03/10/2016
Tỉnh Lạng Sơn có 7 dân tộc sinh sống, trong đó người Tày chiếm 35,92%, còn lại là người Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay và H’Mông. Với những thuận lợi của cảnh quan vùng thung lũng nên từ bao đời nay người Tày đã khai thác đất đai thành ruộng trồng lúa nước. Tuy nhiên, để đảm bảo lương thực cho gia đình, người Tày đã thay đổi giống lúa, hoàn thiện hệ thống tưới nước nhằm thâm canh tăng vụ và làm thêm nương rẫy. Đặc biệt, người Tày còn tận dụng nguồn nước để “dẫn thủy nhập điền” bằng cách làm hệ thống mương. Vì vậy, người Tày đã hình thành nên những kiến thức truyền thống (KTTT) phong phú, đa dạng, đặc biệt là những tri thức trong việc bảo vệ đất, giữ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Họp bầu các tổ làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ rừng theo hương ước tại Thôn bản Lễ, xã Xuân Lễ (Lạng Sơn)
KTTT của người Tày trong bảo vệ tài nguyên đất, nước và môi trường
Bảo vệ tài nguyên đất: Trải qua nhiều thế hệ, người Tày đã tích lũy kinh nghiệm trong việc bảo vệ độ màu mỡ cho đất trồng lúa. Đối với ruộng trũng, người Tày thường làm tăng độ mùn cho đất ruộng bằng cách cày ải trước khi trồng lúa, sau đó rải phân xanh trên ruộng và dùng trâu bừa đều. Họ ủ phân xanh bằng lá xoan và cây mọc hoang. Ở những chân ruộng sâu, đất chua, người Tày bón thúc bằng vôi để khử chua. Còn với ruộng bậc thang, người Tày làm bờ ruộng chừng 30 - 40cm, trồng cỏ lên trên. Bờ cỏ có tác dụng bảo vệ đất, khi trời mưa to không bị sạt lở. Đối với ruộng cạn, người Tày trồng những cây vừa chịu được hạn, vừa giữ được độ ẩm cho đất như sắn, ngô, đậu nành. Đối với đất vườn, người Tày triển khai các mô hình kết hợp trồng cây ăn quả, lấy gỗ và công nghiệp, mang lại kinh tế cao.
Ngoài ra, người Tày còn áp dụng hỏa canh để khai thác đất rừng làm rẫy, bằng cách đốt cây cỏ và lá khô thành tro, tạo thành nguồn dinh dưỡng cho đất. Để đốt nương, rẫy không gây cháy rừng, người Tày đã phát quang một đường biên xung quanh, có chiều rộng từ 2 - 3m ngăn cách không cho lửa cháy bén vào rừng. Về phòng trừ sâu bệnh, người Tày dùng lá xoan băm nhỏ rồi trộn với tro bếp để rải đều ra ruộng, hoặc dùng nước măng chua trộn với bã dầu vẩy vào lúa khi có sâu bệnh, không dùng thuốc hóa học.
Bảo vệ tài nguyên nước: Theo quan niệm của người Tày, nguồn nước sạch rất quan trọng, vì vậy, họ dùng các ống tre để dẫn nước nhằm tiết kiệm và không làm ô nhiễm nguồn nước. Đối với nước sinh hoạt hàng ngày để phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, do liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nên người Tày chọn những khe nước lớn từ đầu nguồn, từ trên cao, dẫn về gia đình.
Nước dùng để sản xuất nông nghiệp, người Tày be bờ, đắp đập ngăn nước tạo thành phai nước, rồi họ khơi những con mương, con lạch nhỏ chạy ven sườn đồi dẫn nước vào ruộng. Bên cạnh đó, họ còn đưa nước lên ruộng cao bằng cách làm guồng nước và chặn dòng chảy của các con suối để dòng chảy mạnh hơn.
BVMT và tài nguyên rừng thông qua hương ước thôn, bản: Qua quá trình sống gắn bó lâu đời với núi rừng, người Tày đã tích lũy được các kiến thức và kinh nghiệm bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thể hiện trong các hương ước. Bản hương ước có 2 phần gồm trách nghiệm của người dân đối với BVMT; chế tài xử phạt nếu không tuân thủ các quy định về BVMT.
Theo đó, hương ước định rõ trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và khai thác rừng như: Không chăn thả gia súc vào rừng; săn, bắt, bẫy… động vật trong rừng; Trong mùa hanh khô, các cá nhân, hộ gia đình và chủ rừng chủ động làm đường băng cản lửa những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng ở các khu rừng tự nhiên, rừng trồng; Việc canh tác nương rẫy trong rừng, ven rừng phải tuân thủ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của trưởng thôn, cán bộ lâm nghiệp và kiểm lâm trên địa bàn; Khi chủ rừng khai thác rừng đã đến tuổi khai thác thì chủ rừng phải làm đơn xin phép khai thác và thống kế số cây, diện tích, khối lượng cần chặt hạ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác. Về BVMT, các hộ gia đình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt không xả rác, phế thải, nước thải chưa qua xử lý ra nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Các hộ gia đình ở trên địa bàn thôn phải có công trình vệ sinh (hố tiêu, nhà xí) sạch sẽ, kín đáo. Giếng, bể nước, nhà tắm… hợp vệ sinh. Các xác chết động vật phải được chôn lấp, không vứt bừa bãi trên nguồn nước làm ô nhiễm môi trường.
Đối với chế tài xử phạt, hương ước quy định rõ các hình phạt bắt buốc đối với hành vi vi phạm “Nếu cá nhân, hộ gia đình, tổ chức nào vi phạm về bảo vệ rừng và môi trường bị phê bình nhắc nhở trước cuộc họp toàn dân và lập biên bản gửi cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Vi phạm lần đầu và lỗi nhẹ được phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thể nhân dân của thôn; Vi phạm từ lần thứ hai trở lên, trên cơ sở thảo luận thống nhất trong tập thể cộng đồng thì kiểm điểm trước hội nghị nhân dân; không được bình xét công nhận “Gia đình văn hóa” (nếu là hộ gia đình) và phải đóng góp vào quỹ chung của thôn tối đa không quá 40.000 đồng hoạt phạt ngày công lao động làm các việc cho thôn như phát quang đường làng, ngõ xóm, quyét dọn nhà văn hóa thôn…”. Như vậy, hương ước quy định 2 hình phạt: theo quy định của thôn và theo quy định của pháp luật.
Bà Hà Thị Lỵ (thôn Khe Mò, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập) là người sở hữu nhiều bài thuốc quý từ thảo mộc địa phương
Đề xuất một số giải pháp
Sử dụng KTTT trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên của người Tày đã mang lại hiệu quả cao trong công tác BVMT. Ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, bê tông hóa kênh mương đến từng thôn bản, nhưng KTTT của người Tày trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên đất và nước vẫn còn nguyên giá trị. Điều này không những góp phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của đồng bào mà còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện pháp luật của nhà nước trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở các tỉnh miền núi.
Để giúp người dân cải thiện được đời sống đồng thời tham gia bảo vệ rừng, BVMT dựa vào những KTTT cần có các giải pháp để hỗ trợ phát triển cho người dân, cụ thể: Cần tiếp tục nghiên cứu và tư liệu hóa các kiến thức sử dụng, quản lý tài nguyên rừng để lồng ghép những KTTT phù hợp vào trong các hoạt động nhằm đạt mục tiêu bảo tồn bền vững; Khuyến khích và phát huy cơ chế quản lý hiện tại của thôn, xây dựng hương ước thôn bản và lưu giữ thành văn bản; Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, khoanh nuôi bảo vệ và khai thác bền vững các loài thực vật lâm sản ngoài gỗ dựa trên việc vận dụng các kiến thức bản địa có sự kết hợp với kiến thức khoa học hiện đại; Kết hợp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người Tày với việc sử dụng các kiến thức khai thác, sử dụng hợp lý và quản lý bền vững tài nguyên rừng; Khôi phục và phát triển nghề thủ công tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân từ các sản phẩm văn hóa truyền thống…
Nguyễn Thanh Thủy, Cao Thị Thanh Nga
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số tháng 9/2016)