13/11/2017
Hơn 40 năm dời quân ngũ trở về địa phương, dù đã ở tuổi 64, nhưng ông Trần Đức Minh, hội viên cựu chiến binh ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn hàng ngày rảo bước trên những lối mòn quen thuộc để tuần tra, bảo vệ rừng nguyên sinh núi Nhàn. Ông Minh quen thuộc từng ngách đá, từng gốc cây của khu rừng và được người dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến “Hiệp sỹ rừng xanh”.
Từ xa, hướng tầm mắt trông về làng An Thọ, ngọn núi Nhàn như một người mẹ dang rộng cánh tay để che chở, bảo vệ cho những đứa con đang tựa lưng vào dãy núi. Trải qua bao cuộc chiến tranh bị bom đạn cày phá, rồi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thế nhưng màu xanh của ngọn núi vẫn luôn được gìn giữ cho đến hôm nay. Núi Nhàn có địa thế thoai thoải nằm giữa các xóm làng, với 267 hộ dân sống dưới chân núi. Khu rừng nguyên sinh của núi Nhàn có diện tích 42 ha, với thảm thực vật phong phú. Trên đỉnh núi có nhiều loài cây cổ thụ có tuổi đời từ 60 - 70 năm tuổi, trong đó phổ biến là loài cây kơ nia. Phía dưới chân núi có nhiều loài dây leo chằng chịt, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm như chồn, sóc, nhím, tê tê, heo rừng… và một số loài chim chào mào, chích chòe, khướu, bìm bịp. Men theo những lối mòn vào sâu trong rừng núi Nhàn, sẽ bắt gặp nhiều loài cây dược liệu quý như ngũ gia bì, sâm cau, mắt ó, mắt mèo, càng cua… Có thể nói, rừng núi Nhàn là nguồn tài nguyên quý giá đối với người dân nơi đây.
Cây kơ nia cổ thụ trên đỉnh núi Nhàn có tuổi thọ từ 60 - 70 năm tuổi |
Do có địa thế đặc biệt, năm 1972, khu rừng được chọn là căn cứ của bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Núi Nhàn là một trong những chốt quan trọng nhất của khu vực Tây Sơn Tịnh. Kiểm soát được chốt này là kiểm soát được cả một địa bàn rộng lớn. Ông Minh cùng đồng đội quyết tâm chiến đấu để bảo vệ khu căn cứ giữa núi Nhàn này. Nên giờ đây, ông Minh cố gắng gìn giữ khu rừng tự nhiên. Với ông, đó là hành động tri ân đầy ý nghĩa đến những người anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Hòa bình lập lại, chứng kiến rừng núi Nhàn bị tàn phá nghiêm trọng, hàng hoạt cây rừng bị đốn hạ, nhiều loài động vật bị săn bắt đến cạn kiệt, ông Minh đã phải lao tâm khổ tứ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn. Biết đối tượng phá rừng đều là người dân địa phương nên ông đã đến từng nhà thuyết phục, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Để có chứng cứ, ông còn khăn gói lên rừng ở một thời gian dài, rình bắt những người đang chặt phá rừng để ngăn chặn, giao chính quyền xử lý, nhiều kẻ xấu đã đe dọa, đuổi đánh nhưng ông vẫn quyết tâm canh gác rừng.
Cuối cùng, chính quyền địa phương ghi nhận công sức của ông. Vào tháng 3/1980, Hội Cựu chiến binh xã đã thành lập tổ tự quản rừng nguyên sinh núi Nhàn với 6 người. Ông Trần Đức Minh được phân công làm tổ trưởng. Từ khi thành lập tổ tự quản, việc tuần tra rừng được thực hiện thường xuyên, nên các vụ chặt phá rừng giảm hẳn. Ngoài việc tuần tra, hàng tuần, ông Minh đến từng hộ gia đình phổ biến những quy định về bảo vệ rừng, từ đó nhận thức của người dân cũng thay đổi, quyết tâm đồng lòng giữ màu xanh nguyên thủy của Núi Nhàn giống như giữ lá phổi xanh của cộng đồng. Với nỗ lực bảo vệ rừng của ông Minh, đến nay khu rừng núi Nhàn được hồi sinh gần như nguyên trạng. Đặc biệt, thảm thực vật, cây cối trong khu rừng như bức bình phong che chở, bảo vệ ngôi làng tránh bão gió.
Trăn trở với công tác bảo vệ rừng, ông Minh mong muốn tìm được người tận tụy, biết hy sinh để kế tục công việc này. Bởi lẽ, những thành viên trong tổ tự quản ai cũng tuổi cao, sức yếu, không thể đi tuần tra rừng thường xuyên.
Ông Minh (bên phải) đang tuần tra trong rừng Núi Nhàn |
Mang trong mình phẩm chất của người lính Cụ Hồ, hàng ngày, ông Minh vẫn cùng với những đồng đội của mình thầm lặng bảo vệ rừng. Ông đưa ra kế hoạch giúp người dân trồng rừng hiệu quả, tổ chức ươm giống cây dược liệu để gìn giữ nguồn gen bản địa, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong làng.
Đến với núi Nhàn hôm nay, có lẽ thế hệ trẻ chúng ta sẽ không hiểu hết tình cảm nồng nàn của ông Minh dành cho núi Nhàn. Nhưng chúng ta sẽ nhận thấy, tiếng chim hót rộn rã vang lên một cách yên bình đến kỳ lạ trong khu rừng của núi Nhàn hôm nay là nhờ vào công sức của người Cựu chiến binh già. Trải qua bao thăng trầm, biến động, rừng núi Nhàn vẫn mãi xanh. Tấm gương sáng của ông sẽ mãi mãi được thế hệ trẻ noi theo học tậpn
Hoàng Minh Nguyệt
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017