Banner trang chủ

Rừng tràm Gáo Giồng - Nơi sinh sống của loài cò nhạn quý hiếm

03/07/2018

     Rừng tràm Gáo Giồng có diện tích 1.670 ha, trong đó 250 ha là rừng nguyên sinh, thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm TP. Cao Lãnh khoảng 17 km. Đây là vùng đất điển hình của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, là khu rừng phòng hộ - lá phổi xanh cho nhiều loài chim, cá và thực vật sinh sôi, nảy nở, đặc biệt là loài cò nhạn quý hiếm, nằm trong sách Đỏ Việt Nam.

     Trước đây, rừng tràm Gáo Giồng là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, chỉ có cỏ năng, cỏ lác, vài cụm tràm, gáo chen lẫn các lung, bàu, kênh rạch tự nhiên. Một số hộ dân vào mở lõm phần diện tích ven kênh rạch để trồng lúa nhưng chỉ làm vài vụ rồi bỏ vì năng suất thấp, họ chuyển sang bắt cá, chuột, rắn, rùa… Sau đó, huyện Cao Lãnh đã có chủ trương khai hoang vùng đất này, một số ý kiến đề xuất đào kênh, thau chua, rửa phèn, trồng lúa với hy vọng mỗi năm thu hoạch vài trăm tấn, nhằm giải quyết nhu cầu về lương thực lúc bấy giờ. Tuy nhiên, để BVMT sinh thái, chính quyền địa phương đã quyết định trồng cây tràm, một loại thủy sinh đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười. Năm 2003, rừng tràm Gáo Giồng được đầu tư khoảng 700 triệu đồng, quy hoạch giữ lại 300 ha rừng trên 10 năm tuổi để xây dựng thành Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng.

 

Rừng tràm Gáo Giồng

 

     Điểm đặc biệt thu hút du khách đến đây không phải là những tặng phẩm của thiên nhiên mà là thành quả của bàn tay, khối óc con người đã biến vùng đất hoang hóa trở thành một "Đồng Tháp Mười thu nhỏ", không chỉ đóng vai trò điều tiết dòng chảy của lũ, tạo không khí trong lành cho cả khu vực mà rừng tràm Gáo Giồng còn trở thành nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật đặc trưng, quý hiếm. Theo thống kê của Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, hiện nay, rừng có 15 loài chim nước sinh sống, làm tổ, điển hình như trích mồng đỏ, cò nhạn, cò trắng, cồng cộc, nhan điển… Vào mùa nước nổi, các lung sen là nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ thư thả nhổ những cọng năng tươi non, thỉnh thoảng cất tiếng gáy kèm theo vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển; Trên những vạt rừng rộng mênh mông, đàn cò rủ nhau bay lượn phủ trắng cả một góc trời, tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp, trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là loài cò nhạn.

 

Cò nhạn ở rừng tràm Gáo Giồng

 

     Cò nhạn thuộc họ Diệc, bộ Hạc, bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong sách Đỏ Việt Nam, thường sống ở các nước trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện tại một số địa phương miền Tây Nam bộ. Đặc điểm của loài cò này là sinh sống thành bầy, chọn những chạc ba ở ngọn cây tràm có nhiều cành nhỏ rồi kiếm thêm một số loại cỏ để làm tổ. Nguồn thức ăn chủ yếu là ốc, động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua, côn trùng lớn. Chúng ưa thích sinh cảnh các vùng đất ngập nước ngọt (ao, hồ, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa). Để kiếm ăn, chúng bay theo đàn từ vài trăm đến vài nghìn con, đôi khi là bay lượn theo hình xoắn ốc, bay xa chỗ ở từ 5 - 20 km và khi nguồn thức ăn bị thu hẹp, chúng sẽ di cư tới vùng khác có điều kiện thuận lợi hơn. Cò nhạn có trọng lượng từ 1 - 1,6 kg/con, chiều cao 50 cm, mỏ có cấu tạo xám sừng hơi lục, dưới mỏ phớt hung, khi trưởng thành, mỏ trên và dưới có một khoảng hở hẹp, hình thành bởi hàm dưới uốn ngược và hàm trên hình vòng cung. Chân hồng, vàng nhạt hay nâu nhạt. Đôi cánh màu đen hoặc trắng bóng, đuôi có ánh lục hay tía. Bộ lông của những con trưởng thành thay đổi theo mùa, vào mùa hè, có lông cánh sơ cấp, thứ cấp, lông vai dài nhất cánh con, lông bao cánh sơ cấp, thứ cấp và lông đuôi đen có ánh lục hay hồng, phần còn lại là màu trắng. Mùa đông, cánh lông trắng ở mặt lưng chuyển thành xám nhạt ở chim non đầu, cổ trước ngực nâu xám nhạt, vai nâu đen nhạt, các lông đều có viền xám hung nhạt. Mùa sinh sản của cò nhạn bắt đầu từ tháng 8, chim trống và chim mái kết bạn bằng những cử chỉ tình cảm, âu yếm. Sang tháng 9, chúng làm tổ rồi bắt đầu đẻ trứng, ấp con. Cò nhạn thường đẻ từ 2 - 4 trứng, cả chim bố lẫn chim mẹ thay phiên nhau ấp trứng, trứng nở sau khoảng 25 ngày. Con trống đôi khi có tình trạng đa thê, hai con cái có thể đẻ trứng cùng một tổ. Chim con được hai tháng tuổi thì bắt đầu tập bay. Đặc biệt, loài cò nhạn biết ngậm những cành lục bình hoặc những vật giữ nước để về rấp nước lên tổ, làm mát cho chim non. Trước đây, cò nhạn về Gáo Giồng để tìm kiếm thức ăn rồi bay đi nhưng hiện nay, chúng về đây làm tổ, sinh sống lâu dài, số lượng ngày càng nhiều, từ 1.000 - 2.000 con (năm 2014), đến nay đã có gần 100.000 cá thể, bởi nơi đây có nguồn thức ăn phong phú.

     Để bảo vệ đàn cò nhạn, thời gian qua, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng đã bố trí nhiều điểm chốt trực, cấm các hoạt động tự do vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật; Tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, nuôi nhốt trái phép, không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Đồng thời, đẩy mạnh phục hồi các loài thủy sinh, thủy sản, thảm thực vật, trồng thêm tràm và một số loài cây bản địa khác, tạo điều kiện thích hợp để cò nhạn cũng như các loài chim khác về đây quần tụ, sinh sống.

 

Phạm Thị Thu Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn