Banner trang chủ

Na Hang, tiềm năng du lịch của mảnh đất xứ Tuyên

10/05/2016

   Là một huyện vùng cao, Na Hang nổi tiếng về cảnh sắc thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh quan kỳ vỹ cùng sự phong phú của một văn hóa độc đáo từ 12 dân tộc đang cư trú. Vốn được coi là vùng đất cổ, nơi mà mỗi dòng sông, con suối, cánh rừng, ngọn núi đều gắn liền với truyền thuyết riêng, Na Hang đã trở thành một trong những tiềm năng du lịch lớn của Tuyên Quang.

Hồ Na Hang được ví như "Hạ Long trên cạn"

   Cái tên Na Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, theo tiếng của đồng bào dân tộc Tày có nghĩa là “ruộng cuối”, trải dài trên những cánh đồng lúa xen kẽ với núi đá vôi, rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi, tạo nên phong cảnh hữu tình, như bức tranh cổ tích nổi bật giữa đại ngàn xanh tươi. Nhắc đến Na Hang, không thể không nói đến hồ Na Hang - một trong những hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc hiện nay, được ví như Hạ Long trên cạn, mang vẻ đẹp yên tĩnh, là sự kết hợp của núi non, sông nước hòa với cảnh sắc mây trời. Lòng hồ là nơi hội tụ của sông Gâm và sông Năng, được bao bọc xung quanh bởi 99 ngọn núi trùng trùng điệp điệp. Trong đó, Pắc Tạ là ngọn núi cao nhất, trông như chú voi cúi đầu bên nậm rượu, sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện. Dưới chân núi có ngôi đền cổ thờ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật (thế kỷ thứ XIII), là địa điểm linh thiêng để người dân Na Hang bày tỏ lòng thành kính, niềm khát vọng cuộc sống bình yên.

   Xung quanh khu vực hồ Na Hang có nhiều vỉa đá tự nhiên mang hình thù kì lạ cùng những ngọn thác nổi tiếng như Khuổi Sung, Khuổi Nhi, thác Mơ… quanh năm tuôn chảy tung bọt như làn tóc mây trắng tô điểm cho màu xanh của đại ngàn. Đặc biệt là hành trình tản bộ khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong những cánh rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tát Kẻ - Bản Bung (KBTTN Na Hang), nằm trên địa bàn 4 xã Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương. Với đặc điểm của khí hậu vùng núi cao, nhiệt độ dao động lớn giữa mùa hè và mùa đông nên nơi đây thuận lợi cho sự phát triển của các loài thực vật. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các nhà khoa học, KBTTN Na Hang còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới nguyên sinh, trong đó có khoảng 70% là rừng trên núi đá vôi. Thành phần loài của hệ thực vật đa dạng với khoảng 1.357 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 74 loài quý, hiếm (chiếm khoảng 5,45% tổng số loài đã ghi nhận); 62 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (chiếm khoảng 4,57%); 25 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (chiếm 1,84%) và 10 loài theo tiêu chí IUCN 2014 (chiếm 0,74%) với nhiều loài có giá trị sử dụng cao như trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn giả, bách xanh… Ngoài ra, KBTTN còn là nơi tập trung số lượng lớn các loài gỗ nổi tiếng của hệ thực vật rừng miền Bắc cần được bảo tồn như lát, sâng, giẻ đỏ, de xanh, gội nếp, nghiến có tuổi đời hàng nghìn năm, đường kính rộng từ 2 - 3 m và nhiều loài cây dược liệu thuộc họ cúc, ngũ gia bì, bạc hà, trúc đào, ô rô, đậu...

   Về các loài động vật, hiện KBTTN Na Hang có khoảng 88 loài thú, thuộc 25 họ, 8 bộ đã được ghi nhận, chiếm 20,4% tổng số loài trong hệ động vật toàn khu vực, trong đó có 18 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 15 loài trong Sách đỏ Thế giới; 294 loài chim, thuộc 15 bộ, 46 họ, chiếm hoảng 68,2%, trong đó có 7 loài đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, 6 loài trong Sách đỏ Thế giới; 30 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư, trong đó có 9 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, 3 loài bò sát ghi vào Sách đỏ Thế giới. Mặt khác, theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, KBTTN còn có khoảng 300 loài bướm, trên 40 loài dơi, nhiều loài cá và các loài thủy sinh, trong đó có 2 loài cá rầm xanh và anh vũ được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Sự đa dạng cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về hệ động, thực vật quý, hiếm của Na Hang đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học, khảo sát thực địa, du lịch khám phá, thám hiểm.

KBTTN Na Hang với hệ sinh thái phong phú gồm nhiều loại động thực vật quý, hiếm

   Để có một Na Hang hùng vỹ và tráng lệ như ngày hôm nay, bên cạnh những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, phải kể đến những đóng góp của Ban quản lý (BQL) Khu du lịch sinh thái (KDLST) Na Hang. BQL KDLST được thành lập theo Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 9/5/2007 của UBND tỉnh Tuyên Quang, có vai trò giúp UBND tỉnh trong công tác quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; Quản lý, tổ chức hoạt động dịch vụ, kinh doanh vận tải khách du lịch và BVMT, trật tự an toàn cho khách vào tham quan; Phối hợp với các ngành liên quan phát triển các tuyến du lịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của KDLST Na Hang.

   Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng BQL KDLST cho biết, đến nay, KDLST đã hoàn thiện việc xây dựng khu đón tiếp khách du lịch tại thác Pác Ban, thị trấn Na Hang; Triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng công trình đường giao thông phân khu du lịch Phiêng Bung; Thiết kế xây dựng hang Nà Chao, xã Năng Khả (Na Hang) và thác Khuổi Nhi, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)… Thời gian tới, BQL sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện Na Hang, Lâm Bình và Bắc Mê (Hà Giang) thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng động Song Long, xã Khuôn Hà (Lâm Bình); Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Cạn, UBND huyện Ba Bể khảo sát tuyến đường giao thông từ Bản Dạ - xã Sơn Phú (Na Hang) đến xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), nhằm kết nối KDLST Na Hang với Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn), nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, tạo sản phẩm du lịch.

   Những tiềm năng, thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn sẽ là điểm tựa để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là kinh tế, mô hình và dịch vụ du lịch nối liền với các tỉnh như huyện Bắc Mê (Hà Giang), huyện Ba Bể, Pắc Nặm (Bắc Cạn)… để Na Hang không chỉ là khu dự trữ tự nhiên hay khu bảo tồn loài sinh cảnh mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần vào công cuộc phát triển của tỉnh Tuyên Quang.

                        Gia Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn