loài động, thực vật nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng không chỉ cấp độ quốc gia mà còn mang tính toàn cầu. Đặc biệt, có hai loài đang bị đe dọa ở mức độ rất nguy cấp là sao la - loài thú móng guốc được phát hiện năm 1992 và gà lôi lam mào trắng, loài chim đặc hữu chỉ có ở miền Trung. Nhằm bảo tồn những giá trị của rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã đề nghị UBND tỉnh thúc đẩy việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên cho khu vực này.

   Trước mắt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) thực hiện Dự án “Bảo vệ ĐDSH và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu - khe Nước Trong”. Đây là Dự án nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 - 2017 của tỉnh Quảng Bình. Dự án đã thuê 800 ha rừng tại Tiểu khu 528 thuộc khu vực rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong, với thời hạn 30 năm. Mục đích nhằm quản lý theo mô hình “khu rừng hy vọng” đã được một số nước trên thế giới thực hiện. Nghĩa là kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với bảo tồn; khu rừng được bảo vệ theo mô hình rừng đặc dụng, đồng thời hỗ trợ các hoạt động tăng cường bảo vệ rừng và ngăn chặn hiện tượng bẫy, bắt động vật hoang dã, trên toàn bộ diện tích rừng trong khu vực. Khi triển khai Dự án, các bên liên quan đã nghiên cứu các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm để phục vụ công tác bảo tồn, đặc biệt là loài gà lôi lam mào trắng và sao la; tiến hành đặt bẫy ảnh tự động ghi lại hình ảnh các loài động vật có trong khu vực; điều tra, khảo sát, giám sát biến động của các loài động, thực vật ngoài thực địa, theo dõi số lượng loài và số lượng cá thể của loài để có biện pháp bảo tồn phù hợp. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu - khe Nước Trong trang thiết bị, tập huấn nghiệp vụ, kinh phí phục vụ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, Dự án cũng hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực lân cận thuộc xã Kim Thủy để giảm thiểu áp lực vào rừng như trồng mây dưới tán rừng, chăn nuôi...

   Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đề ra một số giải pháp cần thực hiện như: Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng; Xây dựng Phương án quản lý bảo vệ rừng, giảm tình trạng chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Lập sơ đồ tuyến tuần tra rừng tự nhiên đối với các Trạm Kiểm lâm đảm bảo khép kín đến từng lô, khoảnh rừng; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng…

Nguyễn Hà

Tổng cục Lâm nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn