Banner trang chủ

Phú Thọ tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững

10/05/2016

   Phú Thọ là tỉnh miền núi nằm ở vùng trung tâm Bắc bộ, là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn (42% diện tích tự nhiên), với diện tích rừng hiện có 144.256 ha, trong đó có 69.547 ha rừng tự nhiên, 74.704 ha rừng trồng, hàng năm cung cấp hàng vạn tấn gỗ cho công nghiệp chế biến, 17.300 ha rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú có giá trị bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do nạn khai thác rừng trái phép gia tăng, làm độ che phủ của rừng giảm sút, hệ sinh thái rừng ngày càng nghèo kiệt.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Thanh Sơn (Phú Thọ) hướng dẫn người dân chăm sóc rừng 

   Để triển khai công tác phục hồi rừng, năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình đạt hiệu quả tích cực. Tính đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất tăng nhanh, đạt 12.886 ha (97,4% so với kế hoạch). Rừng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cơ cấu cây trồng có bước chuyển đổi tích cực, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, công tác trồng mới rừng cũng được đẩy mạnh, hiện đã trồng mới 596,5 ha rừng tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Sơn; Trồng rừng thay thế bằng cây bản địa 198,7 ha tại Khu rừng cảnh quan Núi Nả, văn hóa lịch sử huyện Yên Lập và quốc gia Đền Hùng; Diện tích khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên bình quân đạt 1.141 ha/năm; Độ che phủ rừng tăng lên từ 49,9% năm 2011 lên 50,6% năm 2014. Các vùng đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh, góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, môi trường sinh thái được cải thiện.

   Thực hiện bảo vệ rừng bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu, phát triển kinh tế rừng thành ngành kinh tế trọng điểm, theo hướng xã hội hóa, đảm bảo hài hòa, phù hợp giữa lợi ích môi trường, kinh tế, xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu; Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh, gắn bảo vệ và phát triển rừng với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và phát triển du lịch sinh thái…

   Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, trong giai đoạn tới, tỉnh đẩy mạnh bảo vệ diện tích rừng hiện có, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tập trung giao khoán rừng, xây dựng mô hình quản lý rừng có hiệu quả; bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh rừng hiện có, bảo vệ tốt VQG Xuân Sơn.

   Tiếp tục duy trì kết quả giao đất, giao rừng, tăng cường hiệu quả công tác quản lý đất rừng theo nội dung mới của Luật Đất đai.Trước mắt ổn định diện tích giao khoán cho đơn vị, cá nhân khai thác, quản lý tốt đất rừng, đồng thời rà soát, sắp xếp diện tích khai thác không hiệu quả, tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia phát triển lâm nghiệp.

   Bên cạnh đó, phát triển lâm nghiệp theo đúng định hướng Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Đối với rừng đặc dụng, phòng hộ cần bảo vệ diện tích hiện có, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học, trồng các loài cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ; khai thác phát triển du lịch sinh thái, BVMT, phát huy khả năng phòng hộ đầu nguồn. Đối với rừng sản xuất tập trung, chọn loại cây đa mục tiêu, hiệu quả kinh tế cao, quy hoạch phát triển rừng gắn với chế biến công nghệ cao, chế biến với tiêu thụ. Trong đó ưu tiên tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu giấy đã cam kết với Chính phủ, tạo điều kiện để Nhà máy giấy Bãi Bằng phát triển mở rộng trồng các loại rừng khác phục vụ nhu cầu dân sinh.

   Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Theo đó, ngoài trồng rừng nguyên liệu giấy cần phát triển trồng các loại cây đa tác dụng có thể khai thác làm bột giấy, gỗ thanh, gỗ bóc, kết hợp với kỹ thuật khai thác để phát triển trồng cây gỗ lớn. Chú trọng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đẩy mạnh kết hợp sản xuất, gieo trồng các loại lâm sản ngoài gỗ như cây dược liệu, mây tre, chăn nuôi dưới tán rừng, cây lương thực ngắn ngày để tạo thêm nguồn thu cho người trồng rừng.

   Ngoài ra, đổi mới chính sách phát triển để huy động nguồn lực phát triển lâm nghiệp; Tiếp tục rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, có chính sách giao đất, giao rừng, sắp xếp doanh nghiệp lâm nghiệp theo hướng cổ phần hóa, thuê, khoán, thu hồi đất giao sản xuất không hiệu quả... những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ kết hợp với khai thác du lịch sinh thái và lâm sản ngoài gỗ từ rừng phục vụ yêu cầu phát triển. Quy hoạch phát triển cơ sở chế biến lâm sản và thị trường để nâng cao giá trị lâm sản sau thu hoạch. Ngoài cơ sở chế biến giấy, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến phát triển tự phát, quy mô nhỏ, tạo cơ hội hình thành cơ sở chế biến quy mô lớn, gắn chế biến với vùng nguyên liệu. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, duy trì hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng.

                Lê Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn