10/02/2017
Làng Đông Hồ hay còn gọi là Đông Khê (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là làng nghề tranh dân gian đặc sắc, được bảo tồn và lưu giữ hàng trăm năm qua. Từ lâu, tranh Đông Hồ đã đi vào đời sống tinh thần của bao người dân Việt Nam. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, làng nghề luôn nhộn nhịp với cảnh người, xe qua lại tấp nập. Bên cạnh những quầy bán hàng mã, các gia đình còn giữ nghề làm tranh dân gian cũng đang hối hả trạm gỗ, vẽ, in tranh Tết.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện từ thế kỷ XVI, được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh… tranh Đông Hồ là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Được làm bằng phương pháp thủ công, những bức tranh được in bằng bản khắc gỗ và để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, đòi hỏi người vẽ mẫu cũng như người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao.
Tranh Đông Hồ được in trên giấy dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây dó mọc trên rừng giống như vỏ cây bạch đàn. Cây dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ, hoặc nhựa thông có pha bột từ vỏ sò điệp giã nhỏ, tạo màu sáng lấp lánh nên còn được gọi là giấy điệp.
Người làng Đông Hồ đã biết vận dụng, chắt lọc từ những chất liệu thiên nhiên để tạo nên những sắc màu truyền thống vừa tươi, vừa có độ bền màu, như màu xanh da trời được chiết suất từ gỉ đồng; màu chàm được chiết suất từ lá cây chàm ở Lạng Sơn; màu đỏ thắm từ vỏ cây vang; màu đỏ son từ đá sỏi khai thác trên núi; màu vàng từ hoa hòe hay rơm nếp; màu đen từ tro cây xoan hay tro lá cây tre; màu trắng ngà óng ánh sáng điệp là do chất điệp được chế biến từ vỏ ốc hay vỏ sò của vùng biển Quảng Ninh… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn và mỗi màu tương ứng với một bản khắc gỗ.
Cùng sự phát triển thăng trầm của làng nghề Đông Hồ, hiện nay, trong làng chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân theo nghề. Mặc dù, làng nghề đã bị mai một nhiều, nhưng một vài năm gần đây, thị hiếu của người dân dần quay về với yếu tố văn hóa truyền thống, bởi vậy tranh Đông Hồ treo Tết đã trở thành món ăn tinh thần đối với các du khách trong và ngoài nước.
Tại xưởng tranh của gia đình ông Nguyễn Đăng Chế (nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh trong làng) đang tất bật trạm, khắc gỗ, tạo hình, trau truốt từng nét vẽ… để phục vụ nhu cầu hàng Tết. Không giống như ngày trước, tranh Đông Hồ chỉ bán vào dịp Tết, tại 6 phiên chợ trong tháng Chạp, đến nay, tranh Đông Hồ được bán ở tất cả những ngày trong năm. Mỗi ngày, xưởng của ông đón hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước tới tham quan và mua tranh. Năm nay, để chuẩn bị hàng cho hàng Tết tăng cao đột biến, mỗi ngày, gia đình ông Chế in thêm hàng trăm loại tranh. Mỗi khách hàng có những lối chơi tranh riêng: Chúc thọ các cụ cao niên, thường chọn tranh Bát tiên; Cầu mong cho gia đình hạnh phúc, đầy đủ, may mắn chọn tranh “Vinh hoa, phú quý”; tìm hiểu văn hóa nông thôn chọn tranh chăn trâu, thổi sáo. Đặc biệt, người nông dân thường chọn tranh đàn lợn treo ngày Tết với mong muốn cuộc sống no đủ, chăn nuôi phát triển.
Học sinh trải nghiệm làm tranh Đông Hồ do các nghệ nhân hướng dẫn |
Những ai yêu thích tranh Đông Hồ hẳn rất quen thuộc với loại tranh gà: Gà mẹ con, gà đại cát, gà dạ xướng, kê cúc. Theo sử sách xưa kể lại, vào năm 1915, cụ Đám Giác là một nghệ nhân sáng tác nổi tiếng của Đông Hồ, đã vẽ mẫu tranh mới. Với nội dung một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con để mừng đám cưới con cụ Trưởng làng. Bằng ngôn ngữ ước lệ, đàn gà được cách điệu hóa, với hình ảnh sống động như gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc, tạo nên sự nũng nịu; Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên, tạo nên tư thế chủ gia đình, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình. Trên tranh có dòng chữ nôm “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”, một lời chúc thật sâu sắc. Bức tranh còn có ý nghĩa sâu xa: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ngoài tranh truyền thống, các bức tranh về chủ đề hiện đại, bảo vệ biên giới, biển đảo quê hương cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề tranh dân gian Đông Hồ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lập Hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng với đó, các hoạt động vệ sinh, tôn tạo cảnh quan môi trường cũng được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện giúp cho làng nghề tranh Đông Hồ thu hút được nhiều du khách, đời sống người dân ngày càng thịnh vượng.
Nguyễn Xuân Trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017