Banner trang chủ

Phát huy giá trị cảnh quan 9 khu sinh quyển thế giới của Việt Nam

29/03/2018

     Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã được thế giới công nhận 9 khu sinh quyển thế giới (SQTG) nằm trong mạng lưới 699 khu SQTG thuộc 120 quốc gia. Mỗi khu SQTG không chỉ đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững quốc gia mà còn cùng nhân loại thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững cho một tương lai tươi sáng, trong đó du lịch sinh thái (DLST) được xem như một ngành kinh tế dựa trên bảo tồn, kết nối phương châm “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn”.

     9 khu SQTG của Việt Nam trải dài trên toàn quốc, nằm trên những vùng địa lý sinh thái tự nhiên đặc trưng, đồng thời ở mỗi khu vực đều chứa đựng những điển hình sinh thái nhân văn, văn hóa bản sắc vùng miền riêng biệt. Theo đó, các sản phẩm du lịch, từ hệ thống các khu SQTG đều hấp dẫn đối với du khách (tham quan thắng cảnh, cảm nhận thiên nhiên, thám hiểm trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng sức khỏe…). Có thể thực hiện tuyến DLST xuyên suốt 9 khu SQTG, đặc biệt là Chương trình “du khảo” (study tour): quần đảo, hải dương, bảo tồn biển, địa chất, đa dạng sinh học (ĐDSH); nhiều loại hình rừng đặc trưng, sinh cảnh điển hình, hệ sinh thái nhân văn bản sắc vùng miền, những cộng đồng tộc người và truyền thống văn hóa, lịch sử độc đáo. Việc tổ chức vận hành các công đoạn của “tour” trong khu SQTG sẽ thuận lợi, đồng bộ và nhất quán.

     Các nghiên cứu thị trường cho thấy, du khách sinh thái (ecotourist) đặc biệt quan tâm đến đời sống hoang dã và các khu vực thiên nhiên hoang sơ. Theo Hội nghị các bên tham gia Công ước về ĐDSH lần thứ 5, DLST là loại hình duy nhất đóng vai trò trong giáo dục du khách về giá trị của môi trường khỏe mạnh và ĐDSH. Chính các khu SQTG, di sản thiên nhiên, công viên địa chất tạo ra nhiều cơ hội cho DLST. Tuy nhiên, quy hoạch và quản lý sao cho phù hợp là rất quan trọng để phát triển DLST nếu không sẽ đe dọa nghiêm trọng tới ĐDSH chính là cơ sở của DLST.

     Do thiếu hiểu biết và bất chấp hậu quả lâu dài, một số dự án xây dựng trá hình DLST với các khu resort, khách sạn hạng sang, cáp treo và bê tông hóa sẽ gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài cho các hệ sinh thái nguyên sơ và dễ bị tổn thương, các dự án DLST trá hình này kéo theo nguy cơ phá hủy các thành phần môi trường quan trọng chính là cơ sở của DLST. Mất ĐDSH và môi trường sống của các loài động thực, vật hoang dã, các loại chất thải phát sinh ảnh hưởng đến khu vực không có khả năng hấp thụ và chống chịu với các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Hơn nữa, có những lo ngại đến công bằng xã hội giữa các bên liên quan tham gia lĩnh vực kinh tế DLST.

 

Khu SQTG quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)

 

     Ngoài ra, cộng đồng địa phương là thực thể đáng ra có thể được hưởng lợi nhiều nhất nhưng đồng thời cũng có thể mất nhiều nhất. Khi xu thế toàn cầu hóa đang khiến việc kiểm soát kinh tế địa phương ngày càng khó khăn, DLST tìm cách đảo ngược xu hướng này bằng cách nhấn mạnh các chủ doanh nghiệp và cộng đồng địa phương phải là bên tham gia quan trọng nhất. Cơ hội lôi kéo cộng đồng nông thôn tham gia du lịch hứa hẹn nhiều kỳ vọng, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn, trừ khi quá trình chuẩn bị được thực hiện một cách cẩn trọng. Người dân địa phương phải được thông báo trước về tất cả những hậu quả có thể của phát triển du lịch, đồng thời chấp thuận để phát triển du lịch trong khu vực của họ.

     Vì DLST với mục đích bảo tồn thiên nhiên và góp phần xây dựng cộng đồng địa phương nên rất khó để lượng hóa. Trước đây có một số nghiên cứu nhỏ đã xác định số khách du lịch thiên nhiên thực tế đã thúc đẩy cho những quyết định đi du lịch dựa trên nguyên tắc của DLST. Khi DLST được nghiên cứu rộng hơn với khái niệm là du lịch tự nhiên (khám phá thiên nhiên) dẫn đến giả định sai về kích cỡ thị trường (nhu cầu thị trường). Nghiên cứu dựa trên du lịch tự nhiên đã chỉ ra rằng, có đến 50% tổng số thị trường du lịch muốn đến những nơi thiên nhiên suốt cả chuyến đi, nghĩa là có thể bao gồm cả một ngày dừng nghỉ trong vườn quốc gia. Trong khi, đây là thị trường du lịch lớn, có phần khác biệt với thị trường mà thực tế chỉ thúc đẩy cho những nhóm nhỏ, học tập từ văn hóa và cuộc sống đơn giản hoang dã với hướng dẫn viên bản địa và giúp việc bảo tồn và phát triển bền vững cộng đồng bản địa.

     Tuy nhiên, phần lớn các địa phương hiện đang có nhiều đơn vị tổ chức du lịch không có khả năng đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn viên. Một số nghiên cứu cho thấy, các nhà điều hành DLST phải tìm cách hợp tác với những tổ chức phi chính phủ ở những nơi do họ quản lý, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức cộng đồng mới nhằm hỗ trợ, ủng hộ cho những chính sách du lịch bền vững. 

     Những du khách DLST thường muốn tìm những điểm giúp họ trải nghiệm gần gũi nhất với tự nhiên và cộng đồng địa phương. Mỗi điểm đến hấp dẫn du khách cũng phải được bảo vệ các nguồn tài nguyên, đồng thời được thúc đẩy để hợp tác với cộng đồng địa phương. Để thúc đẩy DLST phát triển, Nhà nước cần lập kế hoạch, thiết lập thể chế và phân vùng để cho các điểm nằm trong khu DLST không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.  

     Phát huy giá trị cảnh quan của các khu SQTG tại Việt Nam đạt được hiệu quả lâu dài và bền vững gắn với DLST, cần thiết phải thiết lập những tiêu chuẩn phát triển để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan ở địa phương, cụ thể là những người đại diện cho cộng đồng.

 

GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí

Chủ tịch UBQG Chương trình Con người

và Sinh quyển Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

ĐẶC TRƯNG CỦA 9 KHU SQTG VIT NAM

Các khu sinh quyển như những hệ thống “mẫu” trên trái đất. Việc quản lý các khu sinh quyển được thực hiện theo đa ngành, đa lĩnh vực với phương châm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, với nguyên lý “Tư duy hệ thống, quy hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng”. Đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động quản lý bền vững các khu sinh quyển.

  • Khu SQTG rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh)

      Đây là “Rừng ngập mặn được khôi phục đẹp nhất Đông Nam Á”, với đặc trưng rừng ngập mặn điển hình; cảnh quan dân cư sinh sống ở cửa sông, ven biển đồng bằng Nam bộ.

  • Khu SQTG Đồng Nai trên địa bàn các tỉnh (Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai và Đắk Lắk)

      Với thông điệp: “Nơi gặp gỡ tự nhiên, văn hóa và lịch sử”. Ở đây sinh cảnh đặc trưng nhiều loài động vật hoang dã; bản sắc cộng đồng cư dân lâu đời, dấu tích nền văn hóa Óc - Eo điển hình; văn hóa tộc người Nam Tây Nguyên; di tích lịch sử chiến khu D.

  • Khu SQTG quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)

     Đảo đá vôi (karst) có rừng tự nhiên thường xanh độc đáo, nhân tố quan trọng của toàn bộ vùng vịnh Hạ Long - đặc trưng địa chất kỳ quan - động vật đặc hữu voọc Cát Bà. Nơi đây còn gắn với di chỉ người Việt cổ; cộng đồng cư dân hải đảo với làng canh tác nông nghiệp, đánh cá; nhiều sản phẩm địa phương có giá trị; dấu tích văn hóa, lịch sử và văn hóa biển đảo. 

  • Khu SQTG đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng trên địa bàn 3 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình)

   Nơi trú ngụ của “Cò mỏ thìa - loài chim di cư kết nối 2 châu lục Á - Úc”. Với bãi bồi phù sa cửa sông Hồng bồi tụ lấn biển; rừng ngập mặn, sinh cảnh phong phú, thích nghi của nhiều loài chim đặc trưng. Tập hợp cộng đồng cư dân khai phá đất mới ven biển, cửa sông; văn hóa bản sắc ven biển, đồng bằng Bắc Bộ, châu thổ sông Hồng; đa dạng các làng nghề ven biển.

  • Khu SQTG Kiên Giang (vùng ven biển, hải đảo tỉnh Kiên Giang)

    Cảnh quan tự nhiên: quần đảo, đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam; đa dạng địa chất cảnh quan; rừng nhiệt đới tự nhiên; sinh cảnh động vật hoang dã trên rừng, dưới biển. Nơi đây còn gắn với bản sắc văn hóa vùng ven biển Tây Nam; đặc trưng phát triển kinh tế - xã hội miền Tây - lịch sử mở cõi phương Nam; dân tộc Khmer, những ngôi chùa, làng bản  sống hài hòa với các dân tộc Việt khác.

  • Khu SQTG Tây Nghệ An (các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An)

     Nằm ở khu vực miền núi Bắc Trường Sơn, thượng lưu sông Cả, đa dạng cảnh quan; rừng tự nhiên thường xanh, ĐDSH phong phú, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Với cộng đồng tộc đa dạng; nhiều sản phẩm giá trị đặc trưng địa phương; bản sắc dân tộc Thái điển hình sống hài hòa với thiên nhiên.

  • Khu SQTG Cù lao Chàm - Hội An (tỉnh Quảng Nam)

    Gồm rừng tự nhiên thường xanh trên đảo, sinh cảnh hải đảo đặc trưng; kiến tạo địa chất điển hình, cảnh quan kỳ vĩ. Cộng đồng cư dân lâu đời hải đảo, lịch sử tuyến đường thương mại quốc tế; thị tứ, thị trấn hải đảo điển hình; bản sắc văn hóa, lễ hội, làng nghề độc đáo.

  • Khu SQTG Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau)

   Bán đảo đất mũi, phù sa sông Cửu Long bồi tụ, lấn biển; rừng ngập mặn, rừng tràm ngập chua phèn điển hình. Ở đây hình thành cộng động cư dân sinh sống vùng đất bồi điển hình; canh tác, nghề cá, nghề rừng đặc trưng.

  • Khu SQTG Langbiang (tỉnh Lâm Đồng)

    Đặc trưng cảnh quan tự nhiên, gồm rừng thông nguyên sinh 2 lá dẹt bằng chứng kỷ devon tiền sử; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hài hòa với ĐDSH; không gian đa dạng sắc tộc phân bố dựa trên không gian cảnh quan tự nhiên; chi trả dịch vụ hệ sinh thái - một nền kinh tế dựa trên bảo tồn điển hình.

 

 

 

Ý kiến của bạn