07/11/2018
TP. Hạ Long là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh, có tổng diện tích tự nhiên là 27.195,03 ha, được phân thành 20 phường. TP có lợi thế về phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và du lịch, với nguồn tài nguyên phong phú, bao gồm: Khoáng sản, đất, rừng và đa dạng sinh học. Năm 2008, TP. Hạ Long vinh dự cùng 10 TP khác trong khu vực ASEAN được nhận danh hiệu “TP bền vững về môi trường”. Đến nay, sau 10 năm nhận danh hiệu, TP đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, bảo vệ danh hiệu và đạt được một số kết quả quan trọng.
Hiện nay, kinh tế của TP phát triển ổn định và tăng trưởng ở mức bình quân 19,4%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ từ 44,2% năm 2010 lên 53,98% năm 2017. Tổng thu ngân sách trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn (trên 60%) trong tổng thu ngân sách của toàn tỉnh. Song song với phát triển kinh tế, công tác BVMT được TP quan tâm, chú trọng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình, kế hoạch về BVMT, Quy hoạch môi trường tỉnh, môi trường vịnh, bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh... để các địa phương triển khai. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, TP đã xây dựng Quy hoạch BVMT TP. Hạ Long, Kế hoạch triển khai Quy hoạch BVMT vịnh Hạ Long do UBND tỉnh phê duyệt… Bên cạnh đó, công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT đã từng bước được kiện toàn (Phòng TN&MT, Quản lý đô thị, Ban Quản lý các dịch vụ công ích). Đến nay, UBND 20 phường đã có cán bộ chuyên trách về môi trường. Đặc biệt, năm 2012, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trực thuộc Công an TP cũng đã được thành lập, qua đó năng lực giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT được tăng cường.
Cùng với đó, TP thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng các điểm, khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, đánh giá hiệu quả các công trình xử lý nước thải (XLNT) của tổ chức/doanh nghiệp, thông qua việc lấy mẫu thường xuyên và đột xuất; Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn; Triển khai, áp dụng các mô hình và dự án nông nghiệp sạch, sản xuất an toàn theo hướng GAP...
Để công tác BVMT đạt hiệu quả, TP đã tổ chức xây dựng và triển khai các đề án về BVMT, phát triển bền vững như: Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giết mổ gia súc, gia cầm, thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong khu dân cư, trung tâm đô thị vào khu công nghiệp (KCN) tập trung; chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi bằng lò thủ công; di dân khỏi vùng sạt lở, di chuyển chợ đêm Bãi Cháy; kiến nghị và điều chỉnh không quy hoạch phát triển thêm các dự án sản xuất xi măng, nhiệt điện ven vịnh Hạ Long. Cùng với việc quy hoạch phát triển, TP. Hạ Long tăng cường đầu tư các hạng mục công trình xử lý môi trường; Xanh hóa đô thị, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch; Phát triển các nhà máy, trạm XLNT sinh hoạt (như Dự án Thoát nước và XLNT TP. Hạ Long, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản, dự kiến hoàn thành vào năm 2020); Cải tạo các bãi rác xử lý rác thải sinh hoạt của TP; Xây dựng các trạm quan trắc môi trường không khí và môi trường nước tự động... Qua đó, đã chủ động dự báo, phòng ngừa, khắc phục và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và sinh thái do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của con người gây ra.
Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh
Với những nỗ lực trên, đến năm 2017, TP giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 24,58%; 100% hộ dân được sử dụng điện chiếu sáng, nước sạch; 60% cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường (năm 2016); 55% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn lao động và phủ kín cây xanh trong khuôn viên thuộc khu vực sản xuất (năm 2016); 100% các KCN đi vào hoạt động đã đầu tư xây dựng trạm XLNT tập trung, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các dự án thứ cấp trong KCN. Các dự án trong KCN thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xác nhận hoàn thành công trình BVMT, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đạt 100%; 100% dự án thực hiện thu gom, XLNT theo quy định... Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98%; thu gom và XLNT sinh hoạt đạt 35% tổng lượng phát sinh; 100% chất thải ngành y tế được thu gom, xử lý... Đến hết quý I/2016, 100% các tàu lưu trú, vận chuyển khách tham quan trên vịnh Hạ Long đã có hệ thống XLNT nhiễm dầu đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Mỗi năm, TP phân bổ từ 8 - 10% tổng chi ngân sách đối với các nhiệm vụ sự nghiệp môi trường và đô thị. Hiện trên địa bàn TP. Hạ Long có tổng số 15 trạm quan trắc môi trường tự động. Các đơn vị quản lý trạm đang thực hiện kết nối dữ liệu từ trạm về trung tâm điều hành chung của Sở TN&MT để tổng hợp quản lý theo quy định. Đặc biệt, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thẩm định các địa điểm, chủ trương đầu tư, thủ tục về môi trường được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, theo quy định. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn TP không phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, TP còn một số tồn tại như: Hạ tầng đô thị của TP chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển hiện tại, đặc biệt là vấn đề thoát nước, XLNT; Môi trường TP bị ảnh hưởng bởi các nguồn thải từ các địa phương giáp ranh, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trong khi công tác phối hợp quản lý BVMT giữa các địa phương giáp ranh, lân cận còn hạn chế, đặc biệt là trao đổi thông tin, phối hợp giám sát, kiểm tra; Ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác than tuy đã được cải thiện hơn trước, song vẫn còn có những điểm ô nhiễm cục bộ; Các nguy cơ, sự cố về tiềm ẩn lún sụt đất (tại các khu vực Hà Khánh), trượt đất (trên sườn nghĩa trang Đèo Sen)...
Để giải quyết các vấn đề trên và giữ vững danh hiệu “TP bền vững về môi trường, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP. Hạ Long nói riêng sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án và các văn bản chỉ đạo về BVMT tại TP; Tập trung đầu tư các dự án về hạ tầng xử lý chất thải, thực hiện các giải pháp cấp bách về BVMT đô thị, ứng phó, giảm thiểu, khắc phục sự cố...; Đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị trong TP, trong tỉnh và giữa các tỉnh, TP lân cận trong các vấn đề quản lý chất thải đô thị, chất thải liên vùng, BVMT và các giá trị của vịnh Hạ Long. Đồng thời, thực hiện các giải pháp về tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiến tiến trong xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn; tuyên truyền, tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức đầu tư về lĩnh vực BVMT tại TP. Hạ Long, vịnh Hạ Long.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, với những nỗ lực và cố gắng không ngừng, TP. Hạ Long đã trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, đã nâng tầm và mở ra cho TP nhiều cơ hội thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Ths. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)