Banner trang chủ

Hiệu quả từ mô hình bảo vệ và phát triển rừng tại Bắc Hướng Hóa

08/03/2019

     Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đạt được những kết quả tích cực. Có được kết quả đó là nhờ tinh thần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý (BQL) KBTTN, sự hỗ trợ của lực lượng biên phòng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân các xã trong vùng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các Sở, ngành, BQL kiểm tra

công tác bảo vệ rừng tại KBTTN Bắc Hướng Hóa, ngày 18/4/2018

 

     KBTTN Bắc Hướng Hóa được thành lập theo Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 7/7/2010 của UBND tỉnh Quảng Trị, có diện tích 23.456,7 ha, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị), phía Đông giáp các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đắkrông, phía Tây giáp Lào. Hệ sinh thái chủ yếu của KBTTN là rừng kín, mưa ẩm nhiệt đới, có độ cao dưới 600 - 800 m. Đặc biệt độ che phủ của rừng lên đến 93,2%, trong đó rừng nguyên sinh chiếm gần 70%, thuộc nhóm có độ che phủ rừng cao nhất nước. Trong tổng số 23.456,7 ha của KBTTN có 22.215,5 ha đất có rừng (rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn với 21.976,71 ha rừng tự nhiên, rừng trồng chỉ có 238 ha). Về hệ thực vật của Khu BTTN, có 1.124 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 548 chi và 138 họ của 5 ngành thực vật, trong đó 36 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ động vật có 109 loài thú thuộc 30 họ của 10 hộ, 206 loài chim thuộc 49 họ của 12 bộ và 61 loài bò sát ếch nhái, 11 loài được ghi nhận trong Sách đỏ thế giới tiêu biểu như sao la, mang lớn mang Trường Sơn, voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu...

     Phát huy vai trò của người dân trong công tác bảo vệ rừng

     Nhận thấy giá trị ĐDSH của KBTTN, những năm qua, BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển rừng tự nhiên và bảo vệ các nguồn gen quý hiếm như thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác bảo vệ với các đồn biên phòng và chính quyền các xã, đặc biệt là thực hiện các chính sách gắn trách nhiệm, lợi ích của người dân với rừng. Bên cạnh đó, BQL đã tích cực triển khai các hoạt động giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng đến người dân trong khu vực, từng bước đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ loại hình du lịch khám phá thiên  nhiên, du lịch sinh thái. Đến nay, đã xây dựng tuyến đường tuần tra rừng kết hợp du lịch sinh thái trên đỉnh Sa Mù, đóng bảng tên một số loài cây, trưng bày tiêu bản mẫu thực vật tại phòng truyền thống…

     Thông qua buổi họp dân tại các thôn, bản, BQL đã lồng ghép các chương trình tuyên truyền về lợi ích của việc bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH. Qua đó, người dân được nâng cao ý thức giữ rừng, kỹ năng phát triển sinh kế, ngược lại, BQL cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH, BQL đã tiến hành giao khoán cho 104 hộ gia đình ở các xã: Hướng Lập, Hướng Sơn và Hướng Linh gần 10 nghìn ha rừng tự nhiên. Các hộ thành lập nhóm cùng nhau có ý thức bảo vệ và được hưởng lợi (năm 2017, số tiền thanh toán khoán bảo vệ hơn 2,1 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được chi trả hơn 40 triệu đồng). Bên cạnh đó, Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được triển khai tích cực trong cộng đồng dân cư và đem lại những lợi ích thiết thực. Nhiều người dân trước đây đã từng khai thác trái phép lâm thổ sản, đốt nương làm rẫy… thì giờ đã tham gia bảo vệ rừng. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, đào ao, tận dụng nguồn nước khe suối nuôi cá, trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, ổn định cuộc sống.

     Từ đó, đã khuyến khích người dân tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Từ năm 2017 đến nay, BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, Đồn Biên phòng cùng với người dân địa phương tổ chức 36 đợt tuần tra, kiểm tra rừng, trong đó người dân bản địa có 484 lượt người. Qua kiểm tra đã kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, thu giữ 3,8 m³gỗ, tháo dỡ 180 dây bẫy động vật rừng, phá hủy 8 lán trại trái phép trong rừng…

     Phát huy các kết quả trước đây, năm 2018, BQL Khu BTTN tiếp tục giao khoán gần 10.000 ha rừng cho 109 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh, riêng xã Hướng Linh có 18 hộ được giao gần 1.000 ha. Nhận thấy khó khăn trong việc tuần tra, kiểm tra do khoảng cách từ nhà đến cửa rừng xa, tiềm ẩn nguy cơ rừng bị xâm hại, để rút ngắn khoảng cách đi lại, một số hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh đã tự nguyện dựng trại ngay cửa rừng để giúp việc tuần tra bảo vệ rừng được thuận tiện.

     Phục hồi tài nguyên rừng

     Bên cạnh việc kêu gọi người dân tham gia bảo vệ rừng, BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa còn chú trọng đến công tác phục hồi tài nguyên rừng. Tháng 8/2015, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt, BQL đã triển khai thực hiện mô hình “Phục hồi rừng tự nhiên trên đất trống” với 7 ha rừng (chia thành 2 lô: 1 lô 5 ha và 1 lô 2 ha) tại tiểu khu 667 KBTTN Bắc Hướng Hóa, thuộc xã Hướng Linh. Loài cây trồng chính trong diện tích này là những cây bản địa như  lim xanh, nhội, lát hoa, muồng đen, sau sau, xoan nhừ... Ngoài ra, một số loài cây mọc nhanh để phù trợ được trồng xen kẽ cây bản địa gồm trẩu, keo tai tượng. Khu vực trồng rừng bản địa chủ yếu là lau lách không có rừng, mùa khô nắng nóng kéo dài làm cho cây lau lách khô, dễ bắt lửa và cháy lan trên diện rộng. Hơn nữa, đây là khu vực người dân chăn thả gia súc (trâu, bò) nên dễ làm chết cây mới trồng. Do cây trồng ở độ cao hơn 700 m, đối diện với hướng gió, dẫn đến cây con mới trồng bị rụng lá, long gốc chết. Để vận chuyển cây giống bản địa đến khu vực trồng rừng, cán bộ của KBTTN phải gùi cây giống, phân bón trên lưng, băng rừng, vượt suối, vượt qua khó khăn để chăm sóc, bảo vệ từng cây trồng mới ở tiểu khu 667A. Nhờ kiên trì, sau 2 năm, diện tích phục hồi tài nguyên rừng có kết quả bước đầu, hơn 95% cây bản địa đã sống được và phát triển tốt.

 

KBTTN Bắc Hướng Hóa

 

     Đặc biệt, để việc thực hiện mô hình hiệu quả, BQL đã phối hợp với chính quyền xã Hướng Linh tổ chức họp dân tại 2 thôn Xa Bai và Mới nhằm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng rừng; vận động bà con cùng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây rừng. Ngoài ra, để bảo vệ, ngăn cháy lan vào rừng, BQL đã làm đường ngăn cản lửa bao quanh khu vực trồng cây rừng và làm hàng rào bằng kẽm gai để ngăn trâu bò phá hoại. Cùng với đó, BQL tiếp tục triển khai các mô hình trồng cây trẩu lấy hạt để tạo sinh kế bền vững cho người dân tại xã Hướng Lập; làm giàu rừng từ việc trồng sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên… Với những nỗ lực trên, đến nay, BQL đã tổ chức trồng được trên 350 ha cây bản địa như lát hoa, sao đen và trẩu, trong đó, nhiều diện tích trồng cây trẩu đã đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Thấy được lợi ích của việc phục hồi rừng ở địa phương, nhiều người dân đã tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây rừng. Mô hình bảo vệ rừng của KBTTN Bắc Hướng Hóa đạt được kết quả trên chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, biên phòng, BQL KBTTN và người dân bản địa, đặc biệt là việc lồng ghép hoạt động bảo vệ rừng với lợi ích kinh tế để người dân phát huy vai trò giữ rừng, “xem rừng là nhà” mà chăm lo, bảo vệ.

 

Nguyễn Thị Minh Hương

Sở NN&PTNT Quảng Trị

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

         

Ý kiến của bạn