Banner trang chủ

Tác động môi trường tại khu du lịch núi Bà Đen, Tây Ninh

10/04/2018

     Núi Bà Đen có diện tích 1.638ha nằm trong địa bàn các xã Ninh Sơn, Thạnh Tân và Tân Bình (TP.Tây Ninh), xã Phan và Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) tỉnh Tây Ninh. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng Nam bộ. Hệ thống hang động và cảnh quan tự nhiên kết hợp kiến trúc tôn giáo đã tô điểm cho khu du lịch một nét đẹp hài hòa với thiên nhiên. Núi Bà Đen thật sự trở thành nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái (DLST) và truyền thống cách mạng của dân tộc.

     Những tác động môi trường của Khu du lịch núi Bà Đen

     Từ thực trạng khai thác du lịch tại Khu du lịch núi Bà Đen cho thấy, hoạt động DLST tại đây đã và đang từng bước phát triển mạnh. Bên cạnh những lợi ích mà du lịch mang lại, các hoạt động du lịch cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

 

Hệ thống cáp treo ở núi Bà Đen

 

     Về đa dạng sinh học (ĐDSH): Định hướng phát triển DLST đã xác định các hệ sinh thái (HST) rừng của núi Bà Đen có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển khu DLST núi Bà Đen, ngoài ra còn nhiều giá trị lớn khác. Do đó, chính quyền địa phương đã kiến nghị các cấp cần bảo vệ HST tự nhiên ở vùng lõi núi Bà Đen, hướng tới xây dựng thành Khu bảo tồn thiên nhiên, nhằm bảo vệ nguồn gen và tính đa dạng cho HST rừng. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch có thể sẽ ảnh hưởng tới một số loài động vật. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, có thể làm gia tăng các hoạt động săn bắt thú rừng, săn bắt thằn lằn núi, gia tăng khai thác các dược liệu thuốc nam để phục vụ du khách.

      Cảnh quan sinh thái: Khu du lịch núi Bà Đen được xây dựng thành khu DLST với các loại hình du lịch tín ngưỡng, văn hóa lễ hội ở núi Bà Đen. Do đó, tất cả các điểm DLST bao giờ cũng có sự kết hợp giữa DLST với du lịch tín ngưỡng, lễ hội hoặc kết hợp DLST với du lịch lịch sử, cắm trại, vui chơi, giải trí… Để phát triển loại hình DLST tất yếu phải bảo vệ và khôi phục các HST tự nhiên như trồng rừng với cây bản địa, đặc hữu, quý hiếm. Như vậy, các HST tự nhiên vốn dĩ đã bị tác động rất nghiêm trọng sẽ dần dần được phục hồi, trở lại dáng vẻ của tự nhiên, đảm bảo được tính ĐDSH và lập lại các cân bằng sinh thái. Phát triển các loại hình du lịch sẽ phải chiếm dụng một phần diện tích các HST tự nhiên để xây dựng các tuyến đường leo núi, nơi nghỉ chân, ăn uống, cắm trại và các hoạt động vui chơi giải trí. Nhằm hạn chế tác động ở mức tối thiểu, các công trình xây dựng nên tập trung ở vành đai dưới chân núi, còn phía trên sườn núi chỉ xây dựng quy mô nhỏ và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.

     Về môi trường: Các điểm và khu DLST đi vào hoạt động sẽ cải thiện về cơ bản cả môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội (KT-XH). Loại hình DLST luôn dựa trên cơ sở bảo tồn và khôi phục tính đa dạng của các HST tự nhiên. Mặt khác, hoạt động DLST nếu được tổ chức, quản lý tốt sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời giảm thiểu tối đa mức độ sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo. Đồng thời, doanh thu từ dịch vụ, du lịch góp phần cải thiện mức sống của người dân địa phương và tạo ra sự ổn định trong môi trường KT-XH tỉnh Tây Ninh.

     Tuy nhiên, phát triển các hoạt động du lịch và DLST không tránh khỏi tác động tiêu cực đến cả môi trường tự nhiên và KT-XH. Các giải pháp trong tổ chức, quản lý, thực hiện nghiêm các quy định của Luật BVMT là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu tác động tiêu cực đến khu vực này.

     Văn hóa lịch sử: Các loại hình du lịch tín ngưỡng và du lịch lịch sử cùng phát triển song hành với DLST, do đó các di tích lịch sử và văn hóa được nâng cao giá trị và trở thành các điểm du lịch trong các khu, cụm và tuyến DLST. Các di tích lịch sử và tín ngưỡng có thể bị xuống cấp do tác động của du khách, do đó cần có kế hoạch bảo vệ, giữ gìn và tu bổ thường xuyên các di tích có giá trị.

     Sử dụng đất: Sự phát triển các dự án DLST sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp làm chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Diện tích trồng cây hàng năm sẽ bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây ăn quả, cây cảnh và hoa, tác động thay đổi đó phù hợp với các điều kiện sinh thái ở Tây Ninh. Một phần diện tích các HST tự nhiên sẽ bị chiếm dụng để xây dựng các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn… và các công trình phụ trợ phục vụ cho DLST.

