Banner trang chủ

Tác động của việc thực thi các cam kết liên quan đến thương mại môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế

02/07/2015

   Trong 68 năm qua, đặc biệt là những năm đầu của thế kỷ XXI, tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã làm được 2 cuộc cách mạng, đó là, toàn cầu hóa về thương mại hàng hóa đã làm cho sản xuất bùng nổ, dịch vụ gia tăng trên bình diện toàn cầu, nhờ đó, biên giới giữa các quốc gia trở lên “mềm” hơn, hàng hóa di chuyển nhanh hơn với chi phí thấp hơn; Toàn cầu hóa thương mại dịch vụ làm cho dịch vụ tự do di chuyển giữa các nước trên thế giới với chi phí thấp và chất lượng cao nhất.

   Để đạt được thành tựu to lớn đó là nhờ việc WTO đã thiết lập được hệ thống định chế pháp lý gồm 16 Hiệp định đa phương và 4 Hiệp định nhiều bên (nay còn 2) về các vấn đề chung của thương mại quốc tế được cả thế giới áp dụng. Tuy nhiên WTO lại chưa làm được một số việc, đó là chưa xác lập được các định chế đa phương về môi trường, lao động… Tại sao lại vậy?

   Mặc dù vậy, trong nhiều hiệp định của WTO lại chứa đựng các điều khoản liên quan đến thương mại và môi trường. Vấn đề thương mại và môi trường trong các Hiệp định của WTO được thể hiện dưới dạng các điều khoản về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất và chế biến, các quy định về nhãn mác, các hệ thống phí, lệ phí liên quan đến môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu... Hơn thế nữa, những động thái gần đây tại các cuộc đàm phán trong Vòng Doha cho thấy, có thể WTO đang hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện một hiệp định đa phương về môi trường. Bên cạnh đó, những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... vấn đề thương mại và môi trường đã được đưa vào đàm phán chính thức.

Ngành thủy sản chịu ảnh hưởng nhiều nhất với tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường 

   1. Tác động của việc thực thi cam kết liên quan đến thương mại và môi trường

   Cho đến nay, các cam kết gián tiếp của Việt Nam về các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại chủ yếu tập trung vào các hàng rào phi thuế quan, cụ thể là các biện pháp thương mại như cấm, hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu vì lý do BVMT, sức khỏe của con người, động thực vật như Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBTs), Hiệp định về các biện pháp vệ sinh kiểm dịch (SPS) và một số biện pháp hạn chế thương mại như trợ cấp, hỗ trợ trong nước...

   Về cơ bản, hệ thống chính sách thương mại Việt Nam đã phù hợp với các quy định của WTO. Việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến môi trường của Việt Nam là phù hợp với quy định của quốc tế theo hướng không tạo ra các rào cản đối với thương mại, dịch vụ và đầu tư. Các biện pháp chính sách môi trường cấm hạn chế thương mại và đầu tư ảnh hưởng xấu đến môi trường đều dựa trên cơ sở khoa học, là những biện pháp mà WTO cho phép áp dụng để BVMT, chống cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe con người và động thực vật. Các biện pháp môi trường khuyến khích các hoạt động thương mại và đầu tư không tạo ra sự phân biệt đối xử.

   Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần có chính sách hội nhập như thế nào để đối phó với những rào cản môi trường đối với hàng hóa xuất khẩu và tận dụng những hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế?

   Nếu không chủ động nghiên cứu và tích cực tham gia, theo dõi những diễn biến của WTO nói chung và Vòng đàm phán Doha nói riêng thì rất có thể gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu các loại hàng hóa như thủy sản, nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, da giày. Thêm vào đó, một số quy định môi trường có thể được áp dụng trong thương mại như vấn đề biến đổi khí hậu, quản lý hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, an toàn sinh học... cũng có thể gây trở ngại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong Hiệp định TPP, các vấn đề như trợ cấp cho ngành thủy sản, khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã... chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thương mại của Việt Nam.

   Như vậy, nếu giả thiết rằng Vòng đàm phán Doha kết thúc và các thành viên WTO thống nhất được một Hiệp định môi trường đa phương trong khuôn khổ WTO thì chúng sẽ tạo cho Việt Nam những cơ hội để Việt Nam có ý thức nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ở mức độ cao hơn; Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nước phát triển với tư cách là nước đang phát triển trong các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực thương mại và môi trường; Với việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu, hàng hóa, tạo uy tín tại các thị trường có tiêu chuẩn môi trường khắt khe; Hạn chế được các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường do việc đạt sự thống nhất đưa các vấn đề môi trường vào xem xét trong các Hiệp định WTO.

   Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp những khó khăn như: Việc đáp ứng các quy định môi trường bắt buộc sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; Đối phó với tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường do các doanh nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng được các quy định và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu; Các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thủy sản, dệt may, da giày, gỗ, nông sản.

   2. Đề xuất, kiến nghị

   Nội dung liên quan đến môi trường là những vấn đề mới, rất phức tạp và hiện cũng gây nhiều tranh cãi Việt Nam là một nước đang phát triển, nên các cơ quan liên quan cần:

   Theo dõi chặt chẽ diễn biến của Vòng đàm phán Doha về các vấn đề môi trường để chuẩn bị tham gia đàm phán trong các hội nghị sắp tới nhằm giành thế chủ động trong đàm phán, đồng thời có thể điều chỉnh chính sách thương mại và môi trường phù hợp với kết quả của vòng đàm phán này.

   Nghiên cứu để đưa ra quan điểm của Việt Nam trong vấn đề có nên đưa các vấn đề môi trường vào trong một Hiệp định thương mại đa phương hay không. Việt Nam nên ủng hộ việc hình thành một hiệp định đa phương về thương mại và môi trường trong WTO. Bởi vì, hiện nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các Hiệp định môi trường đa phương và đã nội luật hóa các cam kết đa phương về môi trường. Vì vậy, nếu các cam kết đa phương về thương mại và môi trường được chế định hóa trong các điều khoản của WTO thì Việt Nam có lợi thế trong giải quyết các tranh chấp về môi trường, cụ thể như vấn đề các nước áp dụng các biện pháp thương mại vì mục đích môi trường ngoài lãnh thổ, hay thuận lợi hơn trong buôn bán với các nước là thành viên WTO nhưng không tham gia công ước quốc tế về môi trường.

   Nghiên cứu danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường các nước đã đưa ra để từ đó xây dựng phương án của Việt Nam đối với danh mục này, thông báo cho Ban Thư ký WTO phục vụ cho cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Môi trường. Chuẩn bị phương án đàm phán về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan về hàng hóa và dịch vụ môi trường để một mặt mở cửa thị trường dịch vụ môi trường theo các phân ngành đã cam kết đồng thời bảo vệ lợi ích các ngành dịch vụ môi trường của Việt Nam.

   Nghiên cứu để đưa ra quan điểm của mình về vấn đề môi trường trong mở cửa thị trường Việt Nam nên ủng hộ các xu hướng áp dụng các biện pháp môi trường trong thương mại nhằm mục đích hạn chế ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của Trái đất, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, yêu cầu WTO cần có cơ chế kiểm soát để các nước không sử dụng các biện pháp nêu trên để bảo hộ thương mại. Đồng thời chưa nên đưa ra áp dụng các tiêu chuẩn môi trường mang tính bắt buộc như tiêu chuẩn quy trình sản xuất và chế biến, nhãn sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam cần ủng hộ các hình thức hỗ trợ các nước đang và kém phát triển phát triển các chương trình môi trường và hài hòa hóa các tiêu chuẩn môi trường.

   Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn cùng với các nước đang phát triển, nhất là các nước có tính đa dạng sinh học cao đòi hỏi thay đổi Điều 27 (2) và (3) của phần 5 (Văn bằng bảo hộ sáng chế) hiệp định TRIPS. Yêu cầu WTO thay đổi theo hướng chia sẻ lợi ích công bằng trong việc khai thác các kiến thức bản địa về di truyền và nguồn gen, điều chỉnh cho phù hợp công ước Đa dạng sinh học (CBD). Vận động các nước xây dựng một mặt trận mạnh mẽ và thống nhất gồm các nước giàu nguồn tài nguyên đa dạng sinh học để chống lại sự "xâm lấn" sinh học của các nước phát triển.

   Với các cuộc đàm phán còn lại như đàm phán về “quy tắc” dịch vụ, Việt Nam sẽ tham gia với mục đích quan sát, nghiên cứu và đưa ra những đề xuất trong những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam như đàm phán sửa đổi Hiệp định Chống bán phá giá, bổ sung các quy định về trợ cấp thủy sản, tự vệ trong dịch vụ... Ngoài việc đàm phán, Việt Nam cũng chú trọng thông qua đàm phán để đào tạo cán bộ, có kỹ năng với đàm phán thương mại đa phương.

   Cần tích cực chủ động và nghiên cứu kỹ về cơ hội và thách thức khi tham gia vào những lĩnh vực đàm phán cụ thể. Tình hình chung vẫn chỉ tham gia những lĩnh vực có lợi ích và tránh đưa thêm cam kết mới gây khó khăn cho nền kinh tế.

Trịnh Minh Anh - Phó Chánh Văn phòng
Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015) 

Ý kiến của bạn