13/11/2017
Hà Giang là tỉnh có tài nguyên nước (TNN) phong phú, do lượng mưa trung bình hàng năm lớn, trên 4.800 mm, với nhiều sông lớn chảy qua như: Sông Lô, Gâm, Chảy, Nho Quế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên nguồn nước nhiều nơi bị cạn kiệt. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Các nguồn gây ô nhiễm nước
Hiện nay, sự gia tăng dân số cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt đã tác động tới chất lượng môi trường nước của tỉnh Hà Giang. Theo Báo cáo Hiện trạng tổng thể môi trường tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, tốc độ đô thị hóa cao kéo theo sự gia tăng dân số ở khu vực thành thị đã làm gia tăng lượng nước thải sinh hoạt (từ 112.655 người, năm 2011 lên 118.792 người, năm 2015). Tính trung bình, mỗi người dân sử dụng từ 110 -120 lít nước/ngày đêm, với lượng thải ra bằng 90% lượng sử dụng thì lưu lượng nước thải sinh hoạt toàn tỉnh khoảng từ 78.400 - 85.500 m3/ngày đêm. Trong khi hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải chưa phát triển tương ứng đã làm gia tăng ô nhiễm nước. Hiện tại, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ), thị trấn Yên Minh (huyện Yên Minh) đang triển khai xây dựng, còn các địa phương khác chưa được đầu tư. Do đó, nước thải sinh hoạt không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Nước thải sinh hoạt có chứa hàm lượng lớn các chất hữu cơ (BOD, COD), dinh dưỡng (nitơ, phốtpho), nhiều vi khuẩn gây bệnh và chất tẩy rửa nên khi các kênh mương, ao hồ sẽ hủy hoại đời sống của các loài sinh vật thủy sinh, làm mất cân bằng môi trường nước.
Cùng với đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh nhiều chất thải rắn, lỏng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước. Trong đó, khai thác và chế biến khoáng sản là ngành thải ra nhiều nước thải nhất, với độ đục, hàm lượng TSS, COD, kim loại nặng cao. Ngoài ra, nước thải của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chứa nhiều hóa chất độc hại, phóng xạ, tác nhân gây bệnh có khả năng lây nhiễm cao như samonella, coliform, tụ cầu, liên cầu… thải vào hệ thống thoát nước chung, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đặc biệt là nước sinh hoạt. Theo kết quả kiểm tra năm 2015, tổng lượng nước thải y tế của 15 bệnh viện trên địa bàn khoảng 350 m3/ngày đêm. Hiện nay, chỉ có một số bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, bao gồm: Đa khoa Hà Giang, Bắc Quang, Vị Xuyên và Quản Bạ, Mèo Vạc, Quang Bình, Lao và bệnh Phổi, Y dược Cổ truyền. Tuy nhiên, hiệu suất xử lý nước thải không cao do hệ thống thoát nước không thu được triệt để các nguồn nước thải, không được vận hành liên tục theo đúng quy trình.
Ngoài ra, để tăng năng suất cây trồng, người dân đã sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Sự tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong đất do quá trình canh tác cũng là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nước các thủy vực. Hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm của các địa phương trong tỉnh cũng phát sinh lượng lớn chất thải rắn và nước thải.
Đặc biệt, việc xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn cũng tác động trực tiếp đến nguồn nước. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tỉnh Hà Giang đã quy hoạch 48 dự án thủy điện với tổng công suất 774,8 MW, hiện có 22 nhà máy thủy điện đã hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành và 4 nhà máy đang triển khai xây dựng (Nho Quế 2, Bắc Mê, Thuận Hòa, Nậm Ly 1). Khi tiến hành xây dựng nhà máy thủy điện, đất đá thải không được xử lý triệt để làm tăng độ đục các dòng sông, gây bồi lắng phía hạ lưu và thay đổi chế độ dòng chảy, giảm khả năng tự làm sạch và tăng khả năng bồi lắng lòng hồ, sông.
Những năm gần đây, sự gia tăng của BĐKH, ảnh hưởng đến TNN, làm thay đổi chế độ thủy văn, lượng mưa các mùa. Lượng mưa vào mùa khô giảm gây ra những xung đột về nguồn nước tưới và sinh hoạt. Mặt khác, lượng mưa gia tăng vào mùa mưa gây ra lũ quét, sạt lở, thiệt hại lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Mặc dù lượng mưa hàng năm có xu hướng tăng nhưng chủ yếu tập trung vào 1-2 tháng trong mùa mưa. Ở khu vực núi đá cao, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh kết hợp với chế độ nhiệt ẩm biến động phức tạp, tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn.
Các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang tác động trực tiếp đến nguồn nước, làm giảm khả năng tự làm sạch của lòng hồ, sông |
Các giải pháp bảo vệ TNN thích ứng với BĐKH
Để bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn TNN thích ứng với BĐKH, tỉnh Hà Giang đã đề ra một số giải pháp như:
Thứ nhất, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong quản lý, bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt, cân bằng nguồn nước; Quản lý cấp phép khoan giếng, khai thác nước các giếng đúng quy định; Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, hạn chế khai thác và các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; Điều tra, đánh giá thực trạng trữ lượng nguồn TNN các giếng khoan phục vụ cho việc lập dự án khai thác, sử dụng nước giếng khoan trên địa bàn tỉnh…
Thứ hai, nghiên cứu các giải pháp tích trữ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn phù hợp với điều kiện tự nhiên như xây dựng các công trình đập trữ nước, hồ treo, hệ thống thủy lợi dẫn nước về tới các làng bản. Thực hiện việc lồng gép quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển với phương châm phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.
Thứ ba, tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thông qua việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Bình Vàng, Cụm công nghiệp Nam Quang; Trạm xử lý nước thải tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy…
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động quan trắc để giám sát chất lượng nước trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những điểm ô nhiễm môi trường nước. Công khai các thông tin về cơ sở gây ô nhiễm và nguồn nước bị ô nhiễm, phát huy sức mạnh cộng đồng trong theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ nguồn nước.
Thứ năm, tăng cường thực hiện các dự án về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm tăng tác dụng phòng hộ và khả năng cung cấp nước cho các sông, suối.
Thứ sáu, đánh giá hiện trạng và xác định khả năng ứng phó với BĐKH của các hệ thống công trình thủy lợi. Kịp thời dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan, đồng thời đảm bảo mục tiêu đặc biệt riêng của từng địa phương trong khu vực.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Địa lý nhân văn
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017