04/04/2019
Nguyễn Thủy
Học viện Phụ nữ Việt Nam
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Sa Pa thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều mô hình hay, sáng tạo đã các hội viên, hội phụ nữ tham gia tham gia tích cực, góp phần gìn giữ môi trường ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong các năm qua, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo làm tốt 2 mục tiêu chính, đó là vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn, triển khai phát động phong trào làm nhà vệ sinh cho các cán bộ hội phụ nữ. Qua khảo sát ở 18 xã, thị trấn, đã có 96/206 cán bộ hội có nhà vệ sinh; vận động cán bộ hội đi đầu thực hiện trước, đăng ký làm nhà vệ sinh, hướng dẫn sắp xếp, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, thực hiện các tiêu chí của phong trào "5 không, 3 sạch". Kết quả năm 2018 đã thành lập 35 mô hình "5 không 3 sạch”, với trên 2.700 hộ đạt các tiêu chí của phong trào; Tập huấn cho cán bộ hội của 18 xã, thị trấn; hướng dẫn sổ sách, tiêu chí, kỹ năng vận động, các hộ thực hiện chương trình NTM.
Bên cạnh đó, nhờ sự vận động của các tuyên truyền viên, trong 2 năm (2017, 2018), đã có hơn 100 lượt hộ gia đình hội viên, hội phụ nữ đăng ký thực hiện các phong trào BVMT. Hội LHPN huyện đã tổ chức các Hội thi “Phụ nữ chung tay BVMT nông thôn” bằng hình thức sân khấu hóa tại các xã trên địa bàn huyện; Phổ biến tìm hiểu kiến thức BVMT, đồng thời, tuyên truyền về kiến thức vệ sinh môi trường cho 55.023 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.
Hội phụ nữ xã Tả Phìn (huyện Sa Pa) tổ chức phát động dọn vệ sinh môi trường tại thôn Giàng Tra
Các cấp hội phụ nữ của Sa Pa tập trung chỉ đạo, tuyên truyền và nhân rộng mô hình nhà sạch, vườn đẹp tới hội viên phụ nữ ở các thôn, bản. Trong tháng 9/2018, toàn huyện đã thực hiện được 18 mô hình nhà sạch, vườn đẹp. Các cơ sở Hội tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm được 908 buổi, với 598.520 lượt tham gia. Ngoài ra, đẩy mạnh phong trào bảo vệ đoạn đường tự quản, các hội viên phụ nữ đã vệ sinh, quét dọn thường xuyên và gắn biển cho các đoạn đường liên thôn, xóm; trồng cây để tạo thành các hàng rào xanh. Đặc biệt, công tác thu gom rác cũng được các cấp Hội LHPN quan tâm thực hiện, các hội viên đã tham gia đào 260 hố xử lý rác thải và 2 hố xử lý rác thải hữu cơ, đóng góp trên 1,2 tỷ đồng...; vận động 25.256 gia đình hội viên có thùng rác, thu gom rác đúng nơi quy định.
Năm 2018, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xã trong huyện xây dựng nếp sống văn minh và NTM như Hầu Thào, Tả Phìn, Sa Pả…, Hội LHPN huyện đã phối hợp với chính quyền các xã triển khai xây dựng mô hình nuôi bò, hỗ trợ bò giống cho hội viên phụ nữ nghèo; Phát triển nghề thổ cẩm truyền thống, trồng, chế biến và kinh doanh lá thuốc tắm dân tộc, trồng và chế biến lanh, nuôi dê, vay vốn, kinh doanh dịch vụ: du lịch cộng đồng, nhà hàng, khách sạn... tạo việc làm, tăng thu nhập cho cho hàng nghìn phụ nữ, trẻ em gái nông thôn; Vận động 90 lượt cán bộ, công chức cơ quan tham gia lao động tình nguyện cùng hội viên phụ nữ của 13 chi hội để làm đường, tổng vệ sinh môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới. Mỗi cấp hội đăng ký một phần việc xây dựng nông thôn mới với cấp ủy, chính quyền địa phương, vì vậy không chỉ gắn trách nhiệm mà còn tạo không khí thi đua sôi nổi. Qua đó, các cấp Hội cũng chủ động phát hiện các gương điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả để giới thiệu, chia sẻ với hội viên, biểu dương trước tập thể. Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng được 730 mô hình “Làm theo Bác”, trong đó có 567 hộ gia đình được biểu dương như mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng NTM”; “Trồng hoa, cây thuốc nam 2 bên tuyến đường phụ nữ tự quản”; “Thu gom ve chai giúp phụ nữ nghèo - việc nhỏ ý nghĩa lớn”; “Phân loại rác từ hộ gia đình”, đoạn đường Xanh - Sạch - Đẹp...
Xác định, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp hội phụ nữ triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Thông qua đó, tích cực xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện, toàn huyện có 36/147 HTX do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, để quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng có hiệu quả, giúp các chị em thoát nghèo, kết quả trong 3 năm (1997-1999), Hội LHPN huyện đã đăng ký và xây dựng kế hoạch giúp 6.703 hộ hội viên nghèo (vượt chỉ tiêu 703 hộ) và 886 hộ hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ (vượt 406 hộ) bằng nhiều hình thức đa dạng.
Có thể nói, diện mạo nông thôn Sa Pa thay đổi như hôm nay, có thể nói sự đóng góp của các hội viên phụ nữ. Năm 2018, toàn huyện hoàn thành 29/41 tiêu chí NTM. Trong đó có 23 tiêu chí đăng ký theo kế hoạch; 04 tiêu chí bổ sung và 02 tiêu chí không đăng ký năm 2018 nhưng hoàn thành gần 80%. Nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành trên toàn huyện đạt 167 tiêu chí. Bình quân đạt 9,82 tiêu chí/ xã. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã đạt 13,56 triệu đồng. Tỷ lệ giảm hộ nghèo ước đạt 2,73%; các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao được đẩy mạnh; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt gần 53%; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đạt kế hoạch đã đề ra, với 21/22 dự án được triển khai và lập kế hoạch…
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ của Sa Pa tập trung chỉ đạo, nhân rộng mô hình nhà sạch, vườn đẹp tới hội viên phụ nữ ở các thôn, bản. Trong 9 tháng, toàn huyện đã thực hiện được 18 mô hình nhà sạch vườn đẹp, vượt cao so với kế hoạch đề ra. Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nông thôn trên địa bàn huyện Sa Pa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng tăng cao, hiện đạt trên 80%.
Ngoài ra, một số mục tiêu về cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: Cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả có múi, hoa Ly, hoa Địa lan, rau an toàn, lợn bản địa, bò hàng hóa… Đây được xem là những chuyển biến tích cực, thể hiện sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền Sa Pa trong nỗ lực xây dựng NTM…
Phát huy kết quả đạt được, đến năm 2020, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào BVMT gắn với các tiêu chí xây dựng NTM; chú trọng biểu dương và nhân rộng gương hội viên, phụ nữ điển hình trong xây dựng NTM; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, cận nghèo, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số…
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2019)