Banner trang chủ

Người hồi sinh loài sâm quý, hiếm ở núi Dành

31/05/2019

     Núi Dành còn có tên khác là núi Chung Sơn, thuộc địa phận 2 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây nổi tiếng có loài sâm quý, hiếm, hay còn gọi là sâm Nam hay cát sâm. Do có giá trị kinh tế cao, người dân khai thác ồ ạt nên loài sâm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

     Giá trị loài sâm quý

     Theo người dân nơi đây, từ xa xưa, núi Dành được coi là vùng đất thiêng, hội tụ linh khí đất trời nên mới sản sinh ra loài thảo dược quý. Tương truyền, loài sâm này đã chữa khỏi bệnh mù cho mẹ vua Tự Đức. Ngoài ra, sâm được sử dụng để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể và có tác dụng chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein của tế bào mới, rất tốt cho trẻ em và người bị cảm, sốt cao. Do đó sâm được coi là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”.

 

Vườn sâm rộng 2.000 m2 của gia đình ông Thân Hải Đăng

 

     Một gốc sâm to có thể đổi được cả tạ gạo trắng nên bị người dân săn tìm ráo riết. Nhận biết tầm quan trọng của giống sâm quý, từ nhiều năm nay, ông Thân Hải Đăng ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập đã gìn giữ tốt cây sâm cổ 50 năm tuổi trong vườn nhà. Bà ngoại ông Đăng khi còn sống thường lên núi Dành đào củ sâm mang đổi lấy gạo ăn. Bà chính là người có công đưa cây sâm này về vườn trồng. Việc gìn giữ được gốc sâm khổng lồ của gia đình ông Đăng, chính là nguồn gen, giống, khởi nguồn để hồi sinh loài sâm này.

      Để bảo tồn loài sâm quý, năm 2018, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Theo đó, hộ ông Đăng được chọn làm điểm để nghiên cứu, đánh giá dược tính của loài sâm đặc biệt này. Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, canxi và magiê), thuộc loại dây, leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm. Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin... Hàm lượng chất saponin ở củ sâm Nam tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh.

     Nhân giống thành công

     Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đăng đã tiến hành nhân giống và hướng dẫn một số hộ dân cách trồng sâm Nam.. Mỗi khi dây sâm dài chừng một gang tay thì sinh thêm một đốt, đốt ấy mọc rễ đâm xuống đất, sau vài năm sẽ thành gốc cây mới. Tiếp đó, cây con được ông Đăng tách ra rồi đánh sang trồng chỗ khác. Cách nhân giống này cho tỷ lệ sống rất thấp, cây lớn chậm. Sau thời gian nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, ông đúc kết bí quyết nhân giống mới hiệu quả hơn bằng cách cho đất vào túi ni lông, bọc vào đốt cây, giống như chiết cây. Một thời gian sau, khi nhánh sâm mọc rễ trong bầu thì đem ươm trồng bình thường. Cách làm mới giúp tỷ lệ sâm sống cao, lớn nhanh và mọc củ sau chỉ một năm trồng. Củ sâm phải mất khoảng 5 năm tuổi mới có thể làm thuốc, nhưng để đạt kích thước to thì phải sau 10 năm. Để cây sâm không mọc lan, tập trung củ ở một gốc, cần bắc giàn cho từng cây sâm. Do mọc trong vùng đất trên núi cao nên sâm có lớp vỏ ngoài rất cứng, bảo vệ phần ruột cực quý của chúng. Phần ruột sâm màu vàng nhạt. Sâm càng già tuổi thì ruột càng óng vàng.

 

                  Chùm củ sâm quý, hiếm 5 năm tuổi

 

     Hiện nay, gia đình ông Đăng đã trồng được hơn 5 sào sâm, với vài nghìn gốc cây từ 3 - 6 năm. Sau gần 6 năm trồng đại trà, vườn sâm của ông Đăng đã cho thu hoạch, củ to bằng ngón chân cái. Từ năm ngoái đến nay, ông bán được trên 1 tạ củ sâm tươi, giá bình quân 2 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho bà con trong vùng cùng trồng. Mỗi bầu sâm giống, ông Đăng bán giá 35 nghìn đồng. Sâm củ và sâm giống sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngoài diện tích của hộ ông Đăng, khoảng 10 hộ (chủ yếu ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập) cũng đang trồng với diện tích khoảng 5.000 m2.

     Từ những thành công của mô hình nhân giống sâm núi Dành, bằng tâm nguyện của mình, Ông Đăng mong muốn đưa loài thảo dược quý này thành hàng hóa mang thương hiệu địa phương. Trong những năm tới, địa phương sẽ quy hoạch, phát triển đại trà loài sâm; phát triển mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết; bảo tồn nguồn gen và tiếp tục hỗ trợ cho bà con triển khai Dự án để phát triển sản phẩm sâm núi Dành.

 

Nguyễn Hào

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

Ý kiến của bạn