Banner trang chủ

Màu xanh hồi sinh nơi rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp

10/09/2018

     Những năm trước đây, khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp thuộc xã Đắc Sôr (Krông Nô, Đắc Nông) được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, với sự tăng cường quản lý, bảo vệ chặt chẽ của Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng cảnh quan (ĐDCQ) Đray Sáp và chính quyền địa phương nên nạn phá rừng đã được hạn chế, rừng đang dần xanh trở lại.

     Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp được quy hoạch và xác lập tại Quyết định số 1904/QĐ-UB ngày 10/9/1998 của UBND tỉnh Đắc Lắc (cũ), với tổng diện tích 6.539,18 ha, trong đó rừng đặc dụng 1.652,17 ha và rừng phòng hộ xung yếu là 4.887,01 ha thuộc địa giới hành chính các xã Đắc Sôr, Nam Đà, Đắc Drồ và xã Buôn Choăh, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông. Kết quả điều tra năm 2015, bước đầu đã xác định và ghi nhận ở khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có đến 1.047 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 571 chi và 141 họ của 4 ngành thực vật khác nhau. Hệ thực vật nơi đây tập trung chủ yếu ở ngành mộc lan, chiếm 82,98% số họ (117 họ), 92,47% số chi (528 chi) và 91,88% số loài (962 loài); trong đó lớp mộc lan là phong phú nhất. Trong số 1.047 loài thực vật đã thống kê có 59 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách Đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014) có giá trị bảo tồn cao, cần ưu tiên bảo vệ. Trong đó, ở mức độ cấp quốc gia có 42 loài, bao gồm: 1 loài rất nguy cấp (CR), 16 loài nguy cấp (EN) và 25 loài sẽ nguy cấp (VU); ở mức độ toàn cầu có 28 loài trong đó có 4 loài rất nguy cấp (CR), 8 loài nguy cấp (EN), 7 loài sẽ nguy cấp (VU) và 9 loài ít nguy cấp (LR). Đặc biệt, một số loài có mức độ nguy cấp cao có trong sách Đỏ Việt Nam và trên thế giới như cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai, cẩm lai vú, cà te, vên vên.

 

Một góc rừng trồng năm 2010 của BQL rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đang sinh trưởng và phát triển tốt

 

     Do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, đất đai, khí hậu và đặc điểm của hệ sinh thái rừng đã góp phần hình thành nên khu hệ động vật ở đây cũng mang tính chất điển hình. Kết quả điều tra, bước đầu đã xác định và thống kê được tại rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có 289 loài động vật có xương sống, trong đó có 54 loài Thú, 187 loài Chim, 32 loài Bò sát và 16 loài ếch nhái (lưỡng cư) thuộc 85 họ, 25 bộ. Trong số 54 loài thú được ghi nhận tại khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có 14 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách Đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014). Trong tổng số 187 loài chim đã ghi nhận, có 7 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách Đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014), 4 loài đặc hữu, phân bố hẹp. Trong đó, ở mức độ cấp quốc gia có 4 loài sẽ nguy cấp (VU) và 3 loài ít nguy cấp (LR); ở mức độ quốc tế có 3 loài ít nguy cấp (LR), điển hình là gà lôi trắng, gà tiền mặt đỏ, khướu đầu đen và khướu mỏ dài.

     Trong hơn một thập kỷ qua, do quá trình quản lý, khai thác và sử dụng không bền vững đã làm cho diện tích, chất lượng rừng tại khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp bị suy giảm và xuống cấp nghiêm trọng. Tỷ lệ rừng nghèo chiếm 68,95% diện tích, các kiểu thảm thực vật rừng bị biến đổi mạnh cả về cấu trúc, kiểu rừng và thành phần loài (phát sinh các kiểu rừng mới - kiểu phụ), đặc biệt kiểu rừng khộp gần như không còn hiện hữu tại nơi đây. Rừng đặc dụng Dray Sáp có diện tích quy hoạch 1.652,17 ha, nhưng với sự tàn phá rừng của người dân, chỉ trong vòng 5 năm (2005-2010) rừng đã mất đi trên 360 ha. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tác động của hành vi khai thác gỗ trái phép quá mức, tập trung vào các loài cây gỗ lá rộng thường xanh và các loài cây quý hiếm, có giá trị về kinh tế cao như cẩm lai, cà te, sao đen, căm xe, giáng hương… và nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.

     Trước thực trạng trên, thời gian qua, BQL rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như bảo tồn ĐDSH. Hàng năm, BQL tổ chức giao khoán 1.205,66 ha rừng cho 3 nhóm hộ (34 hộ) để quản lý bảo vệ và hưởng lợi, đối tượng nhận khoán là người dân địa phương tại các xã giáp ranh với khu rừng, mức giao khoán bình quân từ 100.000 - 200.000 đồng/ha; thành lập 2 chốt bảo vệ rừng thường trực tại vùng giáp ranh với xã Đray Sáp, Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc và tại thôn Nam Tân, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông nhằm tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đến khu rừng, đặc biệt là hành vi khai thác gỗ, phá rừng trái pháp luật. Nhờ đó, số vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản giảm đáng kể, từ 83 vụ (năm 2004 - tháng 9/2010) xuống còn 31 vụ (từ tháng 10/2010 đến nay).

     Cùng với việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Kiểm lâm của đơn vị, các nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, BQL còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nhận khoán trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trồng; theo dõi và cập nhật diễn biến tài nguyên rừng. Đồng thời, làm mới 150 bảng nội quy, 180 biển cấp lửa, 03 bảng dự báo cấp cháy rừng; 38,7 ha đường băng trắng cản lửa, chăm sóc và giảm vật liệu cháy cho 120,67 ha rừng trồng (rừng trồng đã thành rừng và chưa thành rừng); Thành lập các Ban chỉ huy, xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp thôn, xã và các chủ rừng giáp ranh nhằm bảo vệ rừng trên toàn bộ phạm vi diện tích đơn vị quản lý; Mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

     Điều đáng ghi nhận là tính từ năm 2010 đến nay, BQL rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đã trồng được 120,67 ha rừng trồng tập trung và cây phân tán, với cơ cấu loài cây gồm: Sao đen, dầu rái, keo lá tràm, bồ kết, đa búp đỏ. Đặc biệt, để bảo tồn theo hướng bền vững, hiện tại, Sở NN&PTNT đang lập “Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030” để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đang được lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững; Đề án cho thuê môi trường rừng.

     Với những nỗ lực của BQL, chính quyền địa phương và cộng đồng, rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đang dần hồi sinh, không những góp phần BVMT sinh thái mà còn là tiền đề phát triển du lịch bền vững cho địa phương.

 

Vũ Thị Hạnh       

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn