13/12/2017
Những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình đã gắn nhiệm vụ BVMT với thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia BVMT. Đến nay, việc tập kết, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã trở thành nền nếp ở các khu dân cư, góp phần giữ cho môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
MTTQ các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia BVMT gắn với thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp, hệ thống đài truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, biển tường, pa nô, áp phích, tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác BVMT.
Đồng chí Phạm Văn Vịnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Phụ cho biết, MTTQ các cấp trong huyện không chỉ tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, viết bài trên hệ thống truyền thanh mà còn vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ngày tổng vệ sinh môi trường 24 hàng tháng; để rác đúng nơi quy định; xóa bỏ bãi rác tự phát; tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm… Vừa qua, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa ở một số trường học, thu hút hàng nghìn người xem, mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Ủy ban MTTQ huyện Tiền Hải phối hợp với phòng TN&MT, các tổ chức thành viên duy trì đều đặn hoạt động tuyên truyền BVMT, tập huấn nghiệp vụ phân loại rác tại cộng đồng. Mỗi năm truyền thông 3 - 5 cụm xã, thị trấn cho 300 - 400 lượt người.
Người dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) tham gia vệ sinh, BVMT
Không chỉ đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia, giám sát các hoạt động BVMT, MTTQ các cấp còn thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT. Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của UBND tỉnh về BVMT tại một số xã, thị trấn, UBND các huyện, TP, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến trong hành động của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ và xây dựng môi trường thân thiện với đời sống.
Nhân rộng mô hình BVMT
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc xây dựng các mô hình điểm khu dân cư BVMT thể hiện sự phối hợp đầy trách nhiệm giữa cấp ủy, chính quyền, ngành TN&MT với MTTQ các địa phương. Nhiều huyện, TP, xã, phường, thị trấn, khu dân cư đã ban hành nghị quyết chuyên đề về BVMT để phối hợp với MTTQ chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm. Để các mô hình điểm hoạt động nền nếp, hiệu quả, ngành TN&MT chủ động phối hợp với MTTQ cùng cấp hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức truyền thông, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thi, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Ban công tác mặt trận, chi bộ khu dân cư tổ chức điều tra, khảo sát nắm thực trạng, vận động các tổ dân cư, dòng họ, hộ gia đình ký cam kết BVMT; Kẻ vẽ thêm biển tường, pa nô, áp phích; Kiện toàn, củng cố các tổ tự quản BVMT; Trang bị, bổ sung xe vận chuyển rác, ủng, găng tay bảo hộ lao động, vận động nhân dân giúp đỡ các tổ tự quản cả về vật chất lẫn tinh thần để họ hoạt động tích cực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đà Giang (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) chia sẻ, khi mới thành lập mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT”, cả thôn có 60 hộ tham gia đóng phí BVMT nhưng đến nay nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã vận động 140 hộ tham gia (chiếm 64% tổng số hộ của thôn). Ban Công tác mặt trận thôn giao cho các đoàn thể đảm nhận vệ sinh đường làng ngõ xóm hàng tháng và tự quản một đoạn đường. Vận động mỗi hộ đóng 30.000 đồng/năm để hỗ trợ các đoàn thể dọn vệ sinh. Từ khi có mô hình, toàn thôn không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi, cảnh quan môi trường của thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Không chỉ nhân rộng mô hình khu dân cư tự quản BVMT, Ban công tác mặt trận các thôn, tổ dân phố còn phân công cho từng chi đoàn, chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân tự quản lý, đảm nhận vệ sinh từng khu vực, tuyến phố, đoạn đường, ngõ xóm, cánh đồng hoặc đảm nhận từng phần việc cụ thể như xây dựng, khơi thông hệ thống thủy lợi nội đồng, xử lý các bãi rác thải tự phát, trồng cây xanh ở các nơi công cộng, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường ở địa phương.
MTTQ các cấp còn cổ vũ sự sáng tạo các hình thức thi đua chung tay BVMT của các tổ chức thành viên, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, huy động được đông đảo hội viên tham gia. Điển hình là các mô hình: “Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Hành trình xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi ni lông khi đi chợ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Thực hiện nền nông nghiệp sạch” của Hội Nông dân…
Những tuyến đường mang tên phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên tự quản hay dòng sông quê hương; phong trào trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, thu gom rác thải, sản xuất thân thiện với môi trường… hiện hữu khắp các miền quê, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới của tỉnh.
Trần Hương (Theo baothaibinh.com.vn)