08/02/2017
Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi hội tụ của nhiều loại động, thực vật quý hiếm cùng với những đặc trưng về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học (ĐDSH). Đặc biệt, ở Phong Nha - Kẻ Bàng còn tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi, trong đó có quần thể bách xanh được xác định là loài mới, đặc hữu trên núi đá vôi và được coi là kiểu rừng duy nhất trên thế giới.
Bách xanh ở Phong Nha - Kẻ Bàng là loài cây quý hiếm và duy nhất ở Việt Nam trên núi đá vôi |
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích 123.326 ha, với độ che phủ rừng lên đến 93,6%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh trên 83,7%, là một trong 200 trung tâm ĐDSH của thế giới. Điều kiện tự nhiên và sự phong phú của địa chất, địa mạo đã tạo cho Phong Nha - Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật. Đặc biệt, Phong Nha - Kẻ Bàng còn tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 m với diện tích 22.500 ha. Đây được đánh giá là kiểu rừng độc đáo ở Việt Nam và trên thế giới.
Trong quần thể này, nổi bật là khu rừng bách xanh núi đá. Quần thể bách xanh được phát hiện năm 2004, trong một chuyến khảo sát của GS. Leonid Averyanov (Viện thực vật Khamarop, Nga), GS. Phan Kế Lộc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam) và một số cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Những công bố sau chuyến khảo sát về quần thể bách xanh trên núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng đã làm chấn động giới thực vật học thế giới, bởi thời điểm đó các nhà khoa học chỉ biết đến bách xanh núi đất, hoặc một vài cá thể bách xanh núi đá, chưa ghi nhận cả một quần thể bách xanh núi đá lên đến hàng nghìn ha như ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Những ghi nhận ban đầu của các nhà khoa học cho thấy, quần thể bách xanh núi đá ở Phong Nha - Kẻ Bàng phân bố trên diện tích hơn 5.000 ha, trong đó có hơn 2.000 ha phân bố dày với khoảng 600 cây/ha. Chúng sinh sống trên đỉnh những khối núi đá vôi cao từ 700 - 1.000 m. Đặc biệt, quần thể bách xanh này có độ tuổi trên 500 năm, chiều cao hơn 30 m, đường kính nhiều cây lên đến 2 m.
Quần thể bách xanh núi đá này có giá trị về nghiên cứu khoa học. Ở trên đỉnh những khối núi đá vôi khô cằn không cây gì sống được thì lại là nơi đắc địa của bách xanh. Chúng hấp thụ linh khí của trời đất để sinh trưởng và phát triển. Đối với người bản địa, bách xanh là “vật thiêng”, biểu tượng của sự vững chãi và trường tồn.
Cũng tại quần thể này, các nhà khoa học đã tìm thấy 3 loài lan hài quý hiếm gồm lan hài xanh, lan hài đốm và lan hài xoắn. Loài lan này mang vẻ đẹp kiêu sa và giá trị kinh tế cao. Những loài này nằm trong Sách đỏ thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, loài lan này được phát hiện từ năm 1922, nhưng sau đó mất tích, đến năm 1995 thì xuất hiện ở Khánh Hòa và Cao Bằng. Tuy nhiên, sau 2 tháng xuất hiện, loài lan hài trên đã bị biến mất do giới buôn lan săn lùng để bán, từ đó được cho là tuyệt chủng ở Việt Nam.
Quần thể bách xanh núi đá lớn chưa từng thấy này là tài sản vô giá không chỉ của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng mà còn của thế giới. Hiện quần thể bách xanh đang được bảo vệ nghiêm ngặt với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về đặc tính sinh thái, trữ lượng, vùng phân bố. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu quy trình nhân giống, thử nghiệm mô hình trồng rừng và bảo tồn nguyên vẹn quần thể bách xanh hiện có… Việc bảo tồn loài bách xanh ở Phong Nha - Kẻ Bàng là yêu cầu cấp thiết và ưu tiên hàng đầu trong chiến lược bảo tồn của Việt Nam
Đỗ Huyền
Nguồn: Bái đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017