02/10/2018
Phúc lợi động vật (PLĐV) hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật, để con vật có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần, tránh những đau đớn cho dù đó là vật nuôi để làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Theo đó, có 5 tiêu chuẩn bảo đảm PLĐV, gồm: Không bị đói khát; không khó chịu về thể chất và tinh thần; không bị đau đớn - thương tật - bệnh tật; tự do thể hiện các hành vi theo bản năng; không sợ hãi và lo lắng.
Cách tiếp cận của thế giới về PLĐV
Trên thế giới (chủ yếu là châu Âu và Bắc Mỹ) có 3 cách tiếp cận về PLĐV:
Về đạo đức, động vật được xem là sinh linh sống, chúng có linh hồn và cảm nhận, do vậy con người cần đối xử nhân đạo với động vật. Có một mối liên hệ giữa việc ngược đãi động vật với việc hình thành tính cách thô bạo, hung hãn của con người trong gia đình và xã hội. Vì vậy, khi đối xử nhân đạo với động vật sẽ giúp hình thành các tính cách tốt, tính nhân đạo cho con người, đặc biệt đối với trẻ em.
Về khoa học, động vật, đặc biệt là loài động vật có vú và loài chim là sinh vật sống có tri giác, có hệ thần kinh trung ương, vì vậy có cảm nhận sinh học về sự đau đớn, đói khát, vui buồn. Con người cần đối xử tốt với động vật để giảm sự đau đớn và tạo sự thoải mái để chúng có thể thể hiện tập tính tự nhiên.
Về luật pháp, động vật là vật sở hữu bởi con người, trong đó con người có thể đưa ra các quyền quyết định về sản xuất, khai thác, nghiên cứu… nhằm phục vụ mục đích khác nhau của con người. Ở góc độ này, những con vật được con người nuôi dưỡng, chăm sóc thì có thể khai thác một cách phù hợp; với động vật hoang dã thì con người hạn chế, hoặc không được phép bắt giữ, đối xử tàn bạo, khai thác quá mức dẫn đến tổn hại hệ sinh thái.
Từ cách tiếp cận trên có thể thấy, vật nuôi có điều kiện phúc lợi tốt sẽ cảm thấy thoải mái và cho năng suất tối đa. Ngược lại, phúc lợi không được đảm bảo sẽ khiến cho con vật dễ mắc bệnh và giảm sức sản xuất (tốc độ sinh trưởng, sản lượng sữa, tỷ lệ thụ thai…), gây tổn thất cho người nông dân. Do đó, PLĐV được xem là giải pháp đảm bảo sức khỏe của động vật và nâng cao năng suất vật nuôi. Ngoài ra, đảm bảo PLĐV không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân con vật mà còn có lợi ích thiết thực cho con người, môi trường và xã hội.
PLĐV ở Việt Nam
Tại Việt Nam, khái niệm về PLĐV còn khá mới mẻ đối với người chăn nuôi, trong khi vật nuôi là thực phẩm và sinh kế của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa vật nuôi về sống với thiên nhiên sẽ là một bước thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với các nước trên thế giới.
Nhân viên Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á đang chăm sóc gấu
Hiện nay, trên thực tế, có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về PLĐV đối với cả 3 nhóm động vật là vật nuôi trong nhà, động vật nông nghiệp và động vật hoang dã. Một số loài trong 3 nhóm động vật đều đang bị đối xử tồi tệ, không được đảm bảo các nhu cầu tối thiểu để duy trì bản năng tự nhiên. Việc hành hạ động vật trong quá trình giết mổ và vận chuyển chưa được kiểm soát. Gần đây, Chính phủ Ôxtrâylia đã hạn chế xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam, sau khi cảnh giết mổ bò tàn bạo trong các lò mổ bị một nhóm người bảo vệ động vật công bố. Theo điều tra của Tổ chức Animals Australia, chỉ có 2 trong 13 lò mổ ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của Ôxtrâylia về PLĐV.
Tuy nhiên, gần đây, việc bảo vệ động vật ở Việt Nam cũng có những chuyển biến đáng kể. Ngày càng có nhiều tổ chức cứu trợ động vật trong nước và quốc tế hoạt động; các chuyên đề, hội thảo bảo vệ động vật đã được tổ chức thường xuyên và đạt được những kết quả khả quan. Nhiều lễ hội giết hại động vật dã man bị dư luận lên án, từ đó dấy lên phong trào bảo vệ động vật.
Nhìn ở góc độ luật pháp, đối với vật nuôi, quyền lợi của động vật đã được quan tâm, bằng chứng là lần đầu tiên, Luật Thú y số 79/2015/QH13 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) có xuất hiện khái niệm “quyền lợi động vật” và quy định về phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật. Cụ thể, Điều 21 của Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm: Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật; Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo đối với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng, thủy sản, vận chuyển, giết mổ, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học; Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của luật pháp”.
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Chăn nuôi đang lấy ý kiến cũng đề cập đến “phúc lợi cho vật nuôi”. Trong Dự thảo quy định: “Phúc lợi cho vật nuôi là những yêu cầu mà con người cần phải đáp ứng cho vật nuôi có được những điều kiện tốt nhất về các tập tính, được cung cấp đầy đủ về thức ăn, nước uống, phòng bệnh, trị bệnh trong quá trình chăn nuôi và giảm thiểu thấp nhất sự sợ hãi, đau đớn trong vận chuyển, giết mổ”. Để bảo đảm phúc lợi cho vật nuôi trong chăn nuôi, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu: “Có chuồng trại, không gian, diện tích chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Vật nuôi phải được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh, được phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y”. Trong giết mổ, cơ sở giết mổ phải có nơi nhốt vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ bảo đảm vệ sinh, vật nuôi phải được cung cấp đầy đủ nước uống; không đánh đập, hành hạ; hạn chế gây sợ hãi, căng thẳng, đau đớn cho vật nuôi; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ…
Như vậy có thể thấy, việc đưa quy định về PLĐV vào các văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp với hội nhập quốc tế và sự phát triển của một ngành chăn nuôi chuyên nghiệp, bền vững. Đây được xem là một bước tiến rõ nét cho sự quan tâm đến sức khỏe, quyền lợi của động vật.
Đào Đức Văn
Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)