Banner trang chủ

Nhân rộng mô hình quản lý tài nguyên, môi trường biển dựa vào cộng đồng tại Quảng Ngãi

06/02/2017

   Quảng Ngãi có bờ biển dài 130 km, với hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do khai thác thiếu bền vững nên nguồn tài nguyên biển Quảng Ngãi bị suy giảm nghiêm trọng. Để tăng cường quản lý bảo vệ nguồn lợi biển, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình quản lý TN&MT biển dựa vào cộng đồng, với việc thành lập Tổ tự quản tại các xã trên địa bàn. Mô hình đã mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ nguồn lợi biển, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý tài nguyên và BVMT biển.

Thành viên Tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển phối hợp với Đoàn thanh niên, bộ đội địa phương thu gom rác, làm sạch bờ biển

   Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nguồn lợi hải sản ven bờ bị suy giảm nghiêm trọng so với hơn 10 năm trước đây. Nguyên nhân là do khai thác quá mức các rạn san hô làm hòn non bộ, trang trí nhà cửa, đặc biệt là dùng thuốc nổ để đánh bắt hải sản, làm cho các rạn san hô bị phá hủy, thảm cỏ biển biến mất. Điều này đồng nghĩa với “ngôi nhà” của các loài cá, mực, ốc, không còn nơi sinh sống. Bên cạnh đó, người dân khai thác rong mơ một cách tận diệt, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Ngoài ra, tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch và không chú trọng đến biện pháp BVMT, đang gây cạn kiệt nguồn nước ngầm; phá hủy rừng ngập mặn và rừng phòng hộ; nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị, nuôi trồng thủy sản, cảng cá chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra các vùng cửa sông ven biển làm môi trường nước biển bị ô nhiễm…

   Trước thực trạng trên, từ năm 2013, mô hình Tổ tự quản bảo vệ tài nguyên biển dựa vào cộng đồng đầu tiên được thành lập tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Đến nay đã nhân rộng ra 26 xã ven biển trên địa bàn tỉnh. Mô hình Tổ tự quản bao gồm 10 - 30 người dân tham gia, với phương thức, hoạt động tự nguyện. Cơ cấu tổ chức gồm: Tổ trưởng; tổ phó và các thành viên đại diện Ủy ban MTTQ, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, quần chúng nhân dân.

   Sau khi được thành lập, Tổ tự quản lập kế hoạch tuyên truyền và nâng cao nhận thức BVMT cho người dân vùng ven biển, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các tổ viên tuần tra, canh giữ bờ biển. Hàng tuần, Tổ tự quản tổ chức họp để phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên biển, hướng dẫn cách thức khai thác bền vững nguồn lợi biển cho người dân. Qua đó, người dân đã chấp hành nghiêm các quy định, không còn tình trạng khai thác thủy sản bằng thuốc nổ.

   Tổ tự quản khoanh vùng những khu vực có rạn san hô cấm khai thác, nên nhiều loài cá quý hiếm đã xuất hiện trở lại như cá kình, cá chuồn, mực ống và các loài tôm, ốc… Các khu vực có rong mơ, Tổ tự quản quy định thời gian khai thác hợp lý (hàng năm vào tháng 6-7), nên sản lượng đã tăng lên, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ngoài giá trị về kinh tế, loại rong này cũng có thể lọc nước làm cho nước biển sạch. Ngoài ra, Tổ tự quản còn tổ chức vệ sinh thường xuyên bờ biển, trả lại môi trường biển Xanh - Sạch - Đẹp. Hàng ngày, theo sự phân công của Tổ trưởng, các thành viên đến khu dân cư nhắc nhở, giám sát việc xả nước, thu gom rác thải nên tình trạng ô nhiễm môi trường giảm. Bên cạnh kết quả đạt được, các Tổ tự quản cũng gặp một số khó khăn do không có nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính quyền, nên các thành viên phải tự huy động nguồn vốn. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các thành viên gặp phải sự cản trở, phản đối của một số người dân, gây mất đoàn kết.

   Để Tổ tự quản hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, chính quyền địa phương các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất trích một phần kinh phí, hỗ trợ các thành viên. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Tổ tự quản tiến hành tập huấn, nâng cao công tác chuyên môn về bảo vệ, tái tạo nguồn giống hải sản; vận động người dân trồng rừng ngập mặn, không sử dụng các ngư cụ có tính hủy diệt.

   Đồng thời, Tổ cũng xây dựng quy chế phối hợp với các Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân để bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản; Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng, áp dụng các sáng kiến trong nhân nuôi, tái tạo nguồn giống thủy sản. Các thành viên trong Tổ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ thực hiện đề án, dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản phục vụ phát triển nghề cá bền vững; Tăng cường học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản của các địa phương khác…

   Như vậy, mô hình quản lý nguồn lợi biển dựa vào cộng đồng là một phương thức quản lý hiệu quả, cần được nhân rộng ra các địa phương ven biển trên cả nước. Thông qua mô hình này, cộng đồng dân cư ven biển được trao quyền kiểm soát trong việc quản lý tài nguyên và BVMT biển, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Cao Văn Khiên

Ban quản lý Dự án Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn