18/05/2017
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đất ngập nước (ĐNN) Lung Ngọc Hoàng, được Chính phủ ra Quyết định thành lập năm 2002, với tổng diện tích khu bảo tồn là: 2.805, 37 ha, bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 976, 28 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 963, 45 ha, phân khu hành chính, dịch vụ, du lịch: 404, 61 ha, khu thực nghiệm khoa học: 461, 03 ha. KBTTN ĐNN nằm trên địa bàn xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có thảm thực vật phong phú và nhiều loài động vật quý, hiếm, nơi đây là vùng đồng trũng ngập nước rộng lớn trải dài từ phía Tây sông Hậu tới tận vùng U Minh, được đánh giá là một trong những quần thể quan trọng trên bản đồ ĐNN của Việt Nam.
Những giá trị đa dạng sinh học
KBTTN ĐNN Lung Ngọc Hoàng xưa kia là một vùng đất, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao ngút ngàn. Theo tiếng Nam Bộ, Lung Ngọc Hoàng có nghĩa là Vùng rừng lầy hoang dã của Ông Trời. Theo sách Địa chí Cần Thơ thì cách nay trên 120 năm đã có người đặt chân đến Lung Ngọc Hoàng để khai hoang cày cấy. Trước Cách mạng Tháng Tám cũng có nhiều địa chủ đến trồng lúa và khai thác cá. Đi lạc vào vùng này khó có thể tìm được lối ra do địa hình mênh mông và chằng chịt dây leo, hoang sơ vắng vẻ. Hệ thực vật của KBTTN ĐNN rất phong phú, với 330 loài, chủ yếu là 3 kiểu thảm thực vật chính: Rừng tràm, đầm lầy và trảng cỏ. Rừng Tràm có diện tích lớn nhất, chủ yếu là rừng trồng, rải rác có cây tràm tái sinh, còn lại là đầm lầy và trảng cỏ. Có 3 loại hình trảng cỏ khác nhau trong khu vực là: Bãi Đưng (gồm có cỏ năng và các loài thuộc họ cỏ chỉ); Bãi cỏ mỡ chiếm ưu thế ở các bờ kênh; Bãi sậy xuất hiện thành từng đám cao và dày. Quần xã thực vật thủy sinh ở các kênh đào chủ yếu là các loài lục bình, bèo cái, bèo ong (tai chuột), bèo trống, bèo dâu và bèo cám, rau muống, rau mương, cỏ sước nước. Ngoài ra, hệ thực vật thuộc hệ sinh thái ĐNN là quần thể rất đa dạng, bao gồm các loài chiếm ưu thế như: dây choại, lác, sậy, bồng bông; thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn gồm trâm sắn, ngái lông, gáo trắng, gừa, đủng đỉnh, cây mua; thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước như bông súng, bông sen...
Loài chồn mực ở KBTTN ĐNN Lung Ngọc Hoàng là loài thú quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao |
Năm 1976, vùng đất hoang hóa bao quanh KBTNN ĐNN Lung Ngọc Hoàng rộng 5.100 ha được Nhà nước thành lập Nông trường Phương Ninh (nay là Lâm trường Phương Ninh). Để phát triển kinh tế rừng, lâm trường Phương Ninh đã tập trung trồng rừng, trông thêm 3 loài cây có giá trị kinh tế cao là bạch đàn đỏ, keo, xà cừ. Hiện nay, những cánh rừng xanh ngút ngàn là mái nhà của các loài lưỡng cư và tôm, cá, lươn, ếch. Nơi đây từng được ví như “rốn cá” và “vựa rắn” của miền Tây. Các loài động vật ở KBTTN ĐNN Lung Ngọc Hoàng rất đa dạng, với khoảng 206 loài, trong đó, có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng ở quy mô toàn cầu như trăn, cổ rắn, rái cá long mũi, rùa nắp, ếch giun, quắm trắng, dơi chó, chồn mực, cáo, mèo… Ngoài ra, còn có 9 loài chim quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là, già đẫy, le khoang cổ, vạc. Ngoài ra, còn có 77 loài thủy sản, trong đó có 2 loài cá quý: cá còm và cá trê trắng.
Rừng tràm ở KBTTN ĐNN Lung Ngọc Hoàng |
Tăng cường công tác bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu
Những năm gần đây, hệ sinh thái KBTTN ĐNN Lung Ngọc Hoàng, đang bị xâm hại nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 1999 đến nay, hơn 50% diện tích rừng đã giảm trữ lượng và hơn 30% diện tích rừng đã trở thành “rừng nghèo kiệt”. Nguyên nhân do một lượng lớn các hộ di dân đã kéo vào khu vực vùng lõi và đệm của KBTTN ĐNN khai hoang, phá đất, trồng trọt để sinh sống. Hiện có tới 360 hộ gia đình là "dân gốc" và 240 hộ di cư tự do từ nơi khác đến, trong số này tỷ lệ hộ nghèo, chiếm tới hơn 55%. Bên cạnh đó, tình trạng săn bắn động vật hoang dã, nhất là các loài rắn, chim và các loài cá ngày càng tinh vi hơn. Hầu hết các loài động vật hoang dã đánh bắt được đều đưa ra chợ đầu mối Phụng Hiệp, sau đó mới chuyển đi khắp nơi. Ngày nay chợ rắn, chợ chim Phụng Hiệp mới thưa vắng dần nhờ có quyết định cấm khai thác các loài động vật quý hiếm của chính quyền địa phương. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch xây dựng khu tái định cư và di dời dân ra khỏi rừng nhằm nâng cao điều kiện sống cho bà con đồng thời ngăn chặn tình trạng khai thác động, thực vật trái phép trong KBTTN ĐNN. Tuy nhiên việc triển khai triển khai thực hiện gặp khó khăn do thiếu kinh phí.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững, Ban quản lý KBT ĐNN Lung Ngọc Hoàng đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện như: Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng; xây dựng Phương án quản lý bảo vệ rừng, giảm tình trạng chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; lập sơ đồ tuyến tuần tra rừng tự nhiên đối với các Trạm Kiểm lâm đảm bảo khép kín đến từng lô, khoảnh rừng… Đồng thời, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, địa phương, có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, cần bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ các loài động, thực vật; duy trì và phát triển nguồn gen; nhân nuôi bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, những loài đặc hữu và những loài có giá trị kinh tế; xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc quản lý, giám sát loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước vùng đồng bằng ngập nước phía Tây sông Hậu Giang. Đồng thời, góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam Bộ; Duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng… Bên cạnh việc thực thi pháp luật, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng. Sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và những tiềm năng của hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ cuộcsống của nhân dân địa phương, đồng thời tìm các sinh kế thay thế giúp cộng đồng dân cư phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đình Lân
Đại học Lâm Nghiệp
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017