14/03/2018
Để du lịch phát triển bền vững (PTBV) điều kiện tiên quyết phải xây dựng các chính sách phát triển du lịch (PTDL) gắn với BVMT. Tại Inđônêxia, ngay từ đầu những năm 1990 để đạt được mục tiêu PTDL bền vững, Cục Quản lý tác động môi trường (BAPEDAL) quy định đối với các chương trình du lịch tự nguyện nhằm hướng du lịch PTBV tuân thủ hệ thống quản lý môi trường; tiêu chuẩn môi trường; sản xuất sạch, tiêu dùng xanh và năng suất xanh... Đồng thời, Inđônêxia cũng đã nỗ lực phát triển các chương trình và loại hình du lịch hạn chế việc tác động môi trường. Hiệp hội Du lịch sinh thái Inđônêxia (MEI) cùng các cơ quan Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp lữ hành phát triển các chương trình du lịch chuyên đề nhằm đáp ứng những thị trường khách “cao cấp” hơn, ít tác động với môi trường. Ví dụ như tour quan sát và chụp ảnh đàn khỉ tại Vườn quốc gia (VQG) Gunung Halimum (Tây Java) nhằm hạn chế việc săn bắt khỉ như trước đây. Ngoài ra, nguyên tắc quan trọng để du lịch phát triển theo hướng bền vững là PTDL gắn với cộng đồng, nhằm giúp cho cộng đồng có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tại VQG Gunung Halimun đã thành lập tổ chức cộng đồng địa phương (KSM). KSM có Hội đồng các ủy viên (bao gồm đại diện làng nghề, cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, đại diện VQG). Trong đó, Ban điều hành gồm: Lãnh đạo, thư ký, thủ quỹ… cùng hướng tới mục tiêu, nhu cầu của cộng đồng địa phương. Các khoản thu thuộc về KSM được giám sát chặt chẽ và được sử dụng để bảo vệ rừng quốc gia và lợi ích cho cộng đồng địa phương...
Ôxtrâylia là quốc gia rất thành công trong việc phát triển các chương trình du lich sinh thái không tiêu dùng tài nguyên
Tại Ôxtrâylia, Chính phủ đã ủy thác cho Tổ chức Bảo tồn đưa ra các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm thiểu chất thải nhằm phổ biến thông tin đến du khách. Những thông tin được Cục du lịch Ôxtrâylia phát hành bao gồm sách, băng hình… phổ biến đến từng cơ sở kinh doanh du lịch trong cả nước. Trong đó, sách có nội dung về tiết kiệm năng lượng, kế hoạch sử dụng vật liệu tái sinh, giảm nước tiêu dùng và cổ động ý thức BVMT của cơ sở kinh doanh, du khách cũng như cộng đồng dân cư. Đoạn phim dài khoảng 5 phút giới thiệu đôi nét cơ bản cho du khách về du lịch của Ôxtrâylia và những việc cần thiết phải thực hiện để bảo tồn môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, Ôxtrâylia là quốc gia rất thành công trong việc phát triển các chương trình du lich sinh thái không tiêu dùng tài nguyên. Tại Queensland, đã phát triển chương trình chuyên đề Birdwatching (quan sát chim), trong đó chỉ cho phép du khách quan sát và chụp ảnh các loài chim từ xa. Chương trình đã thu hút lượng lớn khách tham gia. Công tác giáo dục môi trường cho du lịch ngày nay được nhiều quốc gia rất quan tâm. Không chỉ dừng lại ở du khách và cộng đồng cư dân địa phương mà còn phải tiến hành cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp và đối tượng kinh doanh du lịch tại các điểm khai thác tài nguyên. Tại nhiều vùng ở, Canađa, Áo… cũng thường tổ chức tập huấn về môi trường cho các đối tượng trên tại các vùng, các điểm tài nguyên đa dạng.
Vẻ đẹp của đảo Phuket, Thái Lan thu hút du khách quốc tế
Tại Thái Lan, Cục Du lịch (TAT) đã soạn thảo một kế hoạch tổng thể PTDL trên toàn quốc, gắn với bảo tồn môi trường nhằm làm cơ sở để xây dựng chiến lược PTDL bền vững. Trong đó, du lịch sinh thái đã trở thành một loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Hiện Thái Lan có 79 VQG cùng với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và nơi sinh sống của các loại thú quý hiếm. Tại các VQG ở phía Bắc, Trekking là một loại hình du lịch phổ biến, trong khi đó tại các VQG ở phía Nam thì lặn và tham quan dưới nước. Ngoài ra, khám phá hang động là một loại hình du lịch được nhiều du khách ưa thích. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã ban hành lệnh cấm dịch vụ du lịch trên một số hòn đảo hút du khách nổi tiếng như Koh Khai Nok, Koh Khai Nui, Koh Khai Nai, Koh Tachai… nơi diễn ra việc xây dựng ồ ạt dẫn tới hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm. Lệnh cấm này cũng hạn chế tối đa việc du khách lặn biển, ngắm san hô vốn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là trên các rặng san hô. Thái Lan hy vọng lệnh cấm này góp phần mở ra những tour du lịch thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, trên thế giới hiện nay nhiều nước đã áp dụng việc xây dựng các “mô hình thiết lập cơ sở các khuôn khổ quản lý”. Mô hình này chỉ rõ các vùng được bảo vệ, sức chứa của điểm tài nguyên cũng như các yêu cầu của việc tổ chức hoạt động du lịch không làm phá vỡ hệ sinh thái và môi trường khu vực như “hệ thống các giới hạn có thể thay đổi được” (LAC) được diễn ra ở Mỹ. Bên cạnh đó, còn có “hệ thống quản lý du lịch lựa chọn” (TOMM) ở Ôxtrâylia. Cả LAC và TOMM là một phương pháp quản lý được lập để giám sát và quản lý hoạt động du lịch ở các điểm tài nguyên. Nó là một quy trình mở hướng tới duy trì những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển du lịch gắn với quản lý tài nguyên và môi trường. Song song với công tác này, một hệ thống giám sát được triển khai nhằm hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, việc tạo cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành được rất nhiều nước quan tâm.
Tại Việt Nam, BVMT du lịch đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn ngành Du lịch. Thực tế thời gian qua cho thấy, ngành Du lịch đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về BVMT du lịch;Triển khai nhiều phương thức hiệu quả như Chiến dịch làm sạch môi trường tại nhiều điểm đến du lịch với sự tham gia của đông đảo sinh viên, người dân và du khách; Phát động chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt; Ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch… Những hành động này đã phát huy hiệu quả tích cực, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Hy vọng, du lịch Việt Nam sẽ nghiên cứu, lựa chọn những mô hình, kinh nghiệm phù hợp trên thế giới để có thể áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả cho công tác BVMT du lịch, từ đó sẽ xây dựng môi trường ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc cho du lịch phát triển.
Nguyễn Xuân Thắng
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018