     Cơ sở hạ tầng: Để phát triển DLST và các loại hình du lịch khác, các cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, hệ thống thông tin, bưu điện, tiêu thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải… sẽ được xây dựng và mở rộng. Sự phát triển cơ sở hạ tầng nhiều khi lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng các hoạt động khai thác trái phép lâm thổ sản, buôn bán động vật hoang dã. Cần tính đến tác động này để có các giải pháp bảo vệ Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ ở tỉnh Tây Ninh.

     Lao động: Các dự án DLST sẽ tạo ra nhiều việc làm, nhiều nghề nghiệp mới, đồng thời tạo ra một lực lượng lao động mới cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển các dự án DLST sẽ thu hút người lao động có chất lượng cao từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng và ưu tiên sử dụng lao động địa phương, tránh xảy ra tình trạng dư thừa lực lượng lao động chưa có tay nghề và chưa được đào tạo, và có thể xảy ra sự bần cùng hóa một bộ phận lao động địa phương.

     Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề: Các làng nghề và sản xuất tiểu thủ công nghiệp sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du khách.

     Quy luật cung cầu trong cơ chế thị trường sẽ tác động đến các làng nghề và nếu không có dự báo tốt có thể gây ra tình trạng khủng hoảng thừa hoặc sự phát triển mất cân đối của các làng nghề. Đồng thời, sự phát triển các làng nghề có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và KT-XH.

     Giáo dục: Nguồn lợi do DLST du mang lại kết hợp với công tác giáo dục, tuyên truyền sẽ làm cho cộng đồng địa phương ý thức được rằng, cần phải bảo vệ sinh cảnh núi Bà Đen, do đó sẽ hạn chế và dần chấm dứt hoạt động săn bắt, khai thác các động vật hoang dã như: thằn lằn núi, ốc núi... và khai thác các cây thuốc Nam bất hợp pháp.Tác động của văn hóa ngoại lai và các tệ nạn xã hội có thể nảy sinh do hoạt động DLST.

     An ninh trật tự: Nguồn lợi do hoạt động DLST mang lại sẽ tạo nhiều việc làm, nâng cao mức sống người dân địa phương, góp phần tạo ra phát triển kinh tế - xã hội và tác động tích cực đến sự ổn định, an ninh trong cộng đồng dân cư địa phương. Hoạt động DLST tạo ra sự biến động thường xuyên trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống và các hoạt động KT-XH của cộng đồng dân cư địa phương, gây khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý, an ninh, trật tự. Nếu không tổ chức, quản lý tốt sẽ làm gia tăng sự mất ổn định trong an ninh, trật tự và làm phát sinh, phát triển các tệ nạn xã hội.

     Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch ở Khu du lịch núi Bà Đen

     Thứ nhất, với nhiều hang động tự nhiên và có giá trị về mặt lịch sử, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội lớn, mang đậm tính nhân văn, quần thể chùa lâu đời… thì loại hình du lịch văn hóa lễ hội và tôn giáo cần được duy trì và phát triển.

 

          Đông đảo người dân tham quan Khu du lịch Núi Bà Đen (Ảnh Thịnh Lộc)

 

      Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa, tạo ra sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng hóa lưu niệm nhỏ gọn, giá rẻ làm từ đá, móc khóa, nón, áo khăn có logo núi Bà Đen hay những đôi dép cao su là một vật dụng không thể thiếu khi leo núi.

     Thứ hai, cần quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm với nội dung hấp dẫn, nhiều hình ảnh minh họa, màu sắc sinh động; đồng thời quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của khu du lịch để kêu gọi đầu tư. Để thu hút, mở rộng thị trường du khách là phải đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường xanh - sạch - đẹp, không có tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… tạo môi trường du lịch lành mạnh để khách an tâm tham quan, chiêm ngưỡng.

     Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn để gia tăng thời gian lưu trú của khách. Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường. Tại mỗi điểm du lịch cần bố trí thêm các thùng rác công cộng, có lực lượng kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, xử lý rác thường xuyên tránh bốc mùi gây ô nhiễm.

     Các mặt hàng đặc sản như mãng cầu núi, muối tôm Tây Ninh nói chung và khu vực Núi Bà nói riêng, cần được hỗ trợ để tạo thương hiệu.

     Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường thu hút lao động có chất lượng tham gia vào Khu du lịch núi Bà Đen.

     Thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ hội cho các cán bộ quản lý, người lao động học tập kinh nghiệm quản lý và kinh doanh du lịch ở một số nước phát triển mạnh về du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài trong lĩnh vực du lịch về với du lịch Tây Ninh nói chung và Khu du lịch núi Bà Đen nói riêng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, các doanh nghiệp năng động, sáng tạo và đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch hiệu quả.

     Khu du lịch Núi Bà Đen hiện nay là khu vực chiếm tỷ lệ khách du lịch lớn nhất đến với tỉnh Tây Ninh. Nếu được sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền địa phương, nơi đây sẽ có nhiều cơ hội để phát triển du lịch dựa vào nguồn tài nguyên phong phú và đầu tư hợp lý.

 

ThS. Trần Thanh Thảo Uyên

Trường Đại học Đồng Tháp

Nguyễn Xuân Thắng

Tổng cục Du lịch

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn