02/03/2018
Tỉnh Tiền Giang nằm ở cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, cách TP. Hồ Chí Minh 70 km, có bờ biển dài 32 km, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử… Trong đó, làng hoa TP. Mỹ Tho là nơi trồng hoa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, đáp ứng nhu cầu không chỉ của người dân trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh, với đa dạng chủng loại như: Vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, vàng hòe, cúc Hà Lan, cát tường, đồng tiền…
Trái dứa phụng có hình dáng độc đáo ở Tiền Giang |
Hàng năm, vào những ngày giáp Tết, không khí ở làng hoa lại rộn ràng, ngập tràn trong sắc hoa rực rỡ chờ đón một mùa Xuân. Nghề trồng hoa cảnh là nghề truyền thống của nhân dân nơi đây và đã có từ lâu đời. Gần đây, nghề trồng hoa cảnh phát triển trên diện rộng do nhu cầu tăng cao, do đó thu hút lao động và tạo việc làm. Các giống hoa ngày càng đa dạng, phong phú, kỹ thuật thâm canh của người trồng cũng tốt hơn, khắc phục được thời tiết bất lợi để hoa nở đúng dịp Tết cũng là nét độc đáo của làng nghề. Tại các vùng chuyên canh hoa, hộ trồng ít cũng khoảng 1.000 giỏ, trồng nhiều thì lên đến 5.000 giỏ, chủ yếu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Riêng Tổ hợp tác sản xuất hoa cảnh xã Mỹ Phong có đến 180 hộ tham gia, trồng trên 800.000 giỏ hoa các loại. Năm nay, thời điểm xuống giống mưa lớn kéo dài, nhiều chủng loại hoa bị chết. Tuy nhiên, nông dân cũng kịp trồng thay thế các loại hoa khác cho kịp vụ Tết. Theo nhiều người trồng hoa có kinh nghiệm ở làng hoa Mỹ Tho, khoảng đầu tháng 6 Âm lịch, nông dân bắt đầu làm đất, trộn tro, phân và xuống giống cúc mâm xôi; rằm tháng 8 Âm lịch bắt đầu trồng cúc Hà Lan, khoảng tháng 9 thì trồng cúc vàng hòe. Các loại hoa còn lại trồng đầu tháng 10 Âm lịch. Thời gian này, người trồng thường xuyên có mặt ở vườn để chăm sóc, tưới nước 2 lần/ngày, phun thuốc kích thích sinh trưởng cho hoa. Khi cây cao khoảng 40 cm thì cắm nẹp tre để giữ thân thẳng và vững.
Bước sang tháng 12 Âm lịch, các thương lái bắt đầu về mua hoa làm làng hoa càng nhộn nhịp. Hầu hết các nhà vườn đều có thương lái đến tận nơi để lấy hoa nên không mất nhiều chi phí vận chuyển. Theo ghi nhận, năm nay thời tiết rét hơn nên hoa bị hỏng nhiều nhưng giá cao. Cụ thể, hoa cúc vạn thọ, mùng gà có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/cặp, cao hơn năm trước 10.000 - 15.000 đồng/cặp; cúc Hà Lan 80.000 đồng/cặp, cao hơn năm trước 10.000 đồng… Riêng cúc mâm xôi cao hơn khoảng 20% so với năm trước, do chất lượng hoa bền, chơi được lâu nên người mua ưa chuộng. Từ việc trồng hoa để chơi Tết, đến nay làng hoa Mỹ Tho đã có tiếng trên thị trường, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Không chỉ có các loài hoa, góp mặt vào thị trường Tết Nguyên đán năm nay còn có loài dứa phụng - cây cảnh mới, độc đáo, xuất xứ từ xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Trái dứa phụng có một thân chính to gấp đôi trái dứa thường và nhiều trái nhỏ xung quanh mà người dân gọi là trái đeo. Nhìn trái dứa phụng người ta nhớ đến hình ảnh chim công, chim phụng với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Trái càng to, có nhiều trái đeo quanh mình càng đẹp thì càng có giá trị. Loại dứa này là dứa cảnh, để chưng bày trong ngày Tết. Thông thường, dứa phụng trồng từ 12 - 18 tháng đã có thể cho trái. Do kiểu dáng đẹp, trái đẹp và to nên giá dứa phụng rất cao khoảng 400.000 đồng/cặp. Mỗi hộ dân thường thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng từ bán dứa. Phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất, các hộ dân ở Thạnh Mỹ trồng được khoảng 5.000 - 6.000 gốc dứa phụng. Tuy nhu cầu thị trường lớn, nhưng dứa phụng phụ thuộc vào giống cây, thổ nhưỡng, đất đai nên người nông dân khó mở rộng diện tích trồng. Nhiều năm nay, cây dứa phụng góp phần đáng kể vào việc cải thiện và nâng cao thu nhập, giúp người dân có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần, hòa chung không khí mùa Xuân, làng nghề trồng hoa Mỹ Tho cũng bước vào vụ thu hoạch. Những vựa hoa đang náo nức vào vụ Tết, với những khuôn mặt sáng bừng của người nông dân đang tô điểm cho đất trời những ngày cuối năm rộn rã.
Hoàng Minh Nguyệt
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018