Banner trang chủ

Sức hấp dẫn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm

20/07/2016

   Cù Lao Chàm - Hội An được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26/5/2009 với những giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử và đặc biệt là một minh chứng rất điển hình, rõ nét về sự giao thoa, tương tác giữa thiên nhiên và con người trong công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị mang tính toàn cầu.

   Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng Cù Lao Chàm nhiều cảnh đẹp thơ mộng, hiếm có, trong đó tạo ấn tượng đặc biệt với du khách là 9 bãi biển hoang sơ và quyến rũ với nước xanh, cát trắng, nắng vàng được che mát bởi hàng dừa xanh trĩu quả.

   Rạn san hô là dạng đặc thù của vùng biển nhiệt đới và cũng mang nét điển hình tiêu biểu của vùng biển đảo cù lao, là nguồn tài nguyên quý hiếm của Việt Nam và khu vực. Với 311ha rạn san hô, trên 300 loài thuộc 59 giống của 15 họ san hô cứng; 15 loại thuộc 11 giống của 6 họ san hô mềm là nơi sinh sống của 200 loài cá thuộc 85 giống 36 họ, sinh cảnh đại dương ở Cù Lào Chàm thật đa sắc màu và hấp dẫn.

   Cù Lao Chàm là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ lớn, rừng nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm. Trong đó có nhóm cây làm thuốc (116 loài), nhóm cây cảnh, tại sườn Đông Bắc có thảm phong lan với loài huyết hung tía thuần loại, tại sườn Đông Nam có những cây tuế sống vài ba trăm năm. Ngoài ra, còn có cây vông nem đường kính gần 2m; một số loài đa có rễ bám sâu vào vách đá hoặc quấn quanh thân cây gỗ khác tạo nên hình ảnh sơ nguyên, lạ mắt, ưa nhìn. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận danh hiệu Cây Di sản cho 3 cây đa ở sườn Đông cù lao, cây sánh và cây kén tại miếu Tổ nghề yến và rừng cây đặc hữu ngô đồng đỏ trên đảo.

Cù Lao Chàm là một trong số ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ lớn

   Rừng nguyên sinh chiếm 95% diện tích trên đảo, có lớp phủ thực vật tương đối tốt đã trở thành nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm: 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loại bò sát, trong đó chim yến và khỉ đuôi dài là 2 loài đã được đưa vào Sách Đỏ động vật Việt Nam. Là nơi chim yến lưu trú, làm tổ, hang Yến nằm trên các đảo đá trở thành điểm tham quan lý thú đối với khách du lịch khi đến với đảo xanh Cù Lao Chàm nhiều năm qua.

   Trải qua các thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, Việt Nam, cư dân Cù Lao Chàm đã không ngừng giao lưu, phát triển tạo nên một sắc thái văn hóa biển đảo đa dạng và phong phú. Với 7 di tích quốc gia, những truyền thuyết, truyện kể dân gian; những làn điệu hát ru, hò khoan, bả trạo; những lễ hội sự kiện, phong tục tập quán cùng những kinh nghiệm xã hội, ngành nghề của cư dân biển đảo đã thể hiện tri thức bản địa, chất văn hóa tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

   Nằm trong tuyến trình du lịch Con đường di sản miền Trung gồm Huế - Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm đã và đang là điểm đến có sức cuốn hút mạnh mẽ, hằng năm có đến hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan du lịch, lượng khách ngày càng tăng. Nếu như năm 2009, Cù Lao Chàm thu hút 26.691 lượt du khách thì đến năm 2015 đã thu hút 400.931 lượt du khách. Hiện nay, Cù Lao Chàm đang tiếp nhận những dự án đầu tư lớn, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ xứng tầm là trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp đồng thời là nơi nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, liên kết đào tạo, tổ chức hội thảo, hội nghị…

   Không chỉ có cảnh quan sinh thái, Cù Lao Chàm còn tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách với những điều khác biệt: đảo không sử dụng túi nilông, cua đá được dán nhãn sinh thái, bên cạnh đó vấn đề sức chứa du lịch đang được nghiên cứu thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm, vui chơi, nghỉ dưỡng ngày càng cao của khách du lịch

Trần Thành

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn