13/03/2018
Vườn cò Bằng Lăng (Thốt Nốt, Cần Thơ) là địa điểm du lịch sinh thái miệt vườn mang vẻ đẹp chân quê và nổi tiếng với đàn cò hàng vạn con cư trú, gồm nhiều loài: Cò ruồi, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép… Nơi đây đang góp phần tạo nên sự đa dạng cho các loại hình du lịch ở Cần Thơ, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng lãm.
Những cánh cò đại diện cho nét đẹp văn hóa miền quê sông nước
Vườn cò Bằng Lăng mang đến một khung cảnh bình yên của miền quê sông nước, từ con đường rợp bóng tre xanh đến khu rừng rộng hơn 15 ha, tạo nên không gian sống tuyệt diệu cho đàn cò, làm xao động cả vùng trời phương Nam. Qua cây cầu gỗ đơn sơ vào vườn, đã nghe thấy "bản nhạc cò" ríu rít như đón chào du khách. Vườn có nhiều loài cò, số lượng lên đến 300 nghìn con với những đặc điểm và tập tính khác nhau, điển hình như cò lép chỉ nặng khoảng 150 g; cò ngà mỏ vàng; cò đúm có màu đen tuyền, đốm trắng ở ức; cò quắm nặng đến 1,2 kg; cò ráng lông có màu đỏ như ráng chiều; cò ruồi lông trắng, mỏ vàng, chân đen; cò cá mỏ đen có biệt tài bắt cá; cò ma khi bay toàn thân màu trắng, khi đậu thì cánh khép lại thành màu đen; cò rằn, cò xanh, cò sen... Bên cạnh đó, các loài vạc, bồ nông, quốc, điên điển, bạc má, diệc, cồng cộc và một số loài chim khác cũng đến đây tụ họp.
Vườn cò Bằng Lăng nhìn từ trên cao
Hai thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để ngắm cò là khoảng 6 - 7 h sáng, từng đàn cò bay lượn rợp trời, tỏa đi kiếm ăn khắp nơi và lúc 17 - 18 h, khi chúng trở về nhà. Dưới làn sương còn mờ hơi đêm, hay khi hoàng hôn buông xuống, trong “ráng chiều đỏ lựng tầng mây”, sự xuất hiện của đàn cò đang tung cánh bay liệng trên bầu trời như “dải lụa mềm” uyển chuyển phất phơ trong gió, khoe vũ khúc sôi động, để rồi khi thanh âm ấy dần lặng yên khuất sau những tán cây, vườn cò Bằng Lăng lại khoác lên mình vẻ êm đềm trầm mặc thôn quê.
Vườn cò Bằng Lăng cần được bảo vệ nghiêm ngặt
Đứng từ đài quan sát trên cao sẽ thấy, khi đàn cò tụ họp, màu trắng của chúng như muốn lấn át cả màu xanh của lá rừng. Tuy nhiên, hiện nay, vườn cò Bằng Lăng đang “kêu cứu” trước tình trạng săn bắn của con người, không chỉ đe dọa sự sinh tồn và phát triển của loài cò, mà còn nhiều loài chim khác trong vườn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyền, vào mùa nước nổi, những người săn bắt dùng lưới để đánh bắt cồng cộc. Mùa khô hạn thì họ gài bẫy, giăng lưới, cắm câu, mỗi ngày bắt trên 200 con cò… Để cứu đàn cò, ông đã nhiều lần nhờ chính quyền can thiệp. Cán bộ kiểm lâm cũng đã từng đến tận nơi lập biên bản, tịch thu đồ nghề, đốt lưới của người săn bắt, nhưng sau đó họ vẫn tái phạm.
Vì vậy, vườn cò Bằng Lăng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, giúp một số người dân hiểu ra và chấm dứt hành động săn bắt cò. Qua đó, gắn phát triển du lịch với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, để những cánh chim tự do bay lượn trên bầu trời Tây Đô.
Trương Thị Huyền
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018