Banner trang chủ

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững tại Lâm Đồng.

05/09/2018

     Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nguồn nước, nhân lực và điều kiện sinh thái cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là những loại nông sản đặc sản có ưu thế như rau, hoa cao cấp, có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng phát triển du lịch NNPV, góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.

     Hiện nay, diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao của Lâm Đồng đứng đầu cả nước, với 23.300 ha đất sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao, trong đó, cây rau 19.500 ha, cây hoa 3.800 ha. Trước đây, Lâm Đồng chỉ sản xuất để cung cấp nhu cầu sản phẩm rau, hoa tiêu dùng, giờ đây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành một trong những tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời mang lại giá trị đáng kể cho ngành du lịch, góp phần tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của tỉnh. Năm 2017, lượng du khách đến với Lâm Đồng - Đà Lạt tăng 7,8% so với năm 2016, đạt khoảng 6 triệu lượt. Thành tích này có được chính là nhờ ngành du lịch Lâm Đồng không ngừng nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có đầu tư, phát triển du lịch canh nông.

     Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp với Nhật Bản xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp trung và dài hạn, chọn tỉnh Lâm Đồng làm mô hình kiểu mẫu. Theo đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư. Dự án đã tiến hành khảo sát, xây dựng chiến lược thương hiệu, quảng bá nông sản và du lịch nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng; cải thiện mức độ nhận thức và nhận diện thương hiệu còn hạn chế của nông sản, du lịch nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng trên thị trường nội địa, nước ngoài. Các nông sản đặc trưng và dịch vụ du lịch của tỉnh Lâm Đồng bao gồm rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông được đánh giá, xác định là những sản phẩm độc đáo, có tiềm năng thương mại. Sự kết nối giữa các nông sản đặc trưng, du lịch canh nông thành một chỉ dẫn địa lý để quảng bá về vùng đất, con người, địa danh Lâm Đồng với các địa phương khác trong nước và quốc tế.

 

Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch thủy canh của Công ty TNHH Đà Lạt GAP

 

     Trước đây, giữa hai ngành nông nghiệp và du lịch cũng có nhiều cơ hội để gắn kết, nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Sự liên kết giữa hai ngành còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự tương đồng về chất lượng giữa sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch, người nông dân vẫn còn thiếu nhiều về tài chính, năng lực vận hành, cung cấp dịch vụ còn chưa chuyên nghiệp.... Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế. Nhưng từ khi có định hướng mục tiêu của tỉnh, ngành nông nghiệp và du lịch Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ trong thẩm định và góp ý để hoàn thiện các mô hình du lịch từ quy trình sản xuất khoa học đến dịch vụ du lịch chuyên nghiệp...

     Đến nay, các sản phẩm du lịch canh nông chất lượng cao tại Lâm Đồng nhằm phục vụ du khách có nhiều triển vọng. Các khu trang trại (Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm Nông nghiệp Đà Lạt; Khu du lịch Rừng hoa Đà Lạt; Công ty Đà Lạt Thiên nhiên; Vườn lan YSA Orchid; vườn dâu Thanh Trung; vườn rau Trần Đức Quang...) đều được làm bằng nhà kính, quy trình canh tác hiện đại đã tạo ra các loại cây giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng; ứng dụng hệ thống tự động thông minh trong tưới nước, phân bón; ứng dụng công nghệ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng.... Một số mô hình (Khu du lịch canh nông Green Box, Khu du lịch trang trại rau và hoa, Thủy canh Đức Tín ....) sử dụng công nghệ sinh học trong canh tác rau, hoa, trồng cây trong môi trường không sử dụng đất mà dùng giá thể hoặc trồng bằng phương pháp thủy canh, khí canh... Sản phẩm được sản xuất theo các mô hình này đều cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, đặc thù, mới, lạ và an toàn đối với sức khỏe cho người tiêu dùng. Du khách tham quan các mô hình này sẽ được trải nghiệm từ quy trình sản xuất, khâu chăm sóc đến thu hoạch…

     Đặc biệt, các mô hình Du lịch canh nông ứng dụng công nghệ cao tại các nông trại sản xuất (Cầu Đất Farm, Long Đỉnh farm, Tâm Châu) với nhiều cảnh quan thoáng đãng, đẹp và thơ mộng để du khách vừa thưởng lãm vừa chụp hình lưu niệm cũng tạo được nhiều dấu ấn, hay tham quan quy trình sản xuất dược liệu Đông trùng hạ thảo, nấm linh chi đỏ (Đông trùng hạ thảo Dalat New farm; Khu du lịch canh nông Đa Lạch Noah) cũng là điểm nhấn về sản phẩm du lịch canh nông độc đáo của Lâm Đồng.

     Để phát triển du lịch gắn với NNPV và đưa du lịch canh nông thành thương hiệu mỗi khi nhắc tới Lâm Đồng, trước hết, cần xây dựng những văn bản cụ thể hướng dẫn khai thác, kinh doanh du lịch gắn với bảo vệ TN&MT; phải có quy hoạch sản xuất phù hợp, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp lữ hành trong quá trình hoạt động. Đồng thời, có những chính sách cụ thể trong việc đào tạo kỹ năng dịch vụ du lịch nông nghiệp. Mặt khác, cần tập trung xây dựng các mô hình cảnh quan kết hợp với sản xuất NNPV, sản xuất cây đặc sản, cây dược liệu, các loại rau hoa đặc trưng của từng vùng (TP. Đà Lạt về rau, hoa; các vùng phụ cận: cà phê, chè, dược liệu)... kết  hợp với các tour du lịch trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch; tiếp tục công tác xúc tiến, quảng bá, tạo mối liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp để phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn, làm phong phú và đa dạng hơn cho sản phẩm du lịch; phát huy được hết các lợi thế của địa phương trong hoạt động du lịch, đặc biệt là tạo cơ hội cho người nông dân có thêm hướng phát triển mới cho cây rau, hoa, cây đặc sản dựa vào các hoạt động du lịch.

     Với những thế mạnh, tiềm năng riêng sẵn có cùng với chiến lược phát triển của tỉnh, Lâm Đồng hứa hẹn sẽ có nhiều mô hình du lịch NNPV thành công trong tương lai không xa.

 

Nguyễn Thị Thu Hoài

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

Ý kiến của bạn