04/06/2018
Bà Reiko Usuda, người Nhật Bản, hiện đang sống tại Hội An, Quảng Nam, dù đã 64 tuổi nhưng vẫn tâm huyết với công việc BVMT và các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Coi Hội An là quê hương thứ hai và xác định sẽ sống hết cuộc đời còn lại, bà ReiKo đã quyết định mở quán cà phê và tham gia nhiều hoạt động xã hội để chung tay hỗ trợ người nghèo, cải thiện chất lượng môi trường Việt Nam.
Hơn 20 năm làm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt TP. Kawasaki, những chuyến đi Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, bà ReiKo nhận thấy người dân ở nhiều nơi không có điều kiện sử dụng nước sạch, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; trẻ em nghèo không nơi nương tựa, không có điều kiện đến trường… Bà tự hứa, khi nghỉ hưu sẽ sang Việt Nam sinh sống để hiện thực hóa giấc mơ tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn và góp một phần nhỏ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng môi trường. Năm 2009, bà về TP. Hội An mua mảnh đất rộng 200 m2 bên bờ sông Hoài với giá hơn 100.000 USD, để làm quán cà phê, bắt đầu những dự án tâm huyết của mình.
Bà ReiKo Usuda
“U cafe” là quán cà phê sinh học đầu tiên tại Quảng Nam, do kiến trúc sư Arika Yoshida thiết kế theo mô hình sinh thái để tặng riêng cho bà ReiKo, được mọi người gọi là “ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà sinh thái”. Kiến trúc bên ngoài của quán tương tự những ngôi nhà ở vùng quê Hội An, nhưng bên trong được thiết kế theo xu hướng xanh hiện đại, thân thiện với thiên nhiên, hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường, thích hợp với biến đổi khí hậu. “U cafe” gồm hai tầng, không gian thoáng đãng, xanh mát, có hồ cá nhỏ và những bông hoa súng, tường xây bằng gạch trần, cầu thang gỗ, các cửa sổ, cửa đi... đều làm theo mẫu từ Nhật Bản. Mái nhà cũng được thiết kế như một bể nước lớn, hứng nước mưa để sử dụng.
Điểm đặc biệt của “U café” là hệ thống xử lý nước thải (XLNT) bằng công nghệ sinh học, gồm 5 hầm. Hầm đầu tiên là nơi chứa toàn bộ lượng nước thải của khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, khi đến một mức nhất định, nước thải tự tràn qua hầm số 2. Nhiệm vụ hầm số 2 có nhiều ống nước tạo lực đẩy chuyển động mạnh, giúp cho việc trao đổi nước và không khí, sự phân giải chất thải được thực hiện dễ dàng nhờ oxygen hòa tan. Tiếp đó, nước thải được đẩy qua hầm số 3 có chứa các vi sinh vật tự làm sạch nguồn nước. Đến hầm số 4 và 5, nước thải đã được xử lý sạch, một phần được tái sử dụng theo vòng tròn khép kín, rất tiết kiệm, khoa học; Một phần dùng cho việc làm sạch các hồ cá trong vườn; Lượng nước còn lại được bơm lên hồ chứa ở tầng 1 và tầng 3, phục vụ các hệ thống làm mát tự nhiên. Các bể lọc ở tầng trệt cũng có nhiệm vụ XLNT qua sử dụng lần hai đạt độ an toàn trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, để hạn chế sử dụng năng lượng, bà cho xây tường bằng hai lớp gạch, khoảng cách ở giữa sẽ giúp giữ nhiệt, mùa đông, phòng luôn ấm, mùa hè, phòng mát mẻ, không cần sử dụng điều hòa. Bà Reiko cũng thường xuyên gửi thư mời sinh viên các trường đại học đến “U cafe” để trao đổi về vấn đề sinh thái môi trường bền vững, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe con người và ý nghĩa của công tác BVMT. Ngoài ra, bà còn tích cực hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh thực hiện Chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - TP. Đà Nẵng. Tại “U café”, bà dành khoảng không gian của phòng khách để trưng bày hình ảnh, poster in hình các loài linh trưởng quý hiếm trên những món quà lưu niệm gửi đến du khách. Hiện “U café” là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu môi trường và hàng trăm sinh viên của nhiều trường đại học Nhật Bản, Việt Nam đến tham quan, thảo luận về những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều đáng quý là “U cafe” được mở ra với mục đích góp phần vào công tác từ thiện, xã hội, đến nay, số tiền đầu tư vào kinh doanh cà phê chưa thể tính toán lời lãi, cái lãi lớn nhất của bà là được sống, làm việc ở nơi yêu quý và kết nối, hỗ trợ, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Một góc không gian quán “U Café” nhìn ra sông Hoài
Không chỉ mở quán cà phê, năm 2015, đều đặn 2 tuần/lần, bà Reiko phối hợp với nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu nước ở 16 điểm của TP. Hội An để phân tích. Công việc này được thực hiện liên tục trong 2 năm, khi có kết quả chất lượng nước ở các điểm lấy mẫu, bà gửi về Nhật nhờ bạn bè kêu gọi dự án cải thiện chất lượng nước cho Hội An. Bà Reiko còn là “bà đỡ” của những bạn trẻ đam mê nghiên cứu sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường để xuất qua các nước, trong đó phải kể đến việc bà phối hợp cùng chàng trai Võ Tấn Tân, TP. Hội An sản xuất xe đạp tre xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các nước châu Âu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cũng là mục tiêu sống của bà Reiko, bà thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ và kỹ năng ứng xử cho trẻ em nghèo, trẻ em đường phố. Từ năm 2003 đến nay, thông qua chương trình hợp tác viện trợ, bà Reiko kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức Nhật Bản hỗ trợ 10.000 xe đạp cùng thiết bị văn phòng phẩm giúp trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa tại hàng chục trường học ở Quảng Nam, Đà Nẵng; Đặt mua vải của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đưa về đính hạt đá, tạo ra sản phẩm là những túi xách độc đáo, bán lấy tiền hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế; Kết nối với các tổ chức “Ngôi làng toàn cầu”, “Giúp đỡ nạn nhân chiến tranh” cùng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện khác, đến Việt Nam giúp đỡ trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ và xây dựng các dự án BVMT… Những công việc bà đã, đang làm hàng ngày không phải một người bạn quốc tế nào cũng có thể làm được. Những chương trình hoạt động xã hội thiết thực, thấm đẫm tình người đã khắc họa nên chân dung người phụ nữ Nhật Bản hết mình vì mọi người, vì xã hội. Một dáng vẻ bình dị, ẩn sâu bên trong là trái tim nhân hậu, một tấm lòng cao cả như bà Usuda Reiko thật có nhiều điều đáng để ta suy ngẫm, học hỏi. Với riêng người dân Hội An, việc bà đến với mảnh đất này không phải là “đến” mà là “sự trở về” của người con xa xứ, thể hiện tình hữu nghị, sự gắn kết, như là “tiền duyên” giữa người Việt và người Nhật.
Trương Thị Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)