Banner trang chủ

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc lần thứ nhất, năm 2017: Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ vững chắc an ninh - quốc phòng

13/11/2017

   Vừa qua, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ nhất, năm 2017 diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/10, thu hút gần 10 nghìn lượt người tham dự. Lễ hội du lịch đầu tiên được tổ chức ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và là chuỗi sự kiện nhằm quảng bá, đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương. Để hiểu rõ hơn về kết quả của Lễ hội, cũng như những định hướng phát triển về du lịch, khai thác những tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh

   Xin ông cho biết ý tưởng tổ chức Lễ hội du lịch thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ nhất, năm 2017?

   Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, UBND huyện Trùng Khánh đã chủ động xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức Lễ hội.

   Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận và đưa chương trình Lễ hội vào Chương trình tổ chức 5 sự kiện lớn của tỉnh trong năm 2017, giao nhiệm vụ cho huyện Trùng Khánh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan hát then, đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất thành một sự kiện chung của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch về công tác chuẩn bị lễ hội, đồng thời tham mưu cho Huyện ủy ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị cho lễ hội.

   Lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức đồng thời với liên hoan hát then, đàn tính toàn tỉnh nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc Tày-Nùng. Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các vùng miền; khơi dậy, tôn vinh, phát triển các thể loại dân ca, dân vũ và thể thao quần chúng các dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. “Lễ hội cũng là dịp để quảng bá, xúc tiến và thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh; thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới; góp phần tăng cường mối quan hệ láng giềng quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của huyện ngày càng sâu rộng và bền vững”.

   Xin ông cho biết một số kết quả chính của Lễ hội lần này?

   Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể nói, kết quả Lễ hội đã thành công ngoài dự kiến của Ban Tổ chức. Theo đó, Lễ hội thu hút gần 10 nghìn lượt người tham dự và 13 đoàn nghệ thuật quần chúng (13 huyện/thành phố trong tỉnh) cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc về dự liên hoan hát then, đàn tính.

   Lễ hội được chia làm 2 phần chính: Phần lễ được tổ chức tại Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc với các nghi thức như: Rước nước thiêng từ thác Bản Giốc lên Chùa, lễ cầu quốc thái dân an, bày tỏ lòng thành kính, tri ân với những bậc tiền nhân khai quốc, các anh hùng liệt sĩ… Còn về phần hội là chương trình văn nghệ và khai mạc lễ hội với các hoạt động múa rồng, múa lân, các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, sản phẩm du lịch địa phương, giới thiệu ẩm thực đặc sản của địa phương, triển lãm ảnh giới thiệu địa danh, phong cảnh còn nguyên sơ mới được phát hiện… để du khách tìm hiểu, khám phá. Tất cả các hoạt động được tổ chức đồng thời tại nhiều địa điểm trong Khu du lịch thác Bản Giốc.

Vẻ đẹp thác Bản Giốc, Cao Bằng

   Đặc biệt, Lễ hội năm nay còn có Chương trình giao lưu văn hóa quốc tế giữa huyện Trùng Khánh (Việt Nam) với 2 huyện Tịnh Tây, Đại Tân (Trung Quốc) nhằm tăng cường hiểu biết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tăng cường mối đoàn kết hữu nghị giữa hai địa phương biên giới, cũng như giữa hai nước láng giềng.

   Hướng triển khai Lễ hội trong những năm tới như thế nào, thưa ông?

   Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ kết quả thành công của Lễ hội lần này, Ban Tổ chức Lễ hội đề xuất với Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đưa vào kế hoạch của tỉnh để tổ chức Lễ hội thường niên hàng năm của huyện vào tháng 10 (mùa vàng, hạt dẻ) tại thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh.

   Nếu được UBND tỉnh đồng ý đưa vào Chương trình Lễ hội thường niên hàng năm của tỉnh và của huyện, UBND huyện Trùng Khánh sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch để tổ chức Lễ hội mỗi năm đều có nét đặc trưng riêng. Đồng thời là cơ hội xúc tiến quảng bá hình ảnh để du khách biết đến Thác Bản Giốc và các danh lam thắng cảnh, các sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Cao Bằng nói chung và Trùng Khánh nói riêng.

   Với những lợi thế về tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, Trùng Khánh quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong những năm tới và trở thành điểm sáng về phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.

   Thông qua Lễ hội lần này, huyện Trùng Khánh đã có định hướng để phát triển du lịch, khai thác những lợi thế tiềm năng của địa phương trong tương lai?

   Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Định hướng về phát triển du lịch của địa phương bước đầu đã thu được những kết quả nhất định: Công tác quản lý được tăng cường, hoạt động đối ngoại để hợp tác khai thác du lịch được xúc tiến, việc quảng bá du lịch tiếp tục được thực hiện sâu rộng hơn; khách du lịch đến thăm quan tăng mạnh so với các năm trước.

   Mục tiêu xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao tại huyện Trùng Khánh. Từ đó, tiến tới xây dựng thành tuyến tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và trở thành sản phẩm tour du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn cao của du khách. Đồng thời, phát triển du lịch bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội cao gắn với đảm bảo vững chắc an ninh - quốc phòng; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Trùng Khánh. Phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan môi trường góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

   Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho điều kiện khí hậu lý tưởng, phong cảnh thiên nhiên trữ tình như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

   Cách trung tâm huyện Trùng Khánh khoảng 20 km về phía Đông Bắc là thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy. Nơi đây là biên giới tự nhiên của Việt Nam và Trung Quốc. Với độ rộng khoảng 208 m và chiều cao khoản 60 - 70 m, thác Bản Giốc được xếp vào thác nằm trên đường biên giới lớn thứ tư thế giới, sau một số thác nước nổi tiếng như: thác Niagara giữa Canađa và Mỹ; thác Victoria nằm giữa Zambia -Zimbabwe và thác Iguazu giữa Brasil - Argentina.

 

Các nghệ nhân được vinh danh tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ nhất, năm 2017

   Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các điểm tham quan nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm văn hóa - đặc sản địa phương để thu hút du khách.

   Ngoài ra, quan tâm đến công tác quản lý và giám sát môi trường, đặc biệt là việc giữ vệ sinh, môi trường sinh thái, tài nguyên du lịch, không để xảy ra sự cố về ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch.

   Trân trọng cảm ơn ông!

                Đức Trí (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn