19/08/2019
Vai trò quản lý của địa phương cùng sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển bền vững tiếp tục được nhấn mạnh tại cuộc họp cấp lãnh đạo lần thứ năm, Sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà vừa được tổ chức tại Quảng Ninh.
Với những giá trị ngoại hạng toàn cầu thì vịnh Hạ Long cũng như khu vực Cát Bà là những tài sản vô giá, không chỉ của một dân tộc mà còn là của nhân loại nói chung. Phát triển du lịch tại vịnh Hạ Long bắt buộc phải theo hướng bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế - xã hội và môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu khó khăn này, các ý kiến thảo luận tại cuộc họp cấp lãnh đạo lần thứ năm Sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà đặc biệt quan tâm tới vai trò quản lý tại vịnh Hạ Long nói riêng và các khu di sản nói chung. Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft nhấn mạnh: Bên cạnh các yếu tố về thẩm mỹ thì công tác quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng tại một khu di sản UNESCO. Trong đó, sự quản lý của địa phương có di sản và người dân sống trong khu vực di sản là những thành trì bảo vệ đầu tiên gần nhất đối với di sản bởi vì các cơ quan quản lý cấp quốc gia không phải lúc nào cũng có mặt để quản lý và phát hiện ngay những sai phạm. Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng bày tỏ sự quan ngại về vụ việc xây dựng trái phép tại vùng lõi di sản Tràng An gần đây, như một ví dụ điển hình về sự buông lỏng quản lý của địa phương và mối đe dọa đối với di sản.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, tất cả các khu di sản cần một tổ chức quản lý thống nhất và hoàn chỉnh có khả năng tạo lập những điều kiện thích hợp cho việc bảo vệ và phát huy, đồng thời phải xây dựng kế hoạch quản lý di sản và các chương trình hành động với hàng loạt dự án thành phần có khả năng kiểm soát và ngăn chặn những tác động tiêu cực tới giá trị di sản trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Đối với khu di sản vịnh Hạ Long, mô hình quản lý thích hợp sẽ là quản lý nhà nước là chủ đạo, kết hợp với tư nhân quản lý một số mặt, một số khâu trong cả chuỗi hoạt động liên hoàn.
Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và cụ thể là Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có nhiều nỗ lực trong quản lý và phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, tuyên truyền giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ di sản, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện các điều kiện về môi trường như: kiểm soát chặt chẽ việc vận hành và sử dụng các thiết bị phân ly dầu nước trên các tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long, đảm bảo 100% rác thải tại các điểm tham quan được thu gom, thu gom triệt để rác thải trôi nổi, tăng cường thực hiện các hoạt động quan trắc và kiểm tra, giám sát...
Tuy nhiên, ông Jake Brunner, Quyền trưởng đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam cho rằng, để có thể giải quyết vấn đề về môi trường thì ngoài vai trò của nhà nước cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp tư nhân. Trong một năm qua, sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà đã huy động được hơn 27.000 USD từ các doanh nghiệp như Bhaya, Coca-Cola, Indochina Junk… để tổ chức các chiến dịch làm sạch bờ biển và cuộc thi tìm giải pháp hạn chế rác thải nhựa. Về giải pháp xử lý nước thải cho tàu du lịch trên vịnh, phía IUCN đề xuất thu hút đầu tư từ khối tư nhân, với mức chi phí đầu tư ban đầu khoảng 3,1 triệu USD và khả năng hoàn vốn sau 5 năm.
Ngoài ra, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long hiện nay có sự đóng góp của các tổ chức quốc tế. Trong đó, IUCN và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD)… triển khai lắp đặt thùng rác nổi trên vịnh Hạ Long, cải tạo các biển tuyên truyền bảo vệ môi trường... Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang cùng tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, trồng rừng ngập mặn, đóng các tàu thu gom, vận chuyển chất thải trên vịnh Hạ Long… Có thể thấy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tận dụng nguồn lực quốc tế cũng sẽ là giải pháp hiệu quả cho việc phát triển du lịch bền vững tại các khu di sản ở Việt Nam.
Minh Châu - Nhâm Hiền
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)