02/03/2018
Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 20 km, xã Tây Tựu thuộc huyện Từ Liêm là vùng chuyên canh hoa lớn của Thủ đô, với diện tích gần 500 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu bông hoa các loại. Đến làng hoa Tây Tựu những ngày giáp Tết Mậu Tuất, du khách không chỉ được ngắm nhìn những đóa hoa đang tỏa hương thơm ngát mà còn bắt gặp không khí khẩn trương, tất bật của những người nông dân đang chuẩn bị cho mùa hoa Tết. Tất cả hòa quyện thành bức tranh quê rực rỡ sắc màu.
Cúc Tây Tựu có dáng thẳng, đóa lớn, màu vàng óng nên được nhiều người ưa chuộng |
Ở làng hoa Tây Tựu, không khí Xuân dường như đến sớm hơn những nơi khác. Ngay từ đầu tháng Mười Âm lịch, người dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị mùa hoa Tết. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng nhộn nhịp hơn. Nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 90, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa. Nhiều người dân Tây Tựu vẫn nhớ, những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho các loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê... Thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, người dân Tây Tựu chuyển đổi sang trồng hoa. Cứ thế, làng hoa ven đô hình thành rồi phát triển. Hiện tại, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã dùng để trồng hoa, biến nơi đây trở thành vùng đất “trăm hoa đua nở”. Không chỉ cung cấp cho khu vực Hà Nội, hoa Tây Tựu đã mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, phía Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước đây, Tây Tựu chủ yếu trồng hoa hồng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bắt đầu trồng thêm nhiều loại hoa khác như: Ly, loa kèn, cúc, đồng tiền, cẩm chướng… để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Sự phong phú về chủng loại hoa đã giúp cho làng hoa Tây Tựu ngày càng phát triển mạnh và trở thành nơi cung ứng hoa chủ đạo cho toàn TP. Chợ hoa nằm ở 2 bên đường chính dẫn vào làng, chỉ mở vào ngày 14 và 30 Âm lịch hàng tháng. Tuy nhiên, tháng giáp Tết, chợ hoa sẽ mở liên tục từ 20 Âm lịch cho tới hết ngày 30. Trước đây, mọi người thường hay dùng câu “Nhất Mễ Trì, nhì Tây Tựu” để nói về sự khó khăn của vùng đất thuần nông Tây Tựu. Nhưng hiện nay, nhờ chuyên canh và phát triển nhiều loại hoa có giá trị kinh tế cao nên đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, với thu nhập trung bình 550 triệu/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Những ngôi nhà cao tầng khang trang liên tiếp mọc lên, thay thế những ngôi nhà mái bằng cũ. Đặc biệt, nhiều hộ đã vươn lên tiếp cận công nghệ, thị trường, trở thành những ông chủ, bà chủ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động đến từ các vùng lân cận. Nhất là vào dịp Tết đến Xuân về, Tây Tựu thu hút và giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 300 lao động, thu nhập bình quân mỗi người đạt khoảng 80.000-100.000 đồng/người/ngày. Năm 2015, giá trị sản xuất của nghề trồng hoa đạt trên 338 tỷ đồng, chiếm 71,1% tổng giá trị sản xuất của làng, thu hút 70% tổng số lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng/người/năm.
Những năm gần đây, các hộ trồng hoa đã quan tâm tới bảo vệ cảnh quan, môi trường; thực hiện quy định an toàn lao động trong sản xuất; sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng hóa với nhiều chủng loại hoa cao cấp. Nghề trồng hoa đòi hỏi người trồng phải thật sự hiểu biết, có kỹ thuật và có thời gian chăm sóc. Ngoài ra, hoa khó phát triển, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng khi thời tiết thay đổi, dịch bệnh phát sinh. Do vậy, các hợp tác xã ở Tây Tựu đang cố gắng tạo điều kiện cho người nông dân bằng việc đảm bảo cung cấp nước tưới đầy đủ. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng mở các lớp học cho xã viên về mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây hoa.
Với lịch sử gần 100 năm làm nghề, ngày 9/3/2017, UBND quận Bắc Từ Liêm đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của làng nghề truyền thống, khuyến khích, động viên nhân dân địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển nghề của làng, cũng như góp phần tuyên truyền, nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh làng nghề trồng hoa trong phát triển du lịch Tây Tựu nói riêng và quận Bắc Từ Liêm nói chung. Có được thương hiệu riêng, người dân càng thêm gắn bó với nghề, tăng thu nhập cho gia đình, quan trọng hơn là giữ gìn bản sắc của làng nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương.
Hoa Vũ
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018