Banner trang chủ

Mùa Xuân về trên làng đào phai Đông Sơn

03/02/2017

   Làng đào phai Đông Sơn, thuộc huyện Tam Điệp, cách TP. Ninh Bình khoảng 14 km. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, Đông Sơn vốn là đất của nông trường chè Mùa Thu, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2006, do diện tích canh tác ở đây thiếu nước nghiêm trọng nên năng suất cây trồng thấp, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, do đó nông trường bị giải thể. Năm 2008, nhận thấy đào là giống cây có thể giúp nhân dân Đông Sơn thoát nghèo, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đã khuyến khích và hỗ trợ 300 triệu đồng cho những hộ nghèo trồng đào. Trên đất pha sỏi, đá chít, cây đào phát triển nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, Đông Sơn đã trở thành vùng chuyên trồng đào lớn nhất trong tỉnh.

Người dân Ðông Sơn cắt tỉa đào phai để bán dịp Tết

   Hiện nay, Đông Sơn có 7 thôn, với hơn 1.000 hộ dân tham gia trồng đào trên tổng diện tích 120 ha. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính cả diện tích trồng đào trong các vườn nhà, khu đất trống của hộ dân trên địa bàn xã có thể lên tới gần 200 ha. Nguyên nhân là do những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả từ trồng đào, người dân đã tận dụng diện tích đất được chia theo Quyết định số 313/QĐ-UB của UBND tỉnh Ninh Bình về việc giao quyền sử dụng ruộng ổn định cho nông dân để trồng đào.

   Trồng đào không tốn kém phân bón, giống vốn mà đòi hỏi công chăm sóc, phòng trừ bệnh và đặc biệt cần có kỹ thuật hãm, thúc để đào nở đúng dịp Tết. Mỗi năm, các hộ trồng đào ở xã có thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng/hộ, tổng thu nhập của các thôn trồng đào có thể tới 6 - 7 tỷ đồng. Không chỉ các hộ trồng đào có thu nhập cao mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương nhờ trao đổi mua bán, đốn tỉa, vận chuyển… Cây đào với đặc tính là ưa khí hậu rừng núi mát mẻ đã thực sự trở thành loại cây trồng chủ lực, mang đến sự đổi thay cho cuộc sống của nhiều người dân nơi đây.

   Đào phai Đông Sơn đã có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường không chỉ ở Ninh Bình mà còn lan rộng ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội. Đào phai Đông Sơn gần giống đào rừng ở dáng cành khẳng khiu, dẻo dai, có thể uốn tạo kiểu dễ dàng. Nếu như đào Nhật Tân (Hà Nội) có cánh dày, bích đào có màu hồng thắm xếp thành nhiều lớp bao quanh nhị vàng tươi, lá đào hình mũi mác màu xanh biếc và cành vươn thẳng đứng; đào Xuân Du (Thanh Hóa) có màu hồng tươi với cánh hoa dày lâu rụng, cành đào khẳng khiu nhưng chi chít những nụ hoa mập mạp, khỏe khoắn… thì đào phai Đông Sơn lại có màu rất đặc trưng với sắc hoa dịu nhẹ, cánh phớt hồng, mang vẻ đẹp tự nhiên, tinh khôi.

   Điều độc đáo là giống đào phai này dù trồng ở những nơi khác thì vẫn không đẹp như trồng tại đây. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, người dân trồng đào ở Đông Sơn đều có bí quyết nghề nghiệp riêng để tạo nên những cây đào phai đặc trưng. Trước đây, để có cây đào đẹp, chủ vườn thường chọn những gốc đào rừng khỏe, thế đẹp, tiến hành ghép giữa đào rừng và đào nhà. Hiện chủ vườn đã có thể tự tạo ra giống đào. Trong cả năm, cây đào được chăm sóc đặc biệt theo từng giai đoạn, chú trọng nhất vào giai đoạn ngắt lá, khoanh vỏ cây và các thời điểm quan trọng để khống chế hoa nở vào đầu Xuân. Với cách làm như vậy, chủ vườn sẽ có những cây đào đẹp, tán tròn đầy và quan trọng là hoa nở đúng dịp Tết cổ truyền.

   Hiện nay, toàn xã có 7 làng nghề trồng đào, mỗi làng nghề được tỉnh hỗ trợ từ 15 - 30 triệu đồng để xây dựng thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào… Tuy nhiên, cây đào từ khi trồng đến khi thu hoạch cũng phải mất từ 3 - 5 năm, mặc dù, cho lợi nhuận kinh tế cao hơn hàng chục lần các cây trồng khác nhưng khó khăn chung của các vùng trồng đào là hệ thống kênh mương, nước tưới tiêu chưa hoàn thiện, việc trồng và chăm sóc đào hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên hiệu quả kinh tế thấp.

   Đến thăm làng đào Đông Sơn vào dịp cuối năm, ta dễ dàng cảm nhận được sắc Xuân và sức Xuân của một làng hoa với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. E ấp trong làn gió Xuân dịu nhẹ là những cánh đào mong manh, làm xao động cả đất trời và lòng người. Làn gió nông thôn mới đang tràn về trên mọi nẻo đường của làng quê Đông Sơn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho nhiều hộ gia đình vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Thủy Lê

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn