18/05/2017
Là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì có những nét văn hóa độc đáo và phong phú, trong đó tiêu biểu là tục cúng Thần rừng của người dân tộc Nùng được bảo tồn trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Lễ cúng Thần rừng vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng bào cắm hương ở gốc cây xung quanh miếu, |
Theo truyền thuyết, xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì đang sống yên bình thì bị quân xâm lược phương Bắc đến chiếm đất đai và của cải. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc họ người Nùng bị thua trận nên phải rút vào các khu rừng rậm để chiến đấu cầm cự với giặc. Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thủ lĩnh của các tộc họ người Nùng là Hoàng Vần Thùng bị lâm bệnh và chết. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh, các tộc họ người Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp là nơi linh thiêng để lập miếu thờ và tôn làm Đổng Trứ (tức là Thần rừng). Từ đấy, cứ vào dịp tháng Giêng hàng năm, các làng người Nùng thuộc các xã trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ vì đã có công hy sinh cứu giúp dân làng. Đây là lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc của người Nùng.
Để chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng, vào buổi sáng sớm trong ngày diễn ra lễ cúng, mỗi hộ gia đình cử một người nam giới mang đồ lễ là những sản vật do chính họ nuôi trồng như gà, vịt, ngan, ngỗng, rau quả... đến khu rừng cấm để đóng góp vào buổi lễ. Lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Thần rừng là một con trâu (cứ 3 năm thì cúng một lần), một con lợn từ 50 kg trở lên, 4 con gà trống, rượu ngọt do chính tay người chủ tế nấu và ướp từ gạo nếp cấy trong những thửa ruộng của làng xã. Bên cạnh đó là hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó. Thầy cúng là người đại diện dân làng khấn mời các thần về dự buổi lễ, cầu mong các thần phù hộ dân làng có một mùa màng tốt tươi, dân làng mạnh khỏe…
Trong không gian linh thiêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia lễ cúng đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, nói bậy, săn bắt thú, làm việc xấu, hoặc đại tiểu tiện trong rừng... Người dân địa phương vẫn còn lưu truyền câu chuyện ly kỳ về những cá nhân đã vi phạm vào điều cấm kỵ bị Thần rừng trừng phạt. Những điều cấm kỵ đó cho dù không được quy định trong các hương ước của thôn bản nhưng mọi người đều biết rất rõ và có ý thức tuân thủ.
Trong lễ cúng Thần rừng có sự ẩn chứa những di vết của việc thần thánh hóa các nhân vật lịch sử và giao thoa với tín ngưỡng nông nghiệp, canh tác nương rẫy của người dân bản địa, coi “rừng là mẹ nuôi sống con người thì con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ rừng”. Thông qua Lễ cúng Thần rừng cũng làm cho nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và nguồn nước được tốt hơn, đồng thời thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng của các tộc họ người Nùng trước một thiên nhiên bao la rộng lớn.
Cùng với việc lưu giữ những giá trị to lớn về tín ngưỡng, lịch sử, Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng còn mang nhiều giá trị về văn hóa bởi ngay sau khi tổ chức xong việc cúng tế thì các trò hội cũng được diễn ra, trong đó không thể thiếu được điệu múa ngựa - điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Nùng. Cùng với ý nghĩa muốn dâng lên Hoàng Vần Thùng những đồ dùng, dụng cụ và phương tiện sinh hoạt hàng ngày thì với những động tác uốn lượn mềm dẻo linh hoạt, hòa trong tiếng nhạc chuông rộn rã cho thấy sự điêu luyện trong nghệ thuật trình diễn và tính độc đáo của các đạo cụ của người Nùng. Qua đó, khiến cho lễ hội cúng rừng trở lên sinh động nhưng không kém phần huyền bí giữa một không gian chốn rừng thiêng mà hàng ngày vốn âm thầm tĩnh lặng.
Như vậy, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa của cư dân nông nghiệp, tục cúng Thần rừng của người Nùng còn mang một ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là ý nghĩa giáo dục nhân dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, BVMT sống xung quanh con người... Với ý nghĩa như vậy, tục cúng rừng của người Nùng ở nước ta nói chung và ở Hà Giang nói riêng là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Nguyễn Thị Nga
Bộ Thông tin và Truyền thông
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017