03/10/2018
Nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc có địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư sống rải rác nhiều nơi, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức. Song, với sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong toàn huyện, với quan điểm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 7 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả đáng nghi nhận, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Không chỉ có những con đường mới mở vượt núi, những tuyến đường nội thôn được bê tông hóa mà nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cũng đang mang đến cho đồng bào biên cương cuộc sống ấm no.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, huyện đã giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và khối đoàn thể phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của các xã tổ chức tuyên truyền, phát động nhiều phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020”; “5 không, 3 sạch”; “Xanh - Sạch - Đẹp”; “Thanh niên khởi nghiệp”; “Nông dân dạy nông dân làm kinh tế”; “Hộ gia đình Cựu chiến binh đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn an ninh nông thôn”… Đến nay, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền được 1.504 đợt với 109.624 lượt người tham gia; quyên góp được trên 2 tỷ đồng; huy động người dân tự nguyện hiến 133.226 m2 đất; đóng góp 64.561 ngày công lao động; mở mới, nâng cấp 214,8 km đường trục thôn, liên thôn... Riêng năm 2017, thông qua thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng, huyện đã tổ chức 28 lượt ra quân chung sức xây dựng NTM với 3.500 người tham gia; quyên góp được 108 triệu đồng tiền mặt; huy động người dân hiến trên 26.700 m2 đất; đóng góp trên 11 nghìn ngày công để xây dựng 24,8 km, mở mới trên 13 km và nâng cấp trên 48 km đường trục thôn, liên thôn. Qua đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng phát triển, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện.
Người dân thôn Thâm Noong, xã Tát Ngà làm đường bê tông theo Đề án 1 triệu tấn xi măng
Bên cạnh đó, triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đã chuyển đổi 50 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa; hỗ trợ 5 gia trại chăn nuôi quy mô 50 con lợn thịt và lợn nái sinh sản; thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 404 con gia súc. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc mở lớp hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt cho trên 1.500 học viên; lồng ghép với các buổi họp thôn để tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 15.550 lượt người; tiến hành trồng khảo nghiệm các mô hình giống ngô mới; hỗ trợ các xã phát triển một số sản phẩm hàng hóa như gạo Khẩu Mang, thịt bò khô và sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, dệt may mặc... Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phục vụ du lịch gắn với bảo tồn Cao nguyên đá Đồng Văn; vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có chuyên môn, trách nhiệm, phương pháp tuyên truyền để người dân hiểu rõ được mục đích của việc xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện với cấp ủy, chính quyền cấp xã trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ đến tận người dân. Các xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng và phát huy vai trò, trách nhiệm của Trưởng thôn, người dân trong kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM, qua đó phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo cũng như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Từ việc thực hiện các giải pháp đồng bộ trong xây dựng NTM, đến nay, huyện Mèo Vạc đã có 3 xã đạt 9/19 tiêu chí; 4 xã đạt 8 tiêu chí; 7 xã đạt 7 tiêu chí; 2 xã đạt 6 tiêu chí; 1 xã đạt 5 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2018, có 4 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 13 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; thu nhập bình quân toàn huyện đạt 16,27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6%/năm; tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 98%; hoàn thành trên 53 km đường bê tông theo Đề án 1 triệu tấn xi - măng, với tổng mức đầu tư khoảng 31,2 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trên cơ sở ưu tiên cho các xã điểm xây dựng NTM; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao vào sản xuất; đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào thế mạnh của địa phương để sản xuất theo quy mô hàng hóa...
Nguyễn Ngọc Hải
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)