Banner trang chủ

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

23/02/2016

   Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm Hà Nội 700 km theo hướng Tây Bắc, có tổng diện tích khoảng 310.262 ha, bao gồm 10 xã biên giới huyện Mường Nhé. Với hệ sinh thái (HST) rừng phong phú, nằm tiếp giáp giữa ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, KBT Mường Nhé được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao vào loại nhất, nhì vùng Tây Bắc và là địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Vì vậy, việc bảo tồn KBT có ý nghĩa rất quan trọng cả về HST lẫn rừng phòng hộ sông Đà.

Ban quản lý KBTTN Mường Nhé thường xuyên thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng

   Hiện KBT có gần 118.000 ha đất rừng tự nhiên với nhiều cánh rừng nguyên sinh, độ che phủ lên tới 43%, từ trên cao nhìn xuống, phong cảnh núi rừng Mường Nhé như một bức tranh sống động. Pha lẫn trong màu xanh của cây rừng, màu vàng rực của hoa cúc quỳ, màu vàng đỏ của những đoạn đường đất là những nếp nhà sàn, nhà lá nằm rải rác hai bên đường, ven suối và trong cả những tán cây rậm rạp. Thấp thoáng phía xa là những ngọn núi nhấp nhô, lượn sóng, nối tiếp nhau cùng chạy đua dưới ánh nắng mặt trời. Hệ thực vật rừng trong KBT khá đa dạng với khoảng 308 loài, trong đó có khoảng 31 loài nguy cấp, quý, hiếm, vừa có giá trị sử dụng, vừa là đối tượng nghiên cứu khoa học, tiêu biểu như các loài chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu, trầm hương... Về động vật, Mường Nhé là nơi cư trú của 66 loài động vật quý, hiếm, trong đó phải kể đến rùa đá, voi, bò tót, gấu chó, hổ, báo, sói đỏ, tê tê, cầy hương, mèo rừng và 3 loài bướm thuộc bộ côn trùng, họ bướm phượng mới được bổ sung cùng một số loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, nhiều tài liệu nghiên cứu còn cho thấy, vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, KBTTN Mường Nhé còn có khoảng 200 con voi, 300 con bò tót, 35 loài bò sát, 59 loài thú khác và 270 loài chim.

   Những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường Nhé, Ban quản lý KBTTN Mường Nhé đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH. Cụ thể, Ban quản lý KBT đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm về tình trạng phá rừng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã; Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa phận được giao quản lý. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cán bộ kiểm lâm đã phát hiện, ngăn chăn được nhiều vụ khai thác gỗ và phát rừng làm nương, rẫy trái phép; Phối kết hợp với UBND 5 xã vùng đệm và các lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH cho 3.673 người dân; Mở lớp tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật môi trường tại 5 xã Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè, Sín Thầu, Leng Su Sìn, thu hút sự tham gia của 400 học viên là thành viên các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các trạm quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng (QLBVRĐD) đã chủ động tham mưu cho UBND các xã vùng đệm kiện toàn 5 Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cấp xã với 86 thành viên và 26 tổ, đội PCCCR cấp thôn, bản với 298 thành viên, thực hiện trực cháy 24/24 giờ. Trong năm 2015, KBTTN Mường Nhé đã xảy ra 12 điểm cháy rừng và Kiểm lâm địa bàn các trạm QLBVRĐD đã phối hợp với UBND các xã, lực lượng đứng chân trên địa bàn kiểm tra, xác minh được 12/12 điểm cháy. Công tác quản lý lâm sản cũng được quan tâm thực hiện, đầu năm 2015, cán bộ kiểm lâm KBT đã phát hiện 1 vụ vi phạm về hành vi xây dựng lán, trại trái phép tại Tiểu khu 84 và đã tiến hành tháo dỡ, di dời ra khỏi vùng lõi KBT. Tháng 8/2015, lực lượng Kiểm lâm xã Leng Su Sìn đã phát hiện, ngăn chặn, trục xuất ra khỏi KBT 9 đối tượng vào rừng lấy măng...

   Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý KBTTN thực hiện ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường theo giai đoạn 5 năm, từ 2014 - 2018 với tổng diện tích đáp ứng được yêu cầu chi trả là 30.984,51 ha/45.132,13 ha đất lâm nghiệp được giao.

   Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH tại KBTTN Mường Nhé cũng còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được nhu cầu; Đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao; Tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép ở một số xã vùng đệm vẫn đang diễn ra thuờng xuyên... 

   Trong thời gian tới, Ban quản lý KBT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH cho người dân sống trong vùng đệm KBT; Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS vào công tác điều tra, giám sát ĐDSH; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời, có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại KBT, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao; Tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn; Tăng cường các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn ĐDSH, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm...

   Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, yếu tố tiên quyết là phải sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đệm, vùng lân cận, sớm dịch chuyển các hộ gia đình, cá nhân hiện đang sinh sống, sản xuất và chăn thả gia súc trong vùng lõi KBT ra ngoài vùng đệm. Mặt khác, cần bổ sung đủ biên chế và tăng cường nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR, nghiên cứu khoa học và bảo tồn ĐDSH. Do vậy, Ban quản lý KBT kiến nghị Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF) sớm đưa KBTTN Mường Nhé vào danh sách các KBTTN, vườn quốc gia được nhận tài trợ thực hiện các dự án nhỏ; Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên tạo điều kiện cho cán bộ công chức Hạt kiểm lâm KBT được tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH; UBND tỉnh Điện Biên và các Sở, ngành có liên quan bố trí nguồn kinh phí để thực hiện dự án Quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hạ tầng KBTTN Mường Nhé; UBND huyện Mường Nhé sớm di dời 13 hộ dân ở điểm Nậm Kè nọi, bản Huổi Thanh 1, nằm trong vùng lõi KBT theo diện đề án sắp xếp ổn định dân cư theo đề án 79 ở xã Nậm Kè ra ngoài vùng đệm… nhằm phát triển bền vững để bảo tồn HST rừng thiên nhiên quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái và phục vụ nghiên cứu khoa học theo định hướng của tỉnh và Trung ương.

Ý kiến của bạn