Banner trang chủ

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi: Tăng cường thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

09/09/2020

    Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Ngãi không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường và thay đổi thói quen trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, mà còn xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải, góp phần BVMT nông thôn.

    Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày lễ, sự kiện quan trọng về môi trường như Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút hàng chục nghìn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Đồng thời, duy trì, phát triển Câu lạc bộ nông dân tự quản BVMT; Thành lập tổ thu gom, xử lý rác thải; Xây dựng, nhân rộng các mô hình: Tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp; thu gom bao bì thuốc BVTV; nhà sạch, đường đẹp… Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã vận động được hơn 450.000 lượt người tham gia vào hoạt động BVMT ở nông thôn; tổ chức 678 buổi sinh hoạt, truyền thông về Luật BVMT, vấn đề quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với gần 24.500 lượt người tham dự.

 

Người dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện miền núi Minh Long vứt rác đúng nơi quy định

 

    Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, các cấp Hội đã vận động trên 412.500 lượt hội viên, nông dân tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; phối hợp với Trung ương HND Việt Nam tổ chức 2 lớp tuyên truyền về công tác BVMT cho gần 400 cán bộ, hội viên, nông dân. Hưởng ứng phong trào Quảng Ngãi chung sức xây dựng NTM, cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh tích cực tham gia đóng góp 108.223 ngày công để tu sửa, nạo vét 85,5 km kênh, mương; làm mới, nâng cấp 258 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa 20 cầu, cống; hiến 34.984 mđất làm đường; đóng góp gần 35 tỷ đồng xây dựng các công trình công cộng, lắp điện thắp sáng đường quê; vận động 194.662 hộ gia đình hội viên, nông dân đăng ký gia đình văn hóa và có 146.636 hộ nông dân đạt Danh hiệu gia đình văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 59 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; số huyện đạt chuẩn NTM là 1 huyện; số tiêu chí bình quân/xã: 14,35; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

    Đi đầu là tập thể Ban Chấp hành HND huyện Bình Sơn - Đơn vị tiên phong trong việc xây dựng các mô hình nông dân tham gia BVMT. Toàn huyện có 100% cơ sở Hội đồng loạt triển khai với 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả, điển hình như mô hình BVMT của Chi hội An Cường, xã Bình Hải. Trước đây người dân có thói quen vứt rác ra những đoạn đường ít người qua lại, lâu dần thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), để giải quyết thực trạng trên, Chi hội nông dân An Cường đã phân công thành viên thường xuyên theo dõi, nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định; UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường, đồng thời cải tạo đất trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, đẹp, thông thoáng.

    Mô hình thu gom rác thải trên cánh đồng của HND xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) cũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể người dân và được chính quyền ghi nhận, tuyên dương năm 2018. Trong quá trình canh tác, người dân sử dụng thuốc BVTV để trừ sâu, diệt cỏ, một lượng lớn rác thải là bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng thường bị bỏ lại ở các bờ mương, chân ruộng gây ÔNMT. Vì vậy, HND xã Đức Phong đã đưa ra sáng kiến lắp đặt hố rác làm nơi thu gom rác thải và phối hợp với cán bộ nông dân địa phương cùng người dân trực tiếp khảo sát, tham gia lắp đặt hố rác. Theo đó, các hố rác làm bằng bê tông hình tròn, đường kính khoảng 80 cm, cao gần 1 m, có lỗ thoát nước, có nắp đậy, được bố trí ở các trục đường giao thông và trên toàn bộ trục đường mương thủy lợi. Sau khi lắp đặt, HND thường xuyên tuyên truyền để người dân bỏ rác, bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV đúng nơi quy định, đồng thời tổ chức thu gom, tiêu hủy rác thải hàng tháng, hàng quý, không để xảy ra tình trạng ứ đọng.

    Dân cư sống thưa thớt, xe thu gom rác không đến được tận nơi, nên người dân ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (huyện Minh Long) phải tự xử lý rác thải để BVMT. Cuối năm 2019, HND xã Long Sơn triển khai mô hình lò đốt rác ở Chi hội thôn Gò Tranh, dù hội viên nông dân ở địa phương đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chỉ trong một tháng vận động, các hội viên đã nhiệt tình đóng góp từ 50.000 -  100.000 đồng để xây dựng 2 lò đốt rác kiên cố, đặt ở 2 cụm dân cư trong thôn. Sau gần nửa năm xây dựng và vận hành lò đốt rác, người dân đã ý thức thực hiện phân loại rác tại nhà trước khi mang đến lò đốt và khi nào lò đầy rác, thì người dân cũng tự giác tiêu hủy, không gây ÔNMT.Với hiệu quả mà lò đốt mang lại, trong năm 2020, Chi hội tiếp tục vận động xây dựng thêm 2 lò đốt rác để thuận lợi hơn trong việc xử lý rác tập trung.

    Cũng thành công với mô hình lò đốt rác, năm 2019, HND xã Sơn Thượng (huyện Sơn Hà) đã xây dựng, đưa vào hoạt động 2 lò đốt rác ở thôn Tà Ba, Gò Ren. Kinh phí xây dựng mỗi lò đốt rác chỉ từ 1 - 2 triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, hạn chế tình trạng người dân vứt rác bừa bãi và xử lý rác thải không đúng cách; góp phần thực hiện tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, vừa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, vừa chung tay bảo vệ sức khỏe gia đình cũng như cộng đồng dân cư. Năm 2020, HND xã Sơn Thượng tiếp tục vận động người dân đóng góp kinh phí để xây dựng thêm 3 lò đốt rác.

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp HND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người  dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Đồng thời, đề ra những giải pháp cụ thể trong công tác BVMT nông thôn, hướng đến phát triển xanh và bền vững.

 

Lê Thị Ngọc - Nguyễn Đình Việt

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)

Ý kiến của bạn