Banner trang chủ

Nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, xử lý bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật ở Lâm Đồng

03/08/2018

     Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở  Lâm Đồng diễn ra phức tạp và đáng lo ngại.  Ở nhiều địa phương trong tỉnh, sau mỗi vụ sản xuất, người nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc BVTV, làm môi trường đất, nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

     Lâm Đồng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng,  năm 2017, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh  đạt 373.840,9 ha (tăng 2,25% so với cùng kỳ), trong đó, cây hàng năm đạt 129.247,2 ha; cây lương thực đạt 30.342,5 ha... Với diện tích gieo trồng lớn, diễn biến sâu bệnh ngày càng tăng, nên mức độ sử dụng thuốc BVTV cao. Ước tính, hàng năm,  thuốc BVTV sử dụng của người dân trong tỉnh từ 8.000 - 10.000 tấn. Theo đó, lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường tại Lâm Ðồng khoảng 357 - 391 tấn/năm, trong đó tỷ lệ bao bì thuốc BVTV là chai nhựa chiếm 70%, gói và loại khác chiếm 30%. 

     Các loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất là chè, cà phê, rau và hoa. Đặc biệt, phần lớn người dân thường sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao (nhóm II và III) kết hợp việc trộn từ 2 - 3 loại thuốc để phun một lần, nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5 - 2 lần so với khuyến cáo. Mặc dù, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nông dân sử dụng và thu gom thuốc BVTV đúng cách nhưng tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cao. Tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom, xử lý đúng quy định. Chẳng hạn như tại cánh đồng rau màu rộng 100 ha tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương). Trên đường người dân vệ sinh lối đi khá sạch sẽ, nhưng ở dưới những mương nước vẫn rải rác nhiều vỏ thuốc trừ sâu, túi ni lông, bao bì BVTV, làm nghẽn dòng chảy. Nhiều người dân tại đây chia sẻ, do khoảng cách đặt quá xa nên người dân vẫn chọn cách thu gom vỏ thuốc lại thành đống nhỏ sau đó chôn, đốt mà chưa có biện pháp xử lý nào khác. 

 

Mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng lúa ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng)

 

     Mỗi bao bì thuốc BVTV thường có khoảng 1,8% lượng hóa chất dính vào, khi bị thải bỏ, lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra môi trường và xâm nhập trở lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn. Tại Lâm Đồng có khoảng 90% lượng bao bì thuốc BVTV được nông dân tiêu hủy theo hình thức chôn, đốt hoặc thải ra môi trường. Trong khi, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng quy định, bao bì gói thuốc BVTV lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng và chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

     Để hạn chế lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn, hiện nay tại 12 huyện, TP của tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, TP. Đà Lạt  đã triển khai thực hiện thí điểm thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV, còn lại hầu hết các địa phương khác đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện nên việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thu gom bao bì thuốc BVTV đúng quy định còn gặp nhiều vướng mắc.

     Nhiều địa phương do khó khăn cho việc phân bổ kinh phí nên số lượng bể chứa bao bì thuốc BVTV còn hạn chế, khoảng cách đặt bể quá xa khiến thói quen của người dân chưa thay đổi. Chẳng hạn như huyện Đam Rông, theo kế hoạch năm 2018 sẽ xây dựng 65 bể chứa/ 65 thôn. Nếu tính mỗi thôn có diện tích rau màu, cây công nghiệp với diện tích trung bình khoảng 380 ha thì một bể chứa bao bì thuốc BVTV là quá ít, rất khó khăn khi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định. Còn tại huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai, hai địa phương triển khai sớm nhất việc đặt bể chứa trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay việc tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV cũng khá nan giải. Theo UBND huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai, sau đợt chống bọ xít muỗi trên cây điều vào tháng 5 - 6/2017, lượng bao bì thuốc BVTV lên tới gần 3 tấn vỏ thuốc Wamtox 100EC, nhưng do chưa có kinh phí tiêu hủy kịp nên người dân một số xã tại địa bàn không có kho lưu chứa đã tự tiêu hủy theo hình thức tự đốt hay thu gom như rác thải thông thường.

     Nhằm tăng cường công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng cần tiến hành điều tra cơ bản đặc điểm các vùng canh tác nông nghiệp tập trung, sử dụng nhiều thuốc BVTV, qua đó, xác định, lựa chọn địa điểm xây dựng các bể chứa, khu vực lưu chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phù hợp. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ở từng địa phương và hướng dẫn các đơn vị này lập sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; hàng năm, lập kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng, phát sinh nhiều bao gói thuốc BVTV; các địa phương tổng hợp, báo cáo tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý; đồng thời, bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện công tác này hàng năm.

     Ngoài nguồn lực từ Trung ương, tỉnh cần huy động các nguồn lực từ các tổ chức, thành phần kinh tế tham gia công tác BVMT nói chung và việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng nói riêng; thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV; tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và sử dụng bao bì thuốc BVTV; thường xuyên nghiên cứu, xây dựng nội dung các chương trình, kế hoạch truyền thông theo hướng đổi mới, phong phú, hấp dẫn, phù hợp…

 

Vũ Cúc

Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

 

.

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